Học tập đạo đức HCM

Tái cơ cấu ngành trồng trọt cần những bước đột phá

Thứ tư - 05/08/2015 22:19
Hiện nay, ngành trồng trọt đã chuyển đổi hơn 260 nghìn ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng các cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương có không ít cán bộ lãnh đạo chưa hiểu đúng, hiểu đầy đủ về tái cơ cấu ngành trồng trọt dẫn đến lúng túng trong việc lập quy hoạch và phê duyệt đề án.

Quy hoạch thiếu đồng bộ

Tại tỉnh Long An, dù đã sớm quy hoạch vùng đất lúa nhằm từng bước đưa các giống cây trồng khác thay thế cây lúa, nhưng đến nay, cây lúa vẫn chiếm đến 94% tổng diện tích đất canh tác hằng năm của tỉnh. Tỉnh An Giang, dù đã phê duyệt đề án chi tiết tầm nhìn đến 2020 trên năm ngành hàng chủ chốt là lúa - gạo, rau - màu, cá tra, chăn nuôi bò và nấm ăn - nấm dược liệu với quyết tâm đưa thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 49 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất đất nông nghiệp bình quân đạt 192 triệu đồng/ha vào năm 2020. Song, thực tế sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của tỉnh đang đứng trước nguy cơ phá vỡ quy hoạch, chưa thể chủ động trong công tác dự báo về nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cây rau màu cũng như số lượng, chủng loại, giá cả... khiến nông dân không mấy tin tưởng, yên tâm sản xuất.

Nguyên do là chưa thiết lập được hệ thống bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, trong đó vai trò của doanh nghiệp trong đặt hàng sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữ vai trò quan trọng trong đề án tái cơ cấu hiện còn lỏng lẻo, nếu không muốn nói là có rất ít doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết này. Chưa kể, để thực hiện đề án, tỉnh cần xây dựng nhiều nhà máy chế biến nông sản tại các vùng nguyên liệu, trong khi số nhà máy đi vào hoạt động hiện nay mới chỉ tính trên đầu ngón tay như hiện nay…

Trao đổi với phóng viên về vấn đề tiêu thụ nông sản sau thu hoạch, ông Nguyễn An Nhơn, một nông dân thị xã Châu Đốc cho biết: Sản phẩm cây rau màu sau thu hoạch luôn phải đối mặt với giá cả bấp bênh, không ổn định do chưa có công ty bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Trước đây gia đình trồng lúa nếu không bán được cho các công ty thì có thể bán cho thương lái, nay chuyển sang trồng rau màu, người thu mua ít, nếu trừ các khoản chi phí phục vụ sản xuất thì người nông dân thu nhập chẳng đáng là bao.

Vội vàng trong lập quy hoạch, lập quy hoạch không theo sát với thực tiễn đang là một thực tế xảy ra tại nhiều địa phương, khiến chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt có được giá trị sản xuất cao, nhưng tốc độ tăng trưởng thấp là một cái kết buồn không thể phủ nhận.

Cần mạnh dạn đột phá

Có một thực tế vẫn thường lặp đi, lặp lại trong sản xuất nông nghiệp mà chưa có được liều thuốc đặc trị hữu hiệu, đó là “được mùa, mất giá”. Trong khi, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đầu tư cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn thời gian qua lại được tăng cường đáng kể. Đánh giá về tình trạng này, Bộ trưởng NN và PTNT Cao Đức Phát cho rằng: “Cần thay đổi cách tiếp cận đối với trồng trọt từ sản xuất tự cung, tự cấp ở miền núi, sản xuất đủ tiêu dùng có dư thừa thì mới bán ở đồng bằng sông Hồng và một số địa phương sang sản xuất hàng hóa. Thông qua sản xuất hàng hóa để có thu nhập cao hơn, có đủ lương thực, thực phẩm nâng cao thu nhập. Nông nghiệp phải là một nền sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế, các sản phẩm của ngành trồng trọt phải hướng đến chất lượng cao hơn, với giá thành giảm để tạo cạnh tranh với những nông sản nhập khẩu”.

Xác định nông nghiệp giữ thế chủ động trong phát triển kinh tế địa phương, tỉnh Nam Định đã mạnh dạn chọn khâu đột phá trong tái cơ cấu ngành trồng trọt bằng những chính sách ưu đãi đặc thù cho các doanh nghiệp, từ đó hình thành nên những mô hình thuê gom đất, như Công ty TNHH Cường Tân sản xuất giống lúa và cây vụ đông với quy mô 600 ha/năm, lợi nhuận bình quân đạt 70 triệu đến 80 triệu đồng/ha/năm (cao gấp bảy đến tám lần so với sản xuất lúa đại trà); mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa chất lượng cao theo cánh đồng mẫu lớn giữa Tổng Công ty Lương thực miền bắc, với các HTX trong tỉnh cho lợi nhuận bình quân từ 18 triệu đến 20 triệu đồng/ ha/vụ (cao gấp 2 đến 3 lần so với sản xuất đại trà) khiến cho nông dân vô cùng phấn khởi, tự tin sản xuất.

Tìm ra thế mạnh để tập trung nguồn lực, từng bước phát huy thế mạnh trong liên kết sản xuất không chỉ là bí quyết giúp tỉnh Nam Định có được những kết quả bước đầu trong tái cơ cấu ngành trồng trọt, mà Tổng công ty cà-phê Việt Nam, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng có được những thành công tương tự. Hai năm trở lại đây, Tổng công ty cà-phê đã tái cơ cấu được 18 nghìn ha cà-phê hiện có (trong đó, cà-phê chè còn 500 ha), 3.000 ha lúa nước (trong đó có 1.000 ha sản xuất lúa lai, lúa xác nhận), hơn 2.000 ha cao-su, 500 ha ca-cao, 1.000 ha hồ tiêu và khoảng 100 ha trồng cỏ được đánh giá là phù hợp về đất đai, vốn, lao động, quản lý và nhất là hiệu quả thu nhập cao hơn so với trước khi tái cơ cấu.

Hiểu rõ về thổ nhưỡng, về tập quán canh tác và giống cây trồng chủ lực của địa phương, từ đó hình thành nên những vùng sản xuất chuyên canh và chủ động trong việc bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch đã trở thành bài học nằm lòng của các doanh nghiệp tham gia đầu tư nông nghiệp và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ của nhà nước, của từng địa phương đã và đang đem lại những quả ngọt đầu tiên trong tái cơ cấu ngành trồng trọt.

Thực tế việc nóng vội chạy theo thành tích, hay hiểu chưa đúng về tái cơ cấu như đã từng xảy ra tại một số địa phương vừa qua là những bài học cần phải được nhìn nhận. Chỉ khi làm tốt việc lập quy hoạch sát với thực tiễn và tạo mối liên kết giữa bốn nhà (Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông) một cách chặt chẽ mới chính là động lực, là chìa khóa để tái cơ cấu ngành trồng trọt nói riêng và nền nông nghiệp Việt Nam nói chung từng bước đi đến thắng lợi.

Sau hai năm thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt, giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt năm 2014 tăng 3,2%. Năng suất của hầu hết các loại cây trồng chủ lực tăng mạnh, chất lượng một số loại nông sản được cải thiện, như: Lúa gạo, chè, vải, nhãn, bưởi, thanh long,… Một số mặt hàng có thị trường, giá trị xuất khẩu tăng mạnh như: Rau quả tăng bình quân 42,8%/năm, hạt tiêu tăng 23%/năm, hạt điều tăng 16,5%/năm.

(Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập346
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại856,111
  • Tổng lượt truy cập92,029,840
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây