Mới đây, lô hàng thịt gà chế biến đầu tiên của Việt Nam đã xuất khẩu thành công sang thị trường nổi tiếng khó tính là Nhật Bản. Đây là một dấu ấn quan trọng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, mở ra những cơ hội mới để sản phẩm nông nghiệp nước ta có thể tiến xa hơn nữa, chinh phục các thị trường khó tính và giàu tiềm năng.
Song những kết quả, thành công đó mới chỉ là những bước đầu tiên. Còn nhiều rào cản mà ngành chăn nuôi cần phải vượt qua để hướng đến tham vọng xuất khẩu ở quy mô lớn.
Cơ hội rộng mở
Ngày 9/9 vừa qua là một dấu mốc quan trọng với ngành chăn nuôi, chế biến gia cầm của nước ta khi Công ty TNHH Koyu & Unitek (liên doanh giữa Australia và Nhật Bản, đóng tại Khu công nghiệp Long Bình, tỉnh Đồng Nai) lần đầu tiên xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến sang Nhật Bản.
Để có được thành công này, công ty đã có một bước chuẩn bị dài với 3 năm xây dựng chuỗi liên kết từ con giống, chăn nuôi đến giết mổ, chế biến theo một quy trình được kiểm soát chặt, buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe như: tuyệt đối không được dùng thuốc phòng ngừa cúm; khu vực chăn nuôi phải được công bố an toàn dịch; cấm sử dụng nhiều loại kháng sinh và đặc biệt, cấm sử dụng bất kỳ loại kháng sinh nào trong 10 ngày trước khi giết mổ.
Đây đều là những yêu cầu không phải dễ đáp ứng; để làm được thì buộc phải xây dựng chuỗi liên kết khép kín, với sự hỗ trợ và giám sát chặt chẽ từ các chuyên gia.
Công ty Koyu & Unitek tiết lộ, phía Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu mỗi tháng khoảng trên 2.000 tấn thịt gà, nhưng hiện công ty mới chỉ đáp ứng được khoảng 300 tấn/tháng. Trong khi giá gà đi Nhật cao hơn khoảng 30% so với tiêu thụ trong nước, nên tất yếu công ty sẽ mở rộng chuỗi liên kết, nâng công suất chế biến để tăng lượng xuất khẩu.
Ông James Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Koyu & Unitek cho biết, trong tương lai nếu suôn sẻ, công ty sẽ liên kết thêm hộ nông dân để khai thác theo chuỗi, lấy nguyên liệu đủ cung cấp đủ cho thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ có hướng phát triển cho các nước khác.
Ngoài Nhật Bản, hiện nay còn nhiều thị trường khác như các nước châu Âu, Trung Quốc, Myanmar… cũng có nhu cầu lớn đối với sản phẩm thịt gà chế biến sẵn. Do đó cơ hội của thịt gà Việt Nam rất rộng mở. Vấn đề cốt yếu là Việt Nam phải giải quyết triệt để những tồn tại lâu nay của ngành chăn nuôi trong nước.
Còn nhiều rào cản
Đồng Nai hiện là địa phương chăn nuôi gà lớn nhất cả nước với hơn 14 triệu con nhưng chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước. Suốt nhiều năm, gà nuôi ở Đồng Nai không thể xuất khẩu bởi chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm không đáp ứng được các tiêu chuẩn của nước ngoài. Kể cả đến thời điểm này, khi đã có những lô hàng thịt gà đầu tiên đi Nhật thành công, thì cũng chỉ mới là sự nỗ lực của một vài đơn vị tiên phong.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú ý - Chăn nuôi, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề an toàn thực phẩm, tồn dư kháng sinh và an toàn dịch bệnh vẫn đang là rào cản lớn nhất.
“Rrào cản lớn nhất đối với chăn nuôi của Việt Nam nói chung và của Đồng Nai nói riêng là khâu phòng chống dịch bệnh. Cần phải thực hiện trại an toàn dịch bệnh và vùng đệm an toàn dịch bệnh sau đó mới đặt vấn đề sản xuất sản phẩm. Thị trường nước ngoài yêu cầu sản phẩm an toàn tuyệt đối, không có tồn dư kháng sinh, kim loại nặng, đảm bảo chỉ tiêu vi sinh”, ông Quang chỉ rõ.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ bày tỏ trăn trở, ngành chăn nuôi gia cầm trong nước vẫn còn nhiều rào cản khác, không chỉ là rào cản về kỹ thuật, về an toàn vệ sinh thực phẩm, mà vấn đề còn nằm ở khâu quản lý và quy hoạch chăn nuôi.
Ông Ngọc so sánh, ở những nước phát triển, các trang trại thường độc lập, cách xa nhau để tạo nên một vùng an toàn dịch. Ở nước ta, cơ quan quản lý lại “dồn” các trang trại về một chỗ với cái tên “khu chăn nuôi tập trung”. Điều này, theo ông Ngọc là đi ngược lại cách làm của thế giới.
“Ở các nước, quy mô chăn nuôi 100.000 con phải cách nhau 1km mới đảm bảo vùng đệm an toàn, không sử dụng kháng sinh để đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong khi ở các trang trại của Việt Nam tổ chức chăn nuôi tập trung, gà nhiều lứa tuổi, nhiều bệnh nên phải dùng thuốc kháng sinh nhiều”, ông Ngọc nói.
Việc cấp phép tràn lan, chồng lấn cũng tạo nên sự lộn xộn nhất định ở các vùng chăn nuôi. Một trang trại dù được đầu tư với quy mô lớn, kiểm soát chặt chẽ nhưng chỉ cần một nông hộ nhỏ lẻ hoặc một trang trại quy mô nhỏ hơn tới “nằm” bên cạnh, lập tức vùng an toàn dịch bệnh bị phá sản.
Trong khi vùng an toàn dịch là một trong những tiêu chuẩn cơ bản nhất về vệ sinh dịch tễ mà đối tác nước ngoài yêu cầu. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết bằng các biện pháp quản lý hành chính, có quy hoạch chi tiết, cụ thể; việc cấp phép phải phù hợp với quy hoạch.
Ðồng Nai hiện là địa phương duy nhất của cả nước đã xây dựng thành công 2 vùng an toàn dịch bệnh tại huyện Trảng Bom và Thống Nhất, hoàn thành khống chế bệnh cúm gia cầm và Newcastle ở quy mô nông hộ và trang trại. Đây có thể nói là tiền đề để gỡ dần các rào cản cho ngành chăn nuôi mà bằng chứng là lô hàng đầu tiên xuất phát từ Đồng Nai đã đi Nhật thành công.
Nhưng ở quy mô vùng, ngành chăn nuôi gia cầm cả nước vẫn còn nhiều việc phải làm, từ vấn đề vệ sinh dịch tễ cho tới việc xây dựng các công cụ quản lý, quy hoạch phù hợp để con gà Việt Nam tiến xa hơn ra thế giới./.
Theo Xuân Lượng/vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;