Để đạt được các mục tiêu của ngành chăn nuôi từ nay đến 2030 và tầm nhìn 2045, ngoài việc triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về chính sách đất đai, tài chính, tín dụng, thương mại, khuyến nông, thông tin tuyên truyền, năng lực phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi,... rất cần quan tâm đến phát triển ngành chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN) vì TĂCN chiếm 70-75% chi phí đầu vào. Ngay từ bây giờ chúng ta cần có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn một cách căn cơ, bài bản, trên cơ sở phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi đến 2030 và tầm nhìn 2045.
Đối mặt thách thức
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong giai đoạn 2008-2019, ngành chăn nuôi đạt tăng trưởng khá cao và ổn định, đạt tốc độ trung bình 5-6%/năm, có những thành quả nhảy vọt về quy mô, tổng sản lượng, nhất là về chế biến TĂCN, khoa học - công nghệ, sự bứt phá của một số sản phẩm như trứng, sữa. Mặc dù được đánh giá là lĩnh vực có sự phát triển nhanh nhưng ngành chế biến TĂCN cũng đã lộ rõ điểm yếu “chết người”.
Cùng với sự tăng trưởng của ngành nuôi, ngành sản xuất TĂCN công nghiệp cũng tăng trưởng ngoạn mục, đạt bình quân 13 - 15%/năm. Tổng sản lượng TĂCN công nghiệp từ 10,8 triệu tấn (năm 2010) tăng lên gần gấp đôi vào năm 2020, đạt 20,3 triệu tấn. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng TĂCN công nghiệp, xếp trên cả Thái Lan và Indonesia.
Ngày 6/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1520/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045. Chiến lược xác định các mục tiêu cụ thể: mức tăng trưởng giá trị sản xuất từ 4-5% giai đoạn 2021-2025, 3-4% giai đoạn 2026-2030. Sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 từ 5-5,5 triệu tấn, trong đó thịt lợn chiếm 63-65%, thịt gia cầm từ 26-28%, thịt gia súc ăn cỏ 8-10%. Đến năm 2030 đạt 6-6,5 triệu tấn thịt xẻ các loại, trong đó thịt lợn từ 59-61%, gia cầm 29-31%, gia súc ăn cỏ 10-11%. Xuất khẩu 15-20% sản lượng thịt lợn, 20-25% thịt và trứng gia cầm. |
Tuy nhiên, giá TĂCN liên tục tăng trong thời gian gần đây và nguyên nhân chính được chỉ ra là do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh, cộng với chi phí vận chuyển tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Dương Tất Thắng, nếu tới đây chúng ta không nhanh chóng tự chủ được nguồn nguyên liệu TĂCN trong nước, phải nhập khẩu nhiều từ các quốc gia khác thì ngành chăn nuôi khó phát triển bền vững. Thực trạng giá TĂCN tăng, giá sản phẩm chăn nuôi giảm, hộ chăn nuôi bị lỗ vốn, dẫn tới tâm lý e dè khi vào đàn, tái đàn, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm. Và việc thực hiện chiến lược của ngành những năm tới đây.
Các chuyên gia cho rằng, để ngành chăn nuôi thích ứng với giai đoạn phát triển mới, các địa phương cần tích cực triển khai Luật Chăn nuôi, Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045, theo hướng hiện đại - công nghiệp hóa chăn nuôi trang trại và chuyên nghiệp hóa chăn nuôi nông hộ. Xác định rõ đặc trưng, lợi thế cạnh tranh của từng vùng để điều chỉnh, tập trung nguồn lực cho sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi. Đặc biệt, chú trọng phát triển nguồn nguyên liệu TĂCN, hạn chế lệ thuộc và chịu tác động từ thị trường nhập khẩu.
Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong 7 tháng của năm 2021 đạt trên 2,93 tỷ USD, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng tháng 7/2021, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 476,98 triệu USD, tăng 28,6% so với tháng 6/2021 và tăng 50,4% so với tháng 7/2020. Ngoài ra, trong 7 tháng qua, Việt Nam cũng chi 3,095 tỷ USD để nhập ngô, đậu tương, lúa mỳ, dầu mỡ động thực vật .
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, việc sản xuất và tiêu thụ TĂCN phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (nhập 70-85% nguyên liệu). Đây chính là nguyên nhân đẩy giá TĂCN trong nước tăng cao mỗi khi giá TĂCN thế giới biến động mạnh. Ngoài ra, hơn 60% thị phần TĂCN trong nước đang nằm trong tay các doanh nghiệp FDI.
Dự báo, nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục tăng, nước ta cần khoảng 28 - 30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11-12%/năm.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, giá TĂCN trong nước liên tục tăng, đang vượt quá sức chịu đựng của người chăn nuôi. Theo ông, trong thời gian tới, giá TĂCN có thể tiếp tục tăng khoảng 5 - 10%, tùy loại.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, thời gian qua, giá nguyên liệu TĂCN tăng cao bởi dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu thức ăn, nhất là các nguyên liệu chính như ngô, khô dầu đỗ tương, lúa mỳ…
Cùng với đó, chi phí logistic cũng tăng cao do thiếu container vận chuyển hàng hóa, trong đó có mặt hàng TĂCN (trung bình chi phí vận chuyển tăng 200-300% so với bình thường).
Bên cạnh đó, một số quỹ đầu tư lớn trên thế giới đã chuyển hướng sang đầu cơ nông sản làm đẩy giá một số mặt hàng ngũ cốc lên cao; Trung Quốc tăng thu mua ngũ cốc phục vụ sản xuất chăn nuôi trong nước sau thời gian dài ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tình hình hạn hán từ tháng 3/2021 tại một số tỉnh của Brazil làm ảnh hưởng đến sản lượng của vụ ngô chính vụ tại nước này. Thêm vào đó, nhu cầu dùng cồn ethanol để sản xuất xăng sinh học của Mỹ và các nước trong khu vực tăng cao (Mỹ quy định cồn ethanol trong nhiên liệu xăng tối thiếu là 10% và đang hướng tới 15%, năm 2020 Mỹ dùng 35% sản lượng ngô cho sản xuất ethanol), do đó, lượng ngô sản xuất cồn ethanol ngày càng tăng cao càng làm thiếu hụt nguồn ngô làm thức ăn chăn nuôi.
Thực tế, mỗi năm Việt Nam phải chi 6 tỷ USD để nhập nguyên liệu TĂCN (ngô, đậu tương), sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu khiến chúng ta khó kiểm soát giá. Tuy nhiên, ngành TĂCN của Việt Nam đang vận hành theo cơ chế thị trường, bị tác động của quy luật cung-cầu, quy luật giá trị trong nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế rất sâu, rộng khi nước ta tham gia 16 hiệp định tự do thương mại, trong đó có 2 hiệp định tự do thế hệ mới là CPTTP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực).
“Lấy ngô làm mặt hàng điển hình. Năm 2020, nước ta nhập khẩu tổng số gần 10 triệu tấn cho cả chăn nuôi và thủy sản, trong khi trong nước chỉ sản xuất được 3 triệu tấn dành làm TĂCN. Nước Mỹ có tổng diện tích thu hoạch ngô năm 2020 là 201 triệu hecta, đạt tổng sản lượng 346 triệu tấn với năng suất bình quân là 10,7 tấn/ha/năm, trong khi nước ta mới có 942.000ha, năng suất bình quân là 4,8 tấn/ha/năm, tổng sản lượng 4,56 triệu tấn. Từ số liệu này cho thấy, ngô của Việt Nam không thể cạnh tranh với ngô nhập khẩu cả về giá, chất lượng và sản lượng để sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi, thủy sản”, đại diện Cục Chăn nuôi cho hay.
Giải pháp trước mắt
Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, Cục Chăn nuôi cần giải ngay bài toán về nguyên liệu TĂCN để có thể tiết giảm chi phí và hạ giá thành. Nhà nước cần rà soát loại bỏ những loại phí, lệ phí bất hợp lý về kiểm soát đầu vào chất lượng nguyên liệu, giảm thiểu công tác tiền kiểm và chỉ hậu kiểm khi cần thiết, về lâu dài cần có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước (ngô, đậu tương, bột cá, nguyên liệu bổ sung khoáng, vitamin).
“Tại sao chúng ta chưa có một đề án, chiến lược về tự chủ nguồn nguyên liệu TĂCN”, bà Nguyễn Thị Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc thú y đặt câu hỏi và cho rằng, nếu Việt Nam không tự chủ được về con giống, thức ăn, ngành chăn nuôi khó phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, ở đây đang thiếu hẳn một chiến lược phát triển bền vững nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. “Mặc dù chiếm vị trí nhất nhì Đông Nam Á nhưng thực chất ngành chăn nuôi vẫn là ngành gia công, ăn đong nguyên liệu của thế giới. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị nên có chiến lược phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tránh phụ thuộc nhập khẩu như hiện nay”, ông Sơn kiến nghị.
Theo ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin, hiện các chính sách về thuế giá trị gia tăng đã bỏ rồi, Chính phủ cần hỗ trợ gì cũng đã hỗ trợ rồi nên giờ ngành chăn nuôi muốn cạnh tranh sòng phẳng chỉ còn giải pháp duy nhất là hạ giá thành.
“Dư địa để giảm giá thành chăn nuôi hiện nay là bãi bỏ các thủ tục hành chính không thực sự cần thiết để giảm chi phí, trong đó các thủ tục như hợp quy, kiểm tra chỉ tiêu dinh dưỡng ở cầu cảng, kiểm dịch nên bãi bỏ sớm ngày nào tốt ngày đó, bởi đây là các chi phí không cần thiết làm tăng giá thành”, ông Lương nhấn mạnh.
Giải pháp đường dài
“Nếu chúng ta chưa tự chủ được, chúng ta sẽ còn lệ thuộc và sẽ bị “cú sốc” tăng giá giống như hiện tại bây giờ và bà con chăn nuôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Những chiến lược đó phải đặt lên tầm cao để giải quyết những vấn đề nội tại như người ta vẫn nói là nông nghiệp sản lượng cao nhưng chi phí cũng cao”.
Đó là trăn trở của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan trước những thực tế ngành nông nghiệp vẫn còn những tồn tại như lệ thuộc rất lớn vào các yếu tố đầu vào từ vật tư, TĂCN, thức ăn thủy sản...
Theo đó, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, mà một trong các giải pháp đó là phát triển các loại cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học làm nguyên liệu TĂCN có năng suất và sản lượng cao nhằm bổ sung thêm nguồn cung nguyên liệu TĂCN để đáp ứng được nhu cầu và hạ giá thành sản xuất trong nước.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng dự thảo Đề án phát triển công nghiệp chế biến TĂCN giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu công suất chế biến thức ăn công nghiệp đạt 40 - 45 triệu tấn. Sản xuất trong nước đáp ứng 30 - 35% số lượng nguyên liệu thức ăn bổ sung; giảm 5 - 10% tỷ trọng nguyên liệu thức ăn nhập khẩu trong tổng số nhu cầu thức ăn tinh. |
Cùng với đó, người chăn nuôi tăng cường nhận chuyển giao, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để nâng cao hiệu quả sử dụng TĂCN và tham gia các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi với các doanh nghiệp sản xuất TĂCN để thu hẹp các khâu trung gian nhằm giảm giá TĂCN khi đến tay người chăn nuôi. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất, đặc biệt là giải quyết các thủ tục hành chính để doanh nghiệp nhập khẩu nhập đủ nguyên liệu sản xuất TĂCN với giá cả cạnh tranh.
Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang có chính sách chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây làm nguyên liệu sản xuất TĂCN. Hiện đã chuyển đổi được 250.000ha, sắp tới chuyển đổi thêm 250.000ha và đến năm 2030 dự kiến chuyển đổi được 1 triệu hecta.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã