Bà Trần Thị Hồng ở thôn Phúc Sơn, xã Sơn Lộc (Can Lộc) xuống đồng phun thuốc trừ bệnh khô vằn trên lúa xuân.
Qua 2 lần phun thuốc phòng trừ, 6 sào ruộng của bà Trần Thị Hồng (thôn Phúc Sơn, xã Sơn Lộc, Can Lộc) cũng đã qua giai đoạn nguy hiểm nhiễm bệnh đạo ôn lá. Mặt lá không xuất hiện các vết bệnh mới và chuyển sang mãn tính, lúa phục hồi khá nhanh. Theo tính toán của bà, khoảng 1 tuần nữa, trà lúa sớm nhất của gia đình sẽ trổ vè.
“Bệnh đạo ôn lá mới yên tâm đôi chút thì sau đợt mưa cách đây 2 - 3 ngày, độ ẩm đồng ruộng cao đã xuất hiện thêm bệnh khô vằn và khô đầu lá. Nhất là bệnh khô vằn, bệnh gây hại nặng nề nhất từ giai đoạn lúa trổ đến chín, khả năng làm thiệt hại năng suất. Bởi thế, thấy dấu hiệu của bệnh là tôi phải phun phòng trừ luôn để cây lúa phục hồi nhanh trước kỳ trổ bông” - bà Trần Thị Hồng cho biết.
Thời điểm này, vết bệnh đạo ôn đã mãn tính, không còn khả năng lây lan nhưng bà con vẫn lo lắng bệnh sẽ quay lại ở kỳ trổ bông tới.
Ở xã Sơn Lộc, bà Hồng không phải là người duy nhất sốt sắng vì sâu bệnh mới. Cứ một quãng đồng, chúng tôi lại gặp cảnh bà con phun thuốc trừ sâu bệnh.
Ông Nguyễn Văn Phúc - thôn Thịnh Lộc, xã Sơn Lộc cho biết: “Nhà tôi làm 8 sào, chủ yếu là ADI 168, Thái xuyên 111, Thiên ưu 8… Từ đầu vụ đến nay, mặc dù tính chất nhiễm sâu bệnh của lúa không nghiêm trọng như những năm trước nhưng những đối tượng đặc trưng như bệnh đạo ôn, sâu đục thân rồi bây giờ là bệnh khô vằn, bệnh khô đầu lá xuất hiện thường xuyên trên mặt ruộng. Tôi tranh thủ phun “3 trong 1”, vừa phòng bệnh đạo ôn, khô vằn và khô đầu lá cho lúa luôn một thể”.
Bà con nông dân ở nhiều địa phương đang khá lo lắng vì bệnh khô vằn xuất hiện nhiều ở giai đoạn trước lúa trổ bông.
Thời điểm này, bà con nông dân các địa phương Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… cũng đang phải đối phó với các loại bệnh khô vằn và khô đầu lá đặc trưng của giai đoạn. Một số nơi còn xuất hiện bệnh bạc lá. Theo bà con, nguyên nhân chính là do điều kiện thời tiết vừa có nhiệt độ cao lại vừa mưa trong những ngày qua.
“Bệnh khô vằn thường phát sinh trước tiên ở các bẹ và lá già sát dưới gốc và bắt đầu “ăn” dần lên lá phía trên, làm cho lúa bị vàng và lụi. Còn bệnh khô đầu lá lại bị trên chóp lá trước.
Mấy hôm, tôi đã phun thuốc phòng trừ bệnh khô vằn; bón thêm vôi và cắt hết những phần chóp lá bị bệnh để giảm lây lan của bệnh khô đầu lá nhưng thời tiết lúc mưa, lúc nắng nên cũng chưa yên tâm được” - ông Nguyễn Văn Thành, thôn Liên Vinh, xã Thạch Đài (Thạch Hà) cho biết.
Bà con nông dân cắt bỏ phần ngọn bị nhiễm khô đầu lá.
Theo Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh, đến thời điểm này, bệnh đạo ôn lá đã chính thức kết thúc trên lúa xuân Hà Tĩnh. Vết bệnh chuyển sang mãn tính và không có khả năng gây hại đến sinh trưởng của lúa.
Trong khi đó, bệnh khô vằn, bạc lá, khô đầu lá lại vào kỳ phát sinh và lây lan mạnh nhất. Hiện, toàn tỉnh đã có khoảng 1.000 ha lúa xuân bị nhiễm bệnh khô vằn với tỷ lệ nhiễm trung bình khoảng 10 - 20%. Bệnh bạc lá, khô đầu lá xuất hiện nhiều trên các giống như: Thái Xuyên 111; KD 18; Nếp 98... Các loại bệnh này xuất hiện hầu khắp các địa phương trên toàn tỉnh.
Toàn tỉnh đã có khoảng 1.000 ha lúa xuân bị nhiễm bệnh khô vằn với tỷ lệ nhiễm trung bình khoảng 10 - 20%
Ông Nguyễn Tống Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh cho biết: “Theo dự báo, thời tiết âm u, độ ẩm cao (80 - 90%) còn kéo dài trong 10 ngày tới, trùng với giai đoạn trổ bông của khoảng 2.000 ha lúa xuân.
Đây cũng là thời điểm hoạt động mạnh nhất của bệnh khô vằn, bạc lá và đạo ôn cổ bông ở những diện tích đã trổ bông. Vì vậy, bà con cần phải theo dõi tình hình thời tiết, thời điểm trổ bông của từng loại giống và cơ cấu giống để quyết định các phương án phòng trừ phù hợp, đúng lúc, đúng cách nhằm bảo vệ an toàn sản xuất, vừa không lãng phí và tận diệt môi trường” .
Đối với nhóm giống trổ bông trước 15/4 thì cần phải phun phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông ở những diện tích lúa đã bị nhiễm bệnh đạo ôn lá. Quá trình này phải hoàn thành trước ngày 15/4. Còn đối với bệnh khô vằn, cần tập trung phun thuốc phòng trừ từ giai đoạn này trở đi, nhất là ở những ruộng sâu trũng, bón thừa đạm. Bệnh bạc lá phải chú ý ở nhóm giống nhiễm để lựa chọn phương án phòng trừ hiệu quả.
Ông Nguyễn Tống Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã