Học tập đạo đức HCM

ĐBSCL: Xoài, mít rớt giá, sầu riêng bán giá cao

Thứ sáu - 11/06/2021 05:28
ĐBSCL là vựa trái cây lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, hiện giá xoài, mít ở đây đang bán ở mức thấp, trong khi sầu riêng là sản phẩm bán với giá cao, đắt hàng, sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt năm 2019-2020 gây ra.

Chủ động khôi phục vườn sầu riêng

Tiền Giang được xem là thủ phủ cây ăn trái ở ĐBSCL, đợt hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt mùa khô năm 2019-2020 gây thiệt hại gần 4.500ha sầu riêng, trong đó có đến trên 3.500ha gần như chết trắng. Ngay sau đó, địa phương này đã tiến hành khắc phục hậu quả, khôi phục vườn sầu riêng, giúp nông dân sớm ổn định cuộc sống.

 Người trồng chủ động khôi phục sầu riêng sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2019-2020 gây ra.

Cụ thể, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam, các ngành hữu quan tổ chức hơn 360 cuộc tập huấn cho trên 12.000 lượt nhà vườn về quy trình 5 bước chăm sóc, phục hồi vườn sầu riêng. Các giải pháp đang phát huy hiệu quả, mùa khô 2020-2021 vừa qua, hạn, mặn không gây thiệt hại đáng kể cho vườn cây này.

Riêng số sầu riêng bị thiệt hại mùa khô 2019-2020, sau khoảng một năm chăm sóc, vườn cây đã phục hồi tốt. Hiện các khu vườn bị ảnh hưởng nhẹ (dưới 30%) phục hồi hoàn toàn; khoảng 1.000ha (bị ảnh hưởng 30-70%) phục hồi trên 80%. Đối với diện tích sầu riêng chết, nông dân cải tạo trồng mới được gần 2.000ha.

Ông Nguyễn Văn Vốn, Phó Chủ tịch UBND xã Long Khánh (thị xã Cai Lậy) cho biết, những năm qua, các nhà vườn được ngành nông nghiệp hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để chuyên canh sầu riêng. Hiện, trên địa bàn xã Long Khánh có nhiều diện tích sầu riêng trên 10 năm tuổi, cây phát triển tốt, năng suất ổn định.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, hiện tỉnh đã xây dựng được vùng chuyên canh trồng sầu riêng với diện tích gần 15.000ha, sản lượng bình quân mỗi năm hơn 300.000 tấn trái. Diện tích sầu riêng chuyên canh này tập trung tại các huyện Cai Lậy, Cái Bè và thị xã Cai Lậy.

Ông Lê Hồng Phúc, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hồng Phúc (thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), cho biết, nhờ chăm sóc tốt, áp dụng kỹ thuật hiệu quả trong giai đoạn xử lý ra hoa, nhất là trong quá trình thụ phấn cho trái nên vườn sầu riêng của gia đình và bà con xã viên đều cho năng suất cao, tỷ lệ trái đạt yêu cầu nhiều.

Sầu riêng bán giá cao

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, do sầu riêng đang vào mùa nghịch, sản lượng không nhiều nên có lúc thương lái thu mua đến 60.000 - 70.000 đồng/kg. Hàng năm, nông dân chủ động xử lý sầu riêng vụ nghịch. Với giá bán tại vườn trung bình khoảng 50.000 đồng/kg, nông dân thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/ha. Nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ vườn sầu riêng chuyên canh.

 Giá bán sầu riêng cao, nông dân thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/ha.

Tại TP. Cần Thơ, huyện Phong Điền có diện tích cây ăn trái lớn với gần 8.500ha các loại. Trong đó có hơn 1.600ha sầu riêng (hơn 700ha đang cho trái), sản lượng trái mỗi năm có thể đạt hơn 11.700 tấn. Hiện, đang vào vụ thu hoạch sầu riêng. Các loại sầu riêng hạt lép Ri 6 và sầu riêng Monthong được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua từ 45.000-55.000 đồng/kg, cao hơn từ 15.000-20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Văn On (xã Nhơn Ái, Phong Điền), đầu vụ gia đình ông bán tại vườn giá từ 60.000-65.000 đồng/kg. Hiện do thu hoạch rộ nên giá có giảm nhưng vẫn khá cao, từ 50.000-55.000 đồng/kg. Năm nay do thời tiết bất lợi nên cây có tỷ lệ đậu trái thấp, dự kiến vườn sầu riêng (1.000m2) của ông cho sản lượng khoảng 2,7 tấn (năm ngoái 3,2 tấn), song với giá cao như hiện nay ông kỳ vọng thu lợi khoảng 100 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên (Cần Thơ), hiện ông thu mua sầu riêng giá 50.000 đồng/kg. Giá sầu riêng ở mức cao do sản lượng sầu riêng mùa này giảm hơn 50%, bởi các vườn sầu riêng đang trong giai đoạn phục hồi sau đợt hạn mặn năm 2020.

Cũng theo ông Cung, để có giá cao sầu riêng mùa nghịch phải chất lượng, mẫu mã đẹp, đồng nhất. Để có đầu ra tốt, nông dân cần trồng sầu riêng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và phải trồng đúng quy trình, chứ không chỉ làm theo tiêu chuẩn GAP.

Ông Lê Hồng Phúc, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hồng Phúc (thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), hiện tại, các vườn sầu riêng từ 10 năm tuổi trở lên ở HTX cho năng suất khoảng 10 tấn trái/ha, với giá bán 60.000-70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng sầu riêng thu lợi nhuận từ 400-500 triệu đồng/ha.

Xoài rớt giá

Trái ngược với sầu riêng, thì giá xoài Ðài Loan tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL đã giảm xuống ở mức rất thấp và khó tiêu thụ. Theo đó, xoài hàng loại 1 chỉ được thu mua với giá khoảng 5.000-6.000 đồng/kg, còn hàng loại 2 và 3 giá chỉ 2.000-3.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp kỷ lục trong nhiều năm qua.

 Giá xoài Đài Loan ở ĐBSCL đang ở mức thấp.

Tại Đồng Tháp, giá xoài giảm nhanh. Cụ thể, xoài Đài Loan loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, loại 2 còn 2.500 đồng/kg và xoài dạt 1.000 đồng/kg. Riêng đặc sản xoài cát Hòa Lộc được bán xô với giá từ 15.000 đồng/kg. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang, giá xoài hiện đang giảm mạnh chỉ còn 3.000 - 12.000 đồng một ký (tùy loại).

Một doanh nghiệp bao tiêu xoài cho biết, năm nay giá xoài xuống quá thấp nên chủ yếu xuất sang Campuchia loại xoài keo. Tại các chợ đầu mối, giá xoài cát Hòa Lộc trước đây là 50.000 - 60.000 đồng/kg nay giảm còn 15.000 - 30.000 đồng/kg tùy nơi bán. Với các giống xoài keo, xoài xanh, được bán đầy các xe hàng lưu động cũng như khu vực chợ với giá rẻ bèo.

Theo nông dân trồng xoài Ðài Loan cho biết, gần đây do đầu ra xuất khẩu gặp khó vì dịch Covid-19, tiểu thương và vựa thu mua xoài xuất khẩu đã hạn chế thu mua, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Xoài của nông dân tới lứa thu hoạch nhưng không có thương lái thu mua dù giá bán tại vườn giảm mạnh.

Thời gian qua, nhiều chuyên gia đã từng cảnh báo, nông dân không nên mở rộng diện tích trồng xoài Ðài Loan quá nhiều bởi đây là loại xoài dành để ăn sống, khó bảo quản lâu và chưa thể chế biến thành các sản phẩm khác đa dạng hơn. Tuy nhiên, nông dân tại nhiều địa phương vẫn đẩy mạnh trồng xoài Ðài Loan vì có nhiều thời điểm giá tăng lên rất cao, từ 30.000-50.000 đồng/kg, do được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Về lâu dài, để ổn định đầu ra trái xoài Ðài Loan, ngành chức năng cần có giải pháp quản lý và khống chế diện tích trồng ở mức vừa phải, tăng cường liên kết giữa các địa phương điều tiết sản lượng xoài bằng cách xử lý ra trái rải vụ, nghịch mùa.

Người trồng mít thu lỗ

Khoảng 5 năm trước, mít Thái được xem là cây đổi đời của nhà nông với giá từ 50 - 70 ngàn đồng/kg. Không ít địa phương đua theo trồng mít nên diện tích tăng nhanh như: An Giang, Long An, mỗi tỉnh có gần 1.000 ha đất trồng mít. Tỉnh Tiền Giang diện tích lên đến 6.031ha, Hậu Giang lên đến 6.600ha.


Giá mít thấp người trồng thu lỗ. 

Thời gian gần đây, mít Thái đang rớt giá mạnh, xuống mức thấp có lúc chỉ còn 500 đồng/kg đối với loại hàng chợ. Điều đó, khiến nông dân sản xuất loại cây ăn trái này ở Đồng bằng sông Cửu Long rơi vào cảnh "trắng tay".

Cụ thể, mít hàng chợ hiện chỉ còn 500 đồng/kg, mít kem là 2.000-3.000 đồng/kg, mít loại nhất, nhì và ba có giá lần lượt là 10.000 đồng/kg, 7.000 đồng/kg và 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi phân loại có đến 80-90% được xếp vào loại mít kem và hàng chợ, tức có giá chỉ 2.000-3.000 đồng/kg và 500 đồng/kg.

Theo một người dân cho biết, vào tháng 2/2021, người dân bán ra 1 tấn mít có thể thu vào 20-30 triệu đồng. Thế nhưng, hiện nay mỗi tấn mít bán ra chỉ được 2-3 triệu đồng, tức chỉ bằng khoảng 1/10 so với trước đó.

Ông Trần Văn Dũng, nông dân trồng mít, ở xã Bình Phú (Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết, với giá mít như hiện nay, nông dân hoàn toàn không có lãi, thậm chí không đủ để đầu tư phân thuốc giúp vườn cây hồi phục sau chu kỳ cho trái. Dù giá mít khoảng 9.000-10.000 đồng/kg, thế nhưng, cách phân loại của thương lái thu mua đa phần dạt xuống loại kem và hàng chợ nên thực tế giá bán chỉ từ 500 đến 3.000 đồng/kg.

 Theo ông Dũng, mít Thái được tiêu thị chính ở thị trường Trung Quốc, tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên việc vận chuyển hàng hoá qua cửa khẩu biên giới khó khăn, trong khi nguồn cung trong nước khá dồi dào, dẫn đến giá giảm.

Theo một số vựa mít ở đồng bằng sông Cửu Long, nguyên nhân giá mít giảm nhiều ngày qua là do đang bị dồn hàng, việc vận chuyển mít xuất khẩu còn chậm. Mít Thái ngoài thị trường còn rất nhiều nên giá mít sẽ còn tiếp tục biến động, dự báo giá mít có thể tiếp tục giảm.

Qua việc sầu riêng bán giá cao, mít, xoài rớt giá, đặc biệt trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, dẫn tới việc vận chuyển, lưu thông hàng hoá gặp khó khăn mới lộ ra nhiều vấn đề cần xem xét lại. Như quy hoạch vùng trồng, nhiều loại cây phát triển quá nhanh, quy trình sản xuất, khâu liên kết tiêu thụ, đặc biệt là khâu tiêu thụ, hiện nay, một số nông sản ở ĐBSCL và cả nước đang quá phụ thuộc vào một thị trường.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp lần này, Bộ Nông  nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Phụ nữ Việt Nam, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam xây dựng mô hình, chuẩn hóa việc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các phương tiện vận chuyển nông sản từ vùng dịch Covid-19 lưu thông qua các địa bàn đưa ra thị trường tiêu thụ không còn bị dồn ứ, ách tắc, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan phát biểu trong buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang chiều 31/5, bàn các giải pháp kết nối tiêu thụ nông sản, đặc biệt là vải thiều trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
 Hoàng Văn/https://kinhtenongthon.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập104
  • Hôm nay31,420
  • Tháng hiện tại520,944
  • Tổng lượt truy cập92,898,608
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây