Chúng tôi có dịp ngược lòng hồ thủy điện Hòa Bình, rồi được người dân giới thiệu đến thăm mô hình nuôi cá lồng bằng cỏ voi của gia đình chị Sen. Sau 1 thời gian tìm hiểu về cách nuôi cá lồng của gia đình chị, chúng tôi rất tâm đắc và nói khéo mãi chị Sen mới đồng ý bán cho chúng tôi 2 con cá trắm cỏ trong lồng. Chị bảo: "Lứa cá này còn vài chục con nhưng khách đặt tiền mua hết rồi. Các anh vượt đường dài đến đây mua nên tôi để lại cho anh 1, 2 con".
Nói rồi chị chèo thuyền chở chúng tôi ra lồng bè nuôi cá, nhân tiện mang cỏ cho cá ăn. Khi chị ném cỏ xuống, đám cá quẫy ùm ùm khuấy động mặt nước. Hiện chị nuôi 6 lồng cá với phương pháp nuôi gối nên gần như lúc nào chị cũng có cá bán. Trung bình 1kg cá được chị bán với giá 100.000 đồng/kg, mỗi con cá giá trị 400 nghìn đồng - 500 nghìn đồng.
Chị Sen đang chuẩn bị bắt cá cho khách hàng.
Để bảo đảm đủ nguồn thức ăn cho đàn cá lồng, chị Sen trồng 4.000m2 cỏ voi.
Ngôi nhà sản của chị Xa Thị Sen nằm ngay sát đường, dưới là lòng hồ đẹp tựa như một homestay "tựa sơn đạp thủy". Cả vườn và nhà có hơn 4.000 m2, chị trồng hết cỏ voi cho cá ăn. Đợt nào cỏ mọc chậm, không đủ thức ăn cho cá chị đều phải đi lấy trên đồi cách nhà hơn 2 km. Chị Sen chia sẻ, ở đây có diện tích mặt hồ rộng, nước sạch lại gần trung tâm thành phố. Đây là điều kiện thuận lợi nuôi cá sạch bán cho các gia đình có thu nhập cao. So với nuôi các con vật khác, cá trắm đã mang lại lợi nhuận lớn cho gia đình tôi. Mỗi lồng cá tôi thả 200 con trắm, cuối năm thu được hơn 9 tạ cá thương phẩm.
Chị Sen chủ yếu nuôi cá trắm cỏ là chủ yếu.
"Trước đây vợ chồng tôi cũng trải qua nhiều nghề, đầu tư làm ăn nhiều chỗ, nhưng không hiểu vì duyên số hay do trời định, nên gia đình tôi đến với nghề nuôi cá lồng ngót ngét cũng hơn chục năm rồi", chị Sen chia sẻ. Khác với các gia đình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, chị Sen chọn hướng đi riêng biệt bằng cách cho cá ăn cỏ voi là chủ yếu. Trong quá trình nuôi cá, chị không dùng đến cám công nghiệp.
Trong quá trình nuôi cá, chị Sen không dùng thức ăn công nghiệp nên chất lượng thịt cá thơm ngon và được khách hàng ưa chuộng.
Hiện gia đình chị Sen có 6 lồng nuôi cá trắm cỏ.
Theo chị Sen kể, nuôi cá bằng cỏ voi, lá chuối vốn liếng đầu tư ít. Mỗi ngày chỉ mất 3 tiếng đồng hồ đi lấy cỏ cho cá, thời gian còn lại có thể làm việc khác. Biết chị nuôi cá bằng thức ăn hữu cơ, nên nhiều người ở thành phố Hòa Bình và 1 số khách hàng ở Hà Nội tìm đến mua. Lúc đầu chỉ 1 người - 2 người quen mua rồi giới thiệu cho nhau, đến giờ đã có hàng trăm khách hàng thường xuyên đến mua cá của gia đình chị. Có những khách hàng lâu năm, tin tưởng còn gọi điện thoại nhờ chị Sen bắt và mổ mang xuống thành phố cho họ. Nuôi cá sạch, cho chất lượng thơm ngon, nên chị chẳng phải lo đầu ra.
Chị Sen đang cân cá bán cho khách hàng.
Gia đình chị vốn là hộ di vén thủy điện Hòa Bình. Bao năm làm nương, trồng ngô, trồng sắn mà cuộc sống vẫn nghèo đói. Nhưng từ khi nuôi cá như vậy, chị Sen đã thoát nghèo, xây được ngôi nhà 2 tầng bề thế bên lòng hồ Hòa Bình, con cái được ăn học đến nơi, đến chốn. Với giá bán 100.000 đồng/kg, mỗi lồng cá cho thu vài chục triệu đồng. Bình quân mỗi năm, chị Sen thu lãi trên 150 triệu đồng.
Có vốn, có kinh nghiệm nuôi cá trắm cỏ, trong năm tới chị Sen dự định sẽ làm thêm 2 lồng đến 3 lồng cá nữa. Với cách làm riêng, dám nghĩ, dám làm, tận dụng lợi thế, chị Sen mong muốn sau này sẽ có nguồn thu nhập cao và ổn định từ nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình.
Theo Hà Hoàng/ Dân Việt
https://danviet.vn/hoa-binh-thuan-vo-thuan-chong-nuoi-ca-long-ra-toan-con-to-20201007154721016.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Triển khai Kế hoạch số 323/KH-UBND ngày 10/7/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới
Kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố