Học tập đạo đức HCM

Mận Tam hoa lên sàn thương mại điện tử

Chủ nhật - 06/06/2021 10:30
Thời điểm này, những vườn mận ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) bắt đầu cho thu hái. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên huyện đã chủ động tìm hướng tiêu thụ từ rất sớm, năm nay, Bắc Hà đã đưa mận Tam hoa lên sàn thương mại điện tử.
cc10111618cb89d03bd31f735c9ffc97.JPG
Mận Tam hoa đang vào vụ.

Người trồng mận lo lắng

Mận Bắc Hà là loại quả ngon có tiếng bởi điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ưu ái với những trái mận tròn đều, dày thịt, vị thơm ngọt mà không vùng nào có được.

Những năm trước, cứ đến tháng 6, hơn 300 ha mận của huyện Bắc Hà cho thu hoạch khoảng 3.000 tấn quả với giá bán 70-80 nghìn đồng/kg nhưng việc tiêu thụ hết sức dễ dàng bởi đây là thời điểm Bắc Hà đón một lượng lớn du khách thập phương đến nghỉ dưỡng tại Cao nguyên trắng và tham gia các hoạt động lễ hội: đua ngựa truyền thống, lễ hội mận Tam hoa… do đó, người trồng mận không phải đem ra chợ bán vì thương lái đến tận vườn thu mua.

Năm nay, mặc dù đã vào chính vụ thu hái, nhưng sức mua giảm và giá cũng giảm gần một nửa so với vụ mận năm trước. Đưa chúng tôi ra thăm vườn mận hơn 80 gốc mận sai trĩu đang bắt đầu chín, ông Vàng Văn Lùng, thôn Na Khèo, xã Tà Chải cho biết: “Những năm trước, giá mận chọn loại 1,2 gia đình tôi cũng bán được 80-90 nghìn/kg. Năm 2018 là năm gia đình tôi thu được nhiều nhất, giá bán mận đều đều khoảng 70 nghìn đồng/kg, trừ chi phí còn thu về 180 triệu đồng. Năm 2020 dù cũng ảnh hưởng Covid-19, giá mận chọn cũng bán được 60-70 nghìn/kg, còn mận xô cũng bán được 12 nghìn/kg tại vườn.

Hầu hết mọi năm, gia đình đều bán tại vườn, giá bán loại mận quả to (còn gọi là mận ngố) khoảng 120 nghìn loại 12-15 quả/kg, nhưng do thời tiết mận rụng quả hơn 1 nửa nên gia đình tôi cũng thu được khoảng 60-70 triệu đồng. Năm nay, tuy mận sai quả, nhưng giá bán giảm hẳn, hiện tại đang là đầu vụ, vợ tôi ngày nào cũng hái mận đi bán, giá cũng chỉ được khoảng 20-30 nghìn đồng/kg. Mận loại 1 cũng chỉ được 40 nghìn đồng/kg. Còn giá mận xô chỉ bán được dưới 10 nghìn đồng/kg”.

001.jpg
 

Ông Vàng Văn Lùng (thôn Na Khèo, xã Tà Chải) đang hái tỉa quả trong vườn mận của gia đình. 

 

Ông Lùng rất lo khi sức mua giảm như hiện nay, khó lòng mà tiêu thụ hết sản lượng mận có trong vườn. Bởi chỉ tuần tới là mận chín rộ, không tiêu thụ kịp cũng không biết bảo quản thế nào. Trên thực tế, cũng chưa biết cách bảo quản, chế biến nào khác ngoài bán quả tươi.

Cùng nỗi lo như gia đình ông Lùng, gia đình bà Vàng Thị Ỉnh, thôn Na Áng A, xã Na Hối trồng 200 gốc mận đang cho thu hoạch. Bà Vàng Thị Ỉnh chia sẻ: “Nếu cứ đà này thì không đủ công đủ vốn bỏ ra chăm sóc 200 gốc mận, bởi giá bán hiện tại cũng chỉ 20 nghìn đồng/kg mận quả tươi, loại mận ngố cũng chỉ bán được 30-40 nghìn đồng/kg (số lượng không nhiều). Nhìn vườn mận trĩu quả ngày một chín, mà không bán được, gia đình không khỏi lo lắng. Bởi, gia đình cả năm cũng chỉ trông vào nguồn thu chính từ vườn mận. Giá đã thấp, sức mua giảm như thế này thì thật là khó khăn. Chỉ mong sao, các ban ngành chức năng của huyện tìm những giải pháp giúp nông dân tiêu thụ mận được tốt hơn”.

Thời tiết nắng nóng kéo dài, mận chín nhanh, không tiêu thụ kịp cũng là vấn đề không chỉ bà Vàng Thị Ỉnh mà là nỗi lo chung của nhiều người trồng mận ở Bắc Hà.

Với vườn mận Tam hoa hơn 100 gốc, những năm trước thị trường tiêu thụ thuận lợi, gia đình ông Trần Văn Vân, thôn Na Áng, xã Na Hối thu được 60 – 70 triệu đồng từ bán mận quả. Thậm chí, vườn mận của gia đình ông Vân đã trở thành điểm trải nghiệm yêu thích của khách du lịch mỗi mùa quả chín. Ông Vân còn nhớ, năm trước, mận chín đúng dịp diễn ra Festival Cao nguyên trắng, sau 3 ngày lễ hội, gia đình ông không còn mận để bán cho khách. Năm nay, khi biết thông tin dừng tổ chức Festival Cao nguyên trắng và lễ hội đua ngựa, ông Vân rất lo lắng, ngày nào cũng đi ra đi vào, không biết rồi đây, hơn một tấn quả mận Tam hoa sẽ bán cho ai!?

Mận Tam hoa lên sàn thương mại điện tử

Những năm gần đây, mận Tam hoa Bắc Hà được tiêu thụ thông qua 3 kênh chủ đạo, đó là thương lái (chiếm gần 60% sản lượng tiêu thụ), khách du lịch (30%), bán hàng online (10%). Tuy nhiên, 2 kênh tiêu thụ chiếm sản lượng lớn đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, nhất là kênh tiêu thụ thông qua khách du lịch gần như bằng 0, khiến đầu ra cho mận Tam hoa Bắc Hà sẽ không thể “xuôi chèo mát mái” như mọi năm được. Dù mới chớm vụ thu hoạch, nhưng các hộ trồng mận đã phải lo lắng xoay xở tìm đường tiêu thụ mận trong khó khăn đã được báo trước bởi dịch Covid-19. 

Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Hà cho biết: “Thời điểm này năm trước, chủ yếu các thương lái đặt mua qua điện thoại, người trồng mận Tam hoa bận rộn thu hái để trả các đơn hàng còn không kịp, đồng thời, nhiều đoàn khách còn đến tận vườn để trải nghiệm hái mận. Thế nhưng năm nay, không khí ảm đạm bao trùm lên các vùng trồng mận Tam hoa ở thị trấn Bắc Hà và 3 xã Tà Chải, Na Hối, Bản Phố. Do dịch Covid-19 diễn biễn biến ngày càng phức tạp, gần như huyện Bắc Hà chỉ lác đác vài du khách nội tỉnh, không có khách đến du lịch. Mặt khác, UBND tỉnh đã có văn bản dừng tổ chức Festival Cao nguyên trắng năm 2021, đồng nghĩa với việc không thể tiêu thụ mận Tam hoa thông qua kênh lễ hội”.

002.jpg
 

Vắng bóng khách du lịch, chợ mận ở trung tâm huyện Bắc Hà cũng đìu hiu.

Để người trồng mận không phải loay hoay tìm hướng tiêu thụ mận, chính quyền và các ban ngành đoàn thể huyện Bắc Hà cũng đã vào cuộc để giúp nông dân tiêu thụ mận Tam hoa. Huyện Bắc Hà vừa tổ chức ký kết ghi nhớ giữa Hội Nông dân thành phố Lào Cai – Hội Nông dân huyện Bắc Hà – Cửa hàng sản vật Lào Cai, để làm đầu mối tiêu thụ mận, Theo đó, các đơn vị sẽ đứng ra “lên đơn” cho khách hàng và kết nối với các nhà vườn để tiêu thụ mận, trong đó cam kết đảm bảo chất lượng mận quả tươi đến tay người tiêu dùng sớm nhất.

Bên cạnh đó, huyện Bắc Hà cũng đã ký hợp đồng với Bưu điện tỉnh Lào Cai, Viettel Lào Cai đưa sản phẩm mận Tam hoa lên sàn thương mại điện tử Postmart, Voso.vn, đưa lên các trang mua bán  trực tuyến (Lazada, Shoppee, Sendo); đăng ký truy xuất nguồn gốc QR Code cho sản phẩm mận Tam hoa Bắc Hà.

Ông Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà cho biết: “Ngay từ những tháng đầu năm, lường trước những diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19, huyện Bắc Hà cũng đã bàn giải pháp và tính đến các phương án lo đầu ra cho sản phẩm mận và nhiều nông sản khác trên địa bàn huyện. Việc mạnh dạn đưa sản phẩm Tam hoa vào kênh phân phối sàn thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam cũng là một trong những giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ mận cho bà con.

Tuy nhiên, vì lần đầu tiên, nên với tinh thần quảng bá sản phẩm là chính. Cũng là cách tiêu thụ tương đối hiệu quả trong mùa Covid-19. Hiện tại, sản phẩm đưa vào giao dịch điện tử hầu hết là mận chọn loại 1, loại 2, mận có chất lượng tốt. Nhưng sản lượng mận đưa vào hệ thống này không nhiều. Thế nên, huyện cũng đã chỉ đạo các ban ngành chức năng của huyện tăng cường công tác phối hợp để kích cầu tiêu thụ mận và các loại hoa quả, nông sản khác trên địa bàn".

Vẫn cần một giải pháp lâu dài

Khác với sự háo hức như năm trước, khi mận bắt đầu vào vụ thu hoạch, nỗi lo như thường trực sẵn trong mỗi gia đình người trồng mận ở Bắc Hà.

Toàn huyện hiện có 385 ha mận Tam Hoa, trong đó có 308 ha đang cho thu hoạch quả, sản lượng năm nay ước đạt gần 3.600 tấn. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, huyện Bắc Hà đã xác định khó khăn, chủ động xây dựng phương án tiêu thụ mận Tam hoa và sắp tới là vụ mận Tả Van, lê Tai nung…

Huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động tìm kiếm, liên hệ, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đứng ra thu mua mận, lê cho bà con.

Theo đó, các cơ quan đã đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng rau quả trên địa bàn; chuỗi cửa hàng tiêu thụ nông sản an toàn; Trung tâm Xúc tiến thương mại Hà Nội; Nhà máy Chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương và khách hàng truyền thống tham gia tiêu thụ các loại quả địa phương.

Tuy nhiên, các đối tác chỉ nhận tiêu thụ được 50 tấn mận Tam hoa, bởi dịch bệnh Covid-19, khách đi du lịch giảm sâu, thậm chí “đóng băng” nên nhà hàng, khách sạn cũng gần như không hoạt động, kéo theo nhu cầu sử dụng nông sản giảm mạnh.

anh-3.JPG
Mận ngố (loại 12 quả/kg) với giá bán 120.000 đồng/kg nay chỉ còn 40.000 đồng/kg

Từ đầu vụ mận đến nay, huyện Bắc Hà đã tiêu thụ được khoảng 1.000 tấn mận quả tươi, vẫn còn một sản lượng lớn mận Tam hoa sẽ chín rộ trong khoảng 2 tuần kế tiếp. Dự kiến, cao điểm có ngày sẽ thu hoạch đạt 60 -70 tấn quả. Do vậy, huyện chỉ đạo các cơ quan và vận động người dân tăng cường bán hàng online, coi đây là kênh tiêu thụ chính đối với các loại quả địa phương. Thống kê sơ bộ, mỗi năm thông qua bán hàng online, huyện Bắc Hà tiêu thụ được khoảng gần 800 tấn mận quả. Dự kiến, khả năng tiêu thụ qua kênh bán hàng online sẽ tăng thêm 15%. Đồng thời, tạo thuận lợi để thương lái đến thu mua mận.

Bàn về giải pháp tiêu thụ mận Tam hoa trong niên vụ 2021, bà Chu Thị Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết: “Trong kế hoạch tiêu thụ mận, chúng tôi cũng đưa ra 3 phương án từ rất sớm và đến thời điểm hiện tại công tác tuyên truyền được chú trọng như: xây dựng clip giới thiệu về sản phẩm mận tam hoa Bắc Hà, đưa lên các trang thông tin đại chúng. Tuyên truyền trong hệ thống cán bộ nhà nước cũng như bà con nhân dân tích cực quảng bá trên những trang cá nhân facebook, zalo…

Bên cạnh đó, Huyện đã làm việc với các đơn vị xúc tiến thương mại trong tỉnh và các tỉnh thành khác. Chúng tôi cũng xác định việc đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử thì tính chất tuyên truyền quảng bá rất lớn, sau 2 ngày đưa lên sàn giao dịch của bưu điện thì cũng có đơn hàng hơn 1 tạ, có những khách hàng tận TP. HCM và Hà Nội biết đến. Ngoài ra, Hội Nông dân trong tỉnh cũng liên hệ với TƯ Hội Nông dân Việt Nam để tuyên truyền đến các tổ chức hội của các tỉnh, thành khác để quảng bá giới thiệu sản phẩm, có đơn đặt hàng thì Hội nông dân sẽ đứng ra làm đầu mối. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh Lào Cai cũng liên hệ với các siêu thị, thương lái, chợ đầu mối của Hà Nội… và Trung tâm xúc tiến thương mại của Bộ Nông nghiệp và PTNT".

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 Nguyên Hoa
https://kinhtenongthon.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập107
  • Hôm nay34,395
  • Tháng hiện tại1,277,665
  • Tổng lượt truy cập88,632,735
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây