Học tập đạo đức HCM

Trạm Khuyến nông tiên phong thành lập Trung tâm Mạ khay

Thứ tư - 19/09/2018 04:56
Trong xu thế nhiều tỉnh, thành đã, đang và sẽ sáp nhập các trạm khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y vào thành trung tâm dịch vụ, thì pháp nhân mới này phải làm gì để dần tự chủ về tài chính mà vẫn phát huy được khả năng chuyên môn của đội ngũ cán bộ này?

Đi theo hướng tư nhân chê làm

Do yếu tố đặc thù lịch sử để lại từ trước đây nên Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất có đội ngũ nhân sự đông đảo vào dạng nhất của Hà Nội nhưng bù lại cũng có diện tích đất rất rộng rãi để có thể thực hiện được các dịch vụ đi kèm.

15-10-18_dsc_8908
Máy cấy ở ngoại thành Hà Nội

Trên cái nền cơ bản ấy, Trung tâm Mạ khay Kubota vừa mới được thành lập để làm dịch vụ giúp khuyến nông Thạch Thất trở thành một đơn vị sớm vào diện nhất nhì của khuyến nông Hà Nội tiên phong trong việc mở hướng phát triển mới đi bằng “chân” dịch vụ.

Mạ khay, cấy máy là khâu khó khăn nhất trong cơ giới hóa đồng bộ cho cây lúa, nó đòi hỏi áp dụng nhiều kỹ thuật từ làm mạ và cấy cho đến tập quán của người nông dân vốn quen cấy với mật độ dày. Bởi thế mà khác với đầu tư mua máy cày, máy gặt ầm ầm, đội ngũ tư nhân làm dịch vụ rất ngán đầu tư cho sản xuất mạ khay, cấy máy. Đi theo hướng khó chính là một việc làm dũng cảm của Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất. Cách đây mấy năm Trạm đã bắt đầu thử nghiệm làm dịch vụ mới này với suất đầu tư khá khiêm tốn để hiện nay phát triển lên một quy mô lớn hơn nhiều.

Theo Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thạch Thất, anh Nguyễn Bùi Hải, Trung tâm Mạ khay được đặt tại xã Kim Quan với cơ cấu tổ chức gồm: Công nhân kỹ thuật làm việc thường xuyên: 6 người; Quản lý: 1 người (kiêm nhiệm); Kế toán; thủ kho; thủ quỹ: 3 người (kiêm nhiệm). Diện tích đất đang quản lý gồm 1,5ha (trụ sở, nhà xưởng, vườn rau, vườn mạ, vườn cây ăn quả, ruộng trồng lúa, ao nuôi cá, tức thừa đủ không gian để sản xuất tới 100.000 khay mạ/vụ).

Tiếng là Thủ đô nhưng Hà Nội vẫn còn diện tích đất nông nghiệp rất lớn (riêng lúa còn khoảng 100.000ha), vẫn có cả triệu người dân nông thôn liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Trong khi các công đoạn khác của cơ giới hóa đồng bộ cho cây lúa rất phát triển thì chỉ có khoảng vài phần trăm được áp dụng mạ khay, máy cấy, được giải phóng khỏi các công việc nặng nhọc vốn là nỗi ám ảnh của nghề nông cày, cấy và gặt hái.

Trang thiết bị phục vụ sản xuất mạ khay hiện có gồm: Nhà xưởng: 500 m2; Dây chuyền gieo mạ: 1 chiếc; Khay gieo mạ: 16.000 chiếc; Băng tải: 0 chiếc; Máy nghiền đất: 1 chiếc; Bể ngâm thóc giống: 1 chiếc; Bể chứa nước gieo mạ: 1 chiếc; Máy bơm tưới mạ: 2 chiếc; Sân chăm sóc mạ: 5.000m2.  

Dư địa rất lớn

Thực tế hiện nay, diện tích mạ khay cấy máy của huyện Thạch Thất chỉ chiếm khoảng 5% diện tích lúa - nghĩa là còn một dư địa rất lớn để cho Trung tâm Mạ khay của Trạm Khuyến nông phát triển với hai gói chọn lựa. Những nơi nào chủ động được khâu thủy lợi tưới tiêu, áp dụng cấy máy vào được thì mua mạ về cấy máy còn nơi nào không chủ động được thì mua mạ về cấy tay.

Làm mạ dược kiểu truyền thống rồi cấy tay như cách ngàn đời nay bà con vẫn làm thực tế đã chứng minh chi phí sản xuất đội lên rất cao, mỗi sào mất 300.000 đồng còn mạ khay, cấy máy giúp chi phí giảm xuống chỉ còn khoảng 150.000 đồng.

Hơn thế, mạ khay, máy cấy còn tiết kiệm được công sức cho những vùng nông thôn cận đô thị, nhiều ngành nghề như Thạch Thất, khi các lao động rời quê mỗi lúc một nhiều, khi nguy cơ bỏ hoang ruộng ngày một hiện hữu.

Kết quả hoạt động vụ xuân năm 2018 của Trung tâm Mạ khay được tính toán chi li: Số khay mạ được sử dụng để cấy 16.121 trong đó số khay mạ cấy bằng máy 15.315 khay (chiếm 95%), số khay mạ cấy bằng tay 806 khay (chiếm 5%), số giống sử dụng 2.183kg gồm 11 loại trong đó giống hộ dân mua 1.774 kg, Trung tâm mua 409kg. Tổng số khách hàng sử dụng dịch vụ là 335 người trong đó đến đăng ký trực tiếp 18 người và đăng ký qua 8 người đại diện 317 người. Cân đối tài chính của vụ này dựa trên tổng thu 171.503.000 đồng và tổng chi 158.925.000 đồng nên lợi nhuận còn 12.578.000 đồng.

15-10-18_dsc_0259
Khách tham quan quy trình sản xuất mạ khay

Sang đến vụ mùa năm 2018, tình hình khá hơn, tổng số khay mạ được sử dụng để cấy tăng lên 19.353 khay trong đó số khay mạ cấy bằng máy 19.153 khay (chiếm 98,9%), số khay mạ cấy bằng tay 200 khay (chiếm 1,1%). Số giống sử dụng 2.451kg gồm 14 loại giống trong đó giống hộ dân mua 2275 kg, Trung tâm mua 175kg. Khách hàng là HTX (đăng ký qua người đại diện) là 8 còn khách hàng là hộ dân đăng ký trực tiếp 12 người. Số máy cấy do Trung tâm phục vụ đã lên tới 14 máy trong đó có 3 máy 6 hàng, 11 máy 4 hàng. Sau khi cân đối tài chính dựa trên số thu 290.295.000 đồng và số chi 253.932.000 đồng, lợi nhuận của vụ mùa này đã đạt 36.363.000 đồng.

Dù lợi nhuận còn khá khiêm tốn nhưng đó là những tín hiệu khá tốt để cho đội ngũ cán bộ khuyến nông huyện Thạch Thất thêm vững niềm tin vào hướng đi đã lựa chọn. Kế hoạch hoạt động sản xuất của Trung tâm Mạ khay cho vụ xuân 2019 tới là phát triển lên 25.000 khay, vụ mùa lên 35.000 khay/vụ nên rất cần những chính sách hỗ trợ kịp thời từ phía nhà nước cũng như phía doanh nghiệp cung cấp máy móc, thiết bị.

Dùng mạ khay để cấy máy giúp nông dân giảm chi phí sản xuất như tiết kiệm được giống, ít tốn nhân công (công lấy bùn, làm đất gieo mạ, nhổ mạ đem đi cấy, công vận chuyển mạ và công cấy).

Theo tính toán, mỗi sào cấy lúa bằng máy người nông dân giảm chi phí từ 100.000  – 150.000 đ so với gieo cấy bằng phương pháp thủ công. Đồng thời lúa cấy bằng máy do cấy nông, cấy thưa nên khả năng đẻ nhánh khỏe (1 khóm đẻ được 13 - 14 dảnh, cấy tay chỉ đẻ được 5 – 6 dảnh/khóm), ruộng thông thoáng ít sâu bệnh, giảm việc sử dụng thuốc BVTV, tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người nông dân, góp phần bảo vệ môi trường, năng suất tăng hơn so với phương pháp truyền thống từ 7 - 10%.

Ngoài ra việc sử dụng mạ khay để cấy máy còn giúp các HTX nông nghiệp quy hoạch được vùng sản xuất, gieo cấy cùng một loại giống, cùng trà, thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm.

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG/nongnghiep.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập267
  • Hôm nay105,091
  • Tháng hiện tại852,614
  • Tổng lượt truy cập93,230,278
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây