Sáng 22/7, tại TP Vinh (Nghệ An), Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tăng cường công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng, chống thiên tai tại khu vực Bắc Trung bộ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang diễn ra rất gay gắt, hậu quả từ những hiện tượng dị thường xảy ra còn nhanh hơn cả những kịch bản mới nhất mà quốc tế và Việt Nam dự báo.
Bàn về công tác phòng chống hạn, Bộ trưởng nhấn mạnh nguyên nhân là do toàn vùng gần như không có mưa trong thời gian dài, kéo theo dòng chảy trên các con sông bị suy kiệt từ 20 - 30%, lượng nước tưới cơ bản đang thiếu hụt trầm trọng.
Để xử lý, người đứng đầu ngành Nông nghiệp yêu cầu toàn vùng nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan để có phương án điều tiết hiệu quả dung tích nước đang còn trong các hồ chứa, từ đó triển khai phương án bơm hiệu quả nhằm hỗ trợ, cứu kịp thời cho 26.000 ha lúa bị hạn.
Lâu dài diễn biến thời tiết còn phức tạp, vì thế Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý các tỉnh cần rà soát tái cơ cấu ngành theo hướng thích ứng, phải thực sự chủ động để tránh tối đa nguy cơ rủi ro. Quá trình thực hiện, đặc biệt chú ý đến vùng sinh thủy rừng vì đây là nơi sinh nước và giữ nước.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn, các địa phương phải rà soát lại toàn bộ các thiết chế hạ tầng lớn, nhất là các hồ chứa nước để đánh giá chi tiết, kỹ lượng, từ đó tính toán lại phương án trị thủy các dòng sông hiệu quả hơn.
Bên cạnh công tác chống hạn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định 6 tỉnh Bắc Trung Bộ phải chủ động nắm bắt, lên kế hoạch ứng phó với mưa bão trong thời gian tới.
Ông Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020 mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng vô cùng lớn nhưng lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh vẫn có bước phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng 4,98%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù duy trì được tín hiệu tích cực nhưng chừng đó không đủ khỏa lấp được những mặt hạn chế, trên thực tế tác động khó lường của thời tiết đã ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực tam nông.
Đi sâu vào chi tiết, hiện tổng diện tích các loại cây trồng bị hạn, thiếu nước là 13.591 ha, trong đó lúa hè thu - mùa chiếm phần lớn với 10.583 ha, đặc biệt khoảng 4.500 ha bị hạn nặng.
Lường trước biến động, ngay từ đầu năm Nghệ An đã chủ động thực hiện theo phương châm “Phòng ngừa hơn chữa bệnh”. Dù vậy phương án chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi tình hình sớm có sự chuyển biến, bằng không mọi thứ sẽ hết sức gian nan.
Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Bắc trung Bộ ghi nhận, từ đầu năm toàn vùng vùng chịu ảnh hưởng của 7 đợt nắng nóng, trong đó riêng tháng 5/2020 đến nay có đến 5 đợt nắng nóng trên diện rộng, hiện đợt nóng từ ngày 16/6 vẫn đang tiếp diễn.
Nắng lớn liên hồi kéo theo lượng mưa tiểu mãn không đáng kể. Do thiếu hụt trầm trọng nguồn nước, toàn vùng có khoảng 8.200 ha phải điều chỉnh giãn, dừng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng (Thanh Hóa 3.200 ha, Nghệ An 5.000 ha).
Ngoài ra 23.870 ha khác đang bị hạn, thiếu nước, cùng với Nghệ An là Thanh Hóa (9.000 ha), Hà Tĩnh (990 ha), Quảng Bình (840 ha) và Quảng Trị (4.140 ha).
Các địa phương đã chủ động rà soát diện tích có nguy cơ để chuyển đối sang cây trồng cạn (rau, màu, dược liệu, cây ăn quả…) nhằm hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả sản xuất. Đến nay, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi trong vụ hè thu, mùa khoảng 5.319 ha (Thanh Hóa gần 3.000 ha, Nghệ An khoảng 1.740 ha, Quảng Trị gần 200 ha…)
Tích cực là điều không thể phủ nhận, dù vậy nếu giải quyết được các vấn đề còn vướng mắc chắc hẳn hiệu quả sẽ tăng lên nhiều.
Khó nhất là người dân tại một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ được lợi ích của việc chuyển đổi, một bộ phận còn ngần ngại do nhìn nhận “sản xuất lúa để đảm bảo nhu cầu hàng ngày” và “lúa là một trong những cây trồng có khả năng áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, sản xuất lúa dễ làm không bị áp lực về tiêu thụ”.
Nguyên do nữa là đầu ra cho sản phẩm cây màu sau chuyển đổi còn bấp bênh, mặc dầu một số địa phương, doanh nghiệp đã thực hiện thu mua nhưng cơ bản chỉ với áp dụng trên mô nhỏ, chưa mang tính liên kết theo chuỗi, chưa gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ…
Xét đến yếu tố khách quan, dễ thấy các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ có điều kiện thời tiết, khí hậu đặc thù, sau nắng nóng liên hồi lại xuất hiện mưa sa triền miên. Với vụ hè thu như đã thành thông lệ, đầu vụ thường quay quắt ứng phó hạn hán, về cuối vụ lại nguy cơ cao bị úng ngập.
Từ những lý do nêu trên, Bộ NN-PTNT, Cục Trồng trọt định hướng phát triển theo theo hướng hàng hóa thích ứng với thay đổi của điều kiện tự nhiên và thị trường. Cần tập trung xử lý các yếu tố nội tại, kết hợp sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguồn nhân lực và khoa học công nghệ.
Các tỉnh tại Bắc Trung Bộ cần tập trung rà soát, đánh giá xác định các vùng sản xuất lúa an toàn, vùng chuyển đổi, vùng chuyển đổi linh hoạt và vùng đặc thù riêng biệt để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, hiệu quả và bền vững.
Bộ Công thương xác nhận, đến tháng 6/2020 khu vực Bắc Trung Bộ có 38 hồ chứa thủy điện đã có quy trình vận hành đơn hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quá trình vận hành đang vướng phải một số vấn đề khó khăn, bất cập.
“Nóng” hơn cả là việc xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Theo quy định các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện phải đảm bảo nội dung này, chi tiết hơn phải có bản đồ ngập lụt vùng hạ du. Thế nhưng hiện nay nhiều trường hợp chưa phân định được trách nhiệm xây dựng bản đồ do chưa xác định được… vùng hạ du.
Việt Khánh/ Nông nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;