Học tập đạo đức HCM

Phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV: Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt

Thứ tư - 12/09/2018 10:43
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Bổ sung hai chính sách mới

Trình bày Báo cáo về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, dự thảo Luật bổ sung hai chính sách mới. Theo đó, không thu học phí đối với trẻ em Mầm non 5 tuổi, học sinh Trung học Cơ sở trường công lập, hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập và nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên Mầm non từ Trung cấp Sư phạm lên Cao đẳng Sư phạm.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiện nay khung học phí Mầm non, Phổ thông quy định đối với các trường công lập khá thấp (khu vực thành thị từ 60.000 - 300.000 đồng; khu vực nông thôn từ 30.000 - 120.000 đồng; khu vực miền núi từ 8.000 - 60.000 đồng). Các cơ sở giáo dục ngoài công lập tự quyết định mức thu học phí. Tuy nhiên, đến nay, Nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với giáo dục Tiểu học, còn giáo dục Trung học Cơ sở, trẻ em Mầm non 5 tuổi (học sinh thuộc diện phổ cập) vẫn chưa được miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trên cơ sở đánh giá tác động chính sách và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí như đối với trẻ Mầm non 5 tuổi, học sinh Trung học Cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Về chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên Mầm non từ Trung cấp Sư phạm lên Cao đẳng Sư phạm, Bộ trưởng cho biết: Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và quốc tế, phần lớn các nước phát triển đều yêu cầu có trình độ đào tạo Đại học hoặc sau Đại học (Thạc sĩ hoặc chứng chỉ sau Đại học) đối với giáo viên Mầm non. Nhiều nước, vùng lãnh thổ trong khu vực yêu cầu có trình độ đào tạo Cao đẳng Sư phạm đối với giáo viên Mầm non như: Singapore, Thái Lan, Hồng Kong, Đài Loan, Malaysia.

Hiện nay, tổng số giáo viên Mầm non (bao gồm cả nhà trẻ và mẫu giáo) là 337.488 giáo viên, trong đó số lượng giáo viên đạt chuẩn trình độ trung cấp trở lên là 332.403 người (chiếm 98,5%). Nếu tính đạt trình độ từ Cao đẳng trở lên, số lượng giáo viên Mầm non chưa đạt chuẩn là 107.150 (chiếm 33,8%). Tổng kinh phí đào tạo nâng chuẩn là khoảng 857,2 tỷ đồng. Nếu thực hiện theo lộ trình 5 năm, mỗi năm chi chỉ khoảng 171,4 tỷ đồng và ngân sách có thể cân đối.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, cho biết Thường trực Ủy ban tán thành với chính sách về học phí đối với học sinh diện phổ cập như trong dự thảo Luật và cho rằng, chính sách trên đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về phổ cập, xã hội hóa giáo dục; thúc đẩy, khuyến khích các loại hình trường dân lập, tư thục phát triển để tham gia thực hiện giáo dục phổ cập; thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với người học diện phổ cập, đồng thời tạo sự bình đẳng giữa trường công lập, trường dân lập, tư thục. Để chính sách ưu việt này được triển khai khả thi, có hiệu quả, Thường trực Ủy ban đề nghị quy định rõ hơn về lộ trình thực hiện chính sách, trong đó đặt ra yêu cầu, thời điểm và điều kiện triển khai thực hiện chính sách học phí đối với người học thuộc diện phổ cập giáo dục này.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cơ bản tán thành với việc nâng trình độ chuẩn đào tạo đối với giáo viên Mầm non từ Trung cấp Sư phạm lên Cao đẳng Sư phạm như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, việc chuẩn hóa đội ngũ không chỉ ở tiêu chí trình độ đào tạo, mà quan trọng là chất lượng đào tạo và năng lực phù hợp với vị trí việc làm của nhà giáo. Vì thế, Ban soạn thảo cần xác định phương thức đào tạo nâng chuẩn, các nguồn lực thực hiện chính sách để bảo đảm tính khả thi; đồng thời đánh giá tác động đối với các trường trung cấp sư phạm và số giáo sinh Sư phạm đang theo học hệ Trung cấp khi chính sách này được thực hiện.

Lãng phí trong sử dụng sách giáo khoa

Tại phiên thảo luận sáng 12/9, nhiều vấn đề “nóng” trong lĩnh vực giáo dục tiếp tục được các đại biểu đặt ra.

Liên quan đến sách giáo khoa, Điều 29 dự thảo Luật quy định: Mỗi môn học có một hoặc nhiều sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập.

Nhấn mạnh không thể để nhà trường chọn sách giáo khoa vì có thể dẫn đến tiêu cực rất lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, cần có sự thống nhất trong cả nước, đảm bảo tính tổng thể, toàn diện của giáo dục. Về chương trình giáo dục, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu giảm tải ngay các môn học trong chương trình phổ thông, tránh gây áp lực cho học sinh. “Làm sao cho các em học mà chơi, chơi mà học. Giờ kiến thức nhồi nhét quá lớn, nhìn các cháu học mà thương, tí tuổi đã cận thị hết rồi”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đề nghị, cần cân nhắc quy định “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa”, đặc biệt là đối với cấp Tiểu học. Hiện nay, cử tri phàn nàn về việc sách giáo khoa sử dụng 1 lần vì cho rằng rất lãng phí. Đại biểu dẫn chứng: Năm học 2018-2019, Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra thị trường 100 triệu bản sách giáo khoa và 100 triệu bản này sang năm sẽ hoàn toàn không sử dụng.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ dự phiên họp. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Mỗi năm, phụ huynh phải chi trung bình 1.000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa, chỉ một mục đích là quyển sách đó sử dụng 1 lần là do có phần bài tập đi kèm, sang năm tái bản nội dung vẫn như vậy, chỉ in lại phần bài tập. “Tới đây áp dụng “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa”, vấn đề này sẽ như thế nào? Cử tri gọi điện, viết thư cho chúng tôi rất bức xúc”, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu.

Liên quan đến việc thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, Trưởng Ban Dân nguyện đề cập đến câu chuyện thời sự về sách tiếng Việt lớp 1 theo Công nghệ giáo dục hiện nay. “Nếu phụ huynh muốn học cùng con sẽ mua sách ở đâu hay đây là sách bán độc quyền theo chương trình dạy? Khi thực nghiệm trở thành đại trà sẽ thế nào”, bà Hải băn khoăn.

Cũng quan tâm đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, làm thử có thành công, có thất bại nhưng thời gian qua, những hoạt động thí điểm giáo dục nhận nhiều ý kiến trái chiều, nhất là thí điểm cải cách tiếng Việt. Bà Nga đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm của mình.

Giải trình về nội dung về thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định giáo dục luôn cần đổi mới và khi đổi mới sẽ có thử nghiệm, thực nghiệm. Tuy nhiên, Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt, ít nhất trong vài năm tới.

Phó Thủ tướng cho biết, việc tranh luận vừa qua về tài liệu tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến chính thức. Đây chỉ là một phương pháp dạy học tiếng Việt, chủ yếu dạy cách phát âm cho trẻ mới đi học chứ không phải đổi mới hay cải cách tiếng Việt.

Nhiều ý kiến khẳng định, giáo dục có phạm vi ảnh hưởng lớn, tác động lâu dài tới đời sống, xã hội nên cần cẩn trọng khi quyết định thay đổi chính sách, nhất là liên quan đến bộ máy tổ chức, chương trình... Tuy nhiên, vì thiếu khuôn khổ pháp lý, hoạt động thí điểm trong giáo dục thời gian qua còn nhiều lúng túng, một số chương trình thí điểm gây nhiều ý kiến trái chiều trong cử tri và dư luận xã hội.

Từ thực tế này, các đại biểu đề nghị bên cạnh việc quy định “Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước, những chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học” như Luật hiện hành, cần bổ sung quy định Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ trước khi quyết định thí điểm chính sách mới trong giáo dục mà việc áp dụng đại trà sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân. Trong đó, cần làm rõ nội dung về quy trình, mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy mô, thời gian thực hiện thí điểm.

Làm rõ khái niệm tự chủ Đại học

Tại phiên họp sáng 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Về tự chủ Đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ khái niệm tự chủ là quyền được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định, có trách nhiệm giải trình về các hoạt động chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, các hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật, năng lực của cơ sở giáo dục đại học.

Đồng thời, chỉnh sửa nội dung Điều 32 về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục Đại học theo hướng nêu rõ các điều kiện để được tự chủ; cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản cũng như chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình, yêu cầu đặt ra đối với cơ sở giáo dục Đại học khi thực hiện tự chủ.

Đồng tình với Báo cáo thẩm tra, tuy nhiên, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, cần minh bạch thiết chế thực hiện quyền tự chủ của các trường Đại học; cơ chế, chính sách để thực hiện quyền tự chủ như thế nào? làm rõ mối quan hệ giữa Hội đồng trường với nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng của Ban Giám hiệu nhà trường, Hiệu trưởng...

Về mô hình hệ thống cơ sở giáo dục Đại học, tiếp thu ý kiến đại biểu, trên cơ sở thực tiễn của hệ thống cơ sở giáo dục Đại học Việt Nam hiện nay, để bảo đảm tính ổn định, kế thừa các quy định của Luật hiện hành cũng như tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc mở rộng, phát triển của các nhà trường tiệm cận với xu hướng chung của thế giới, tạo điều kiện quy hoạch lại mạng lưới các trường Đại học, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thống nhất quy định tại dự thảo Luật hệ thống cơ sở giáo dục Đại học gồm có trường Đại học và Đại học.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Dự thảo Luật quy định các Trường Đại học có thể tự lớn mạnh và thành lập các trường trực thuộc bên trong (với điều kiện, tiêu chuẩn do Chính phủ quy định) hoặc trên cơ sở tự nguyện hay được Nhà nước quy định, kết hợp, sáp nhập với nhau trên cơ sở có cùng chức năng, sứ mệnh để trở thành một Đại học. Đại học có các Trường Đại học thành viên, Trường, Viện và các đơn vị trực thuộc khác nhằm gia tăng giá trị của toàn hệ thống.

Theo chương trình, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2018 và kế hoạch kiểm toán năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước; Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hợp quốc về đóng góp Nguồn lực tới Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Nam Xu-đăng.

Phan Phương (TTXVN)
 
 
 
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập790
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm787
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại781,134
  • Tổng lượt truy cập93,158,798
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây