“Lấy ngắn nuôi dài...”
Sinh ra trong 1 gia đình có truyền thống đánh cá giỏi bên dòng sông Nhật Lệ, thuở nhỏ, Nguyễn Văn Long đã rất yêu thích nghề biển. Năm 15 tuổi, vừa học xong lớp 7, Long đã từ giã mái trường để theo học nghề đánh cá.
Vốn tính siêng năng, hiếu động, ham học nên anh tiếp thu kỹ thuật rất nhanh từ tính toán trăng, nước đến buông câu, thả lưới. Chẳng bao lâu, bằng trí sáng tạo, anh đã cải tiến phương pháp kết mồi câu thu, chạy câu đạt hiệu quả cao, được các lão ngư trong làng ngoài xã thán phục.
Năm 1983, tròn 20 tuổi, Nguyễn Văn Long chính thức trở thành xã viên Hợp tác xã Nghề cá Hải Thành, trong 10 năm hoạt động (1983 - 1993), vì có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật nên anh được Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã liên tục phân công phụ trách kỹ thuật 3 đội thuyền. Đặc biệt, đội thuyền do anh làm kỹ thuật trưởng năm nào cũng đạt năng suất, sản lượng cao, đời sống xã viên được cải thiện, nhiều lần được hợp tác xã và chính quyền địa phương khen ngợi.
Năm 1993, thực hiện cơ chế mới, Hợp tác xã Nghề cá giải thể. Cũng như nhiều ngư dân khác, Nguyễn Văn Long ra về, trong tay chỉ có mấy dây câu. “Biết làm gì để nuôi sống gia đình đây?” - trong khi nhiều người đang loay hoay tìm câu trả lời thì Long đã xác định được hướng đi cho mình. Anh bàn với vợ thực hiện phương châm “Lấy ngắn nuôi dài, lấy gần nuôi xa” để vài tháng sau đã có 1 chiếc thuyền gỗ 12CV mà nguồn vốn chủ yếu là nhờ bà con anh em giúp đỡ. Ban ngày, anh cùng vợ chạy “dỗi” trên sông mua bán hải sản, ban đêm lại ra biển bủa lưới nổi tìm bắt các loại cá trên rạn. Hai năm sau, khi đã tích góp được nguồn vốn kha khá, anh liền đóng mới con tàu 22CV và gọi thêm 4 lao động ra biển hành nghề khai thác hải sản. Trên tàu, anh đầu tư trang bị đủ các loại nghề như: lưới rút ánh sáng, câu thu, câu nghéo, câu cá áo, câu mực…
Mỗi khi trên biển có loại cá gì xuất hiện thì đã có câu, nghề thích hợp đánh bắt kịp thời. Tất cả các loại ngư lưới cụ đó từ gia công đến sửa chữa đều do anh em trên tàu tự làm, không phải thuê mướn. Ngay cả lưỡi câu thu, câu nghéo, họ cũng đều tự cắt, uốn, vừa hợp lý, vừa tiết kiệm được 1/3 giá thành. Tuy phương tiện nhỏ, chỉ làm nghề lộng, nhưng nhờ siêng năng học hỏi kinh nghiệm, lại linh hoạt sáng tạo và thực hành tiết kiệm nên năng suất sản lượng cao và hiệu quả kinh tế luôn đứng nhất nhì trong địa phương. Từ đầu năm 2000, bình quân thu nhập của lao động biển trong tổ thuyền đã đạt từ 30 - 35 triệu, là 1 con số không nhỏ và cũng là ao ước của nhiều tàu thuyền khác.
Ý chí vươn khơi, vươn xa
Làm ăn an toàn, thắng lợi, đời sống người lao động được cải thiện, nhưng ý chí vươn khơi, vươn xa vẫn luôn canh cánh bên lòng, thúc giục anh Long quyết tâm thực hiện. Cả 2 vợ chồng, người ra biển đánh cá, người ở nhà chế biến mắm, ruốc, vừa nuôi con ăn học, vừa thực hành tiết kiệm, tích lũy dẫn. Và đến năm 2005 thì Nguyễn Văn Long đã làm chủ con tàu mới 45CV có đủ điều kiện để hoạt động thích hợp cả 2 vùng biển khơi, lộng.
Với 6 lao động được trang bị các nghề truyền thống: Thả chà, đánh lưới ánh sáng, các nghề câu, tàu anh liên tục bám biển, tập trung đánh bắt các loại cá mực xuất khẩu để nâng cao giá trị, có đợt câu được gần 3 tấn cá thu, có con nước đánh bắt được 3,5 tấn cá nghéo. Nhờ thế, thu nhập của người lao động đạt cao, có tháng được 14 triệu đồng/ người, bình quân mỗi lao động từ năm 2007 - 2009 mỗi năm thu được 50 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, cuối quý I năm 2011, anh lại hạ thủy mới con tàu 105CV, lắp 2 máy phát điện 12KW, 35KW và trang bị các loại máy bộ đàm, dò cá, đo sâu, định vị vệ tinh phục vụ cho những chuyến biến khơi xa. Từ đó, đội tàu của anh liên tục hoạt động trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, cách bờ hàng trăm hải lý, có thu nhập cao, năm nào cũng được Hội Nông dân phường Hải Thành biểu dương, khen ngợi.
Không những đánh cá giỏi, có chí sáng tạo, vươn lên, Nguyễn Văn Long còn có công đào tạo, truyền thụ kinh nghiệm, giúp đỡ ngư dân trẻ phát triển sản xuất. Học tập mô hình phát triển kinh tế của anh, cuối năm 2009, 3 thuyền viên trên tàu là Nguyễn Xuân Thuật, Nguyễn Xuân Quang, Phạm Đình Bắc đã tách riêng, vay vốn mua sắm tàu, ngư lưới cụ đánh bắt hải sản đạt hiệu quả cao. Cho đến nay, 2 con tàu của Quang và Thuật vẫn duy trì sản xuất, giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống cho gia đình 12 ngư dân ở phường Hải Thành.
Mấy năm gần đây, đặc biệt từ năm 2016, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, một số ngư dân trong địa bàn đã tìm cách thoát ly nghề biển, chuyển qua làm dịch vụ thì Nguyễn Văn Long cùng con tàu của mình và 7 lao động vẫn say sưa với nghề khai thác hải sản. Ngày đêm anh vẫn miệt mài uốn từng lưỡi câu, vá từng mắt lưới để mỗi khi biển lặng, anh lại cho tàu xuất bến, đánh bắt cá mực, góp phần làm giàu cho gia đình và xã hội. Đến mùa biển động, tàu không ra khơi được, sau khi đã tu sửa máy móc thiết bị, ngư lưới cụ, anh lại cùng vợ tập trung chế biến hải sản.
Vợ anh - chị Nguyễn Thị Sa - ở tổ dân phố 4, phường Hải Thành cho biết: Mỗi năm, vợ chồng chị đầu tư khoảng 300 triệu đồng để chế biến các loại mắm, ruốc, đưa ra thị trường phục vụ nhân dân và thu lãi bình quân mỗi năm 100 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 3 lao động.
55 tuổi đời, 40 năm tuổi nghề, tình yêu nghề, yêu biển đã thấm sâu vào máu thịt của ngư dân Nguyễn Văn Long. Kinh nghiệm ông cha truyền lại kết hợp với sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất đã giúp anh từ 2 bàn tay trắng trở thành 1 chủ tàu, 1 ngư dân đánh cá giỏi với vốn liếng trong tay cả tỉ đồng. Gương sáng đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá Hải Thành Nguyễn Văn Long thật xứng đáng cho chúng ta học tập, noi theo.