Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Hòa Bình, toàn tỉnh hiện có 58 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp. Trung bình mỗi năm, các cơ sở sản xuất từ 10- 12 triệu cây giống các loại. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp. Nhờ đó, một số công ty, cơ sở sản xuất sử dụng phương pháp nuôi cấy mô, gieo ươm bằng hạt giống nhập khẩu có nguồn gốc rõ ràng.
Tiêu biểu là Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình. Trung bình mỗi năm công ty này sản xuất khoảng 6 triệu cây giống lâm nghiệp các loại, trong đó bằng phương pháp nuôi cấy mô hơn 3 triệu cây, cây vườn ươm được gieo cấy từ cây mầm mô gần 2 triệu cây, cây vườn ươm gieo từ hạt trên 1 triệu cây.
Hiện tại, cây giống được công ty sản xuất ngoài việc sử dụng để trồng rừng sản xuất của công ty, còn được xuất bán ra các tỉnh khác như ở Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Với chất lượng cây giống ổn định, tỷ lệ sống cao (trên 90%), các khách hàng đều có nhu cầu tiếp tục sử dụng cây giống của công ty. Phương hướng năm 2021, công ty dự kiến sản xuất 7,5- 8,7 triệu cây, bao gồm 4 triệu cây mầm mô: 4,0 triệu cây, 3,5- 4,7 triệu cây vườn ươm.
Hòa Bình đang đẩy mạnh tái cơ cấu lâm nghiệp, bắt đầu từ quản lý chặt nguồn giống.
Thực tế cho thấy, đối với những vườn ươm có sự giám sát, quản lý, chất lượng cây giống rất đảm bảo, bởi nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đã qua thẩm định, do đó, tỷ lệ sống đạt trên 90%. Đối với những cây giống có nguồn gốc trôi nổi ngoài thị trường, tỷ lệ sống thấp, hoặc cây sinh trưởng không đồng đều, dẫn đến năng suất rừng, chất lượng gỗ thấp.
Nguyên nhân chính của thực trạng sử dụng giống cây lâm nghiệp chất lượng thấp để trồng rừng chiếm tỷ lệ cao là do tâm lý đắn đo, ham sử dụng cây giống giá rẻ của người dân. Đa số các cơ sở sản xuất giống là hộ gia đình, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giống không đăng ký kinh doanh, chưa tuân thủ quy định về quy trình sản xuất giống. Công tác kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất giống của các cơ sở chưa chặt chẽ...
Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hòa Bình cho biết: Để khắc phục tình trạng sử dụng giống cây lâm nghiệp chất lượng kém, đưa nguồn giống chất lượng tốt, có địa chỉ tin cậy phục vụ trồng rừng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về sử dụng giống cây lâm nghiệp có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt. Quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng giống cây trồng, đưa tỷ lệ giống cây trồng lâm nghiệp được kiểm soát về chất lượng trước khi đưa vào trồng rừng đạt 100%.
Đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó hỗ trợ đầu tư trồng rừng thâm canh bằng cây giống chất lượng cao và phân bón; hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật, một phần nhân công và lãi suất vốn vay kéo dài chu kỳ sản xuất, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn; hỗ trợ xây dựng, triển khai thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Triển khai Kế hoạch số 323/KH-UBND ngày 10/7/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới
Kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố