Trần Văn Trung vốn là thuyền trưởng tàu viễn dương suốt ngày lênh đênh trên biển khơi. Tàu anh thường chở gạo của Việt Nam, toàn loại bao trắng không tên tuổi đi Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, trong khi chiều về, chở phân bón thì đều có nhãn mác rất đẹp.
Anh Trung nghĩ, quê mình là huyện Hải Hậu (Nam Định) vốn nổi tiếng về đặc sản gạo Tám Xoan, tại sao không biết cách phát huy giá trị của nó? Từ đó, anh bỏ lái tàu, nuôi mộng khởi nghiệp từ hạt gạo.
Văn hóa của người Hải Hậu cứ gần đến ngày Tết lại đi biếu gạo Tám Xoan cho những chỗ thân tình. Có cậu em của Trung còn cất công xát hơn 1 tạ thóc Tám Xoan để gửi cho mấy người họ hàng rất giàu ở Lào, Campuchia và TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng không hiểu thế nào mà đều nhận được phản hồi rằng: “Ăn chẳng ra gì cả. Mày có mua nhầm hay không?”.
Đúng vùng địa lý của Tám Xoan, đúng cây Tám Xoan, đúng những nông dân vốn quen trồng Tám Xoan thủa trước nhưng chất lượng gạo như thế, chứng tỏ giống này đã bị thoái hóa.
Ở thời đỉnh cao cách đây 30 năm, toàn huyện Hải Hậu trồng trên dưới 1.000ha Tám Xoan, hiện tại chỉ còn cỡ 70ha, tập trung chính ở xã Hải Đường và một chút ở Hải Tây, Hải Long, Hải Sơn…, tổng sản lượng gạo chỉ khoảng 200 tấn/năm. Khi Tám Xoan thoái trào, giống Bắc Thơm 7 của Trung Quốc tràn về, chiếm lĩnh, thế nhưng anh Trung vẫn không hài lòng về chất lượng của nó.
Làm gạo phải gắn với làm giống, nghĩ thế nên anh lập ra Công ty Cổ phần đầu tư Hải Âu Việt, chuyên về gạo và Công ty Cổ phần Nông sản Tiến Vua chuyên về giống, rồi lặn lội sang Thái Lan, Campuchia vốn đã nhiều lần đạt giải gạo ngon nhất thế giới để tìm hiểu. Có người khuyên anh, tại sao mất thời gian nghiên cứu chọn giống phù hợp làm gì? Cứ mang những giống nhất thế giới kia ở Thái Lan, Campuchia về trồng cho xong!
Nghe lời, anh mang giống những giống lúa có gạo ngon nhất thế giới của Thái Lan, Campuchia về trồng ở quê, năng suất lúa rất cao nhưng cơm ăn "khô như ngói", không thơm, có thể do thổ nhưỡng, thời tiết quá khác biệt.
Anh lại tìm đến những vùng có các giống ngon nổi tiếng trong nước như Nàng Nhen, Nàng Thơm Chợ Đào, Nàng Hoa… nhưng đều chỉ còn mỗi cái danh, chất lượng đều không ổn. Chẳng lẽ Việt Nam đã hết gạo ngon?
Vô tình tìm trên mạng, anh được biết ở Sóc Trăng ngày xưa có thứ gạo đã từng xuất khẩu đi châu Âu. Tìm hiểu thêm được biết về nhà khoa học Hồ Quang Cua rất tâm huyết với nghề nên đã gọi điện liên hệ. Đó là quãng năm 2015, khi ông Cua còn chưa có một giải thưởng quốc tế nào về gạo nên cũng ít người biết đến.
Khi biết ý định của anh Trung, ông Cua gọi các đồng nghiệp đến giới thiệu một cách trân trọng, rồi đích thân ông đong nước, nấu 3 loại gạo, trong đó có ST20 để cho ăn thử.
Cũng ngon nhưng anh Trung vẫn chưa ưng ý lắm nên hỏi ông Cua còn loại nào ngon hơn nữa không? "Con muốn tìm loại giống như Tám Xoan ngày xưa, nó thơm lắm, khi nấu ba bốn nhà còn ngửi thấy", anh hỏi. Ông Cua bảo bà Hương, cộng sự của mình lấy một nắm nhỏ loại gạo khác nấu, cho anh Trung ngửi mùi...
“Đúng là mùi thơm cốm của Tám Xoan đây rồi”, anh Trung reo lên. Ông Cua thấy vậy cười bảo, gốc của nó từ Tám Xoan mà ra đấy, rồi dặn: “Cứ về làm đi, cố mà giữ lấy!”. Vậy là ông để lại cho anh Trung một ít giống, sau này anh đặt tên là Tiến Vua.
Về giống lúa Tiến Vua, ông Hồ Quang Cua cho biết: Nó là tổ hợp lai phức hợp của 4 dòng lúa tám ở phía Bắc và 5 dòng lúa thơm ở phía Nam, được ông Cua thực hiện lai rất nhiều lần, sau đó chọn dòng trong suốt gần 5 năm. Giống này thiên về những đặc tính của cây lúa và gạo Tám Xoan. Ngoài Bắc trời cho hạt gạo có mùi thơm của cốm, gạo Tiến Vua cũng vậy. 4 dòng lúa tám ở phía Bắc và 5 dòng lúa thơm ở phía Nam cũng chính là nguồn vật liệu để ông Cua chọn tạo ra giống lúa ST25 nức tiếng.
Khác với Tám Xoan, Tiến Vua là giống không cảm quang nên thời gian sinh trưởng rút ngắn từ 6 tháng còn 4 tháng. Tuy thế, năng suất của nó khá thấp. Trong Nam, giống lúa có gạo ngon cỡ nào nhưng năng suất không cao thì người dân không trồng. Ông Cua thấy anh Trung tâm huyết nên bán cho ít giống Tiến Vua, gần như cho, chứ không có bản quyền.
Ông Hồ Quang Cua đánh giá: Gạo Tám Xoan ngày xưa ngon thế nào không biết chứ cách đây 10 năm, ông ăn thử thì nó dở ẹc! Hơn nữa, cây lúa Tám Xoan còn có dạng hình chưa được tốt, dễ đổ ngã, dễ bị bệnh. Còn giống Tiến Vua khi trồng ở ngoài Bắc ăn cơm ngon hơn ở trong Nam bởi hợp với đất xứ gốc, thủy tổ của nó. Cơm ráo hơn, mùi thơm nồng nàn hơn. Trong Nam không có giống nào có mùi như vậy.
Ở thời đỉnh cao cách đây 30 năm, toàn huyện Hải Hậu trồng trên dưới 1.000ha Tám Xoan, hiện tại chỉ còn cỡ 70ha, tập trung chính ở xã Hải Đường và một chút ở Hải Tây, Hải Long, Hải Sơn…, tổng sản lượng gạo chỉ khoảng 200 tấn/năm.
Khi Tám Xoan thoái trào, giống Bắc Thơm 7 của Trung Quốc tràn về, chiếm lĩnh, thế nhưng anh Trung vẫn không hài lòng về chất lượng của nó.
Sau cuộc gặp gỡ với ông Cua, anh Trung mang về 5 loại giống, 4 loại trồng thử chỉ một ít, còn Tiến Vua trồng luôn 10 mẫu. Khi thấy lúa lên tốt, có đặc trưng khá giống với Tám Xoan của quê mình với bông to, hạt màu nâu điển hình, vui quá nên anh mời ông Hồ Quang Cua ra Bắc thăm một chuyến.
Ông Cua ra, nấu thử cơm ăn rồi kêu lên: “Trời ơi, chẳng nhẽ lúa về đất mẹ hay sao mà thơm ngon vậy?”. Phấn khởi quá, sau đó anh Trung lại mời gần 100 đại lý bán giống ở Hải Hậu đến thử cơm, phần lớn đều đánh giá khá ngon nhưng một số cho rằng ăn vẫn còn hơi nhạt.
Trên thực tế đồng ruộng ở những vụ sau, phần bởi bà con trồng dày, bón nhiều đạm nên nhiều sâu bệnh, phần bởi giống dài ngày nên dân Hải Hậu không mấy người mê. Năm 2017, anh Trung lại đem giống Tiến Vua về Hải Phòng để trồng thử trên ruộng rươi, ai ngờ thời gian sinh trưởng kéo dài tới gần 180 ngày bởi không dùng phân hóa học.
“Mày đưa giống gì mà xung quanh lúa trỗ hết rồi nhưng lúa nhà tao vẫn còn con gái mãi vậy?”, anh Đỗ Danh Hưng, chủ bãi rươi ở xã Ngũ Phúc huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) hỏi.
Hỏi thì hỏi vậy, nhưng dân vùng bãi không quan tâm đến lúa dài hay ngắn ngày, bởi kinh tế chính của họ trông cả vào con rươi. Trước đó, ruộng nhà anh Hưng thu được 60 tấn lúa của một giống lúa khác nhưng cuối cùng đành phải bán 5.000đ/kg để cho vịt ăn bởi gạo quá cứng.
Trong quá trình trồng giống lúa Tiến Vua, anh Trung nhận thấy nó chưa phải là giống đã được chọn tạo hoàn hảo hẳn nên cây bị phân ly cao thấp, cùng ruộng mà các bông chín, bông xanh lệch nhau cỡ 10 ngày. Anh đến Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng nhờ tiếp tục chọn tạo từ năm 2018 đến 2020 và ra được 5 dòng với bông vẫn giữ đặc tính như cũ nhưng hình thái cây khác nhau.
Chúng thích hợp 2 vụ xuân, mùa nhưng khi cấy ở vụ mùa gạo ăn ngon hơn. So với Tám Xoan, giống Tiến Vua không thơm bằng, nhưng khi nấu lên từng hạt bóng đẹp như cơm nếp, dẻo, dai, khá đậm đà nên nhiều người mê.
Mê đến nỗi, có vị khách nữ trên Hà Nội còn về tận đồng rươi để đong 1 tạ thóc rồi máy xát mini đặt tại nhà, cứ vài ngày lại làm một mẻ cho gạo luôn mới. Chị cứ nức nở khen rằng: “Mẹ chồng em bảo đã lâu lắm rồi mới được ăn đúng vị gạo của Tám Xoan ngày xưa, thơm, ngọt”.
Anh Trung bảo, nhớ lại chuyện mấy cán bộ nông nghiệp ở quê từng chê cách làm của mình là quá viển vông, may chăng phải 30 năm nữa mới có kết quả, bởi bao nhiêu doanh nghiệp đã đi đầu tư vào làm gạo chất lượng trên đất Hải Hậu rồi nhưng cũng không thể thay được Bắc Thơm số 7. Giờ mới chỉ sau 5 năm, kết quả bước đầu của giống lúa Tiến Vua như thế là đã có nhiều hi vọng.
Dương Đình Tường/Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;