Năm 2014, vợ chồng anh Trần Quý Bang, ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) thầu gần 3 ha vùng đất nông nghiệp ngập nước, khó sản xuất thuộc khu vực đồng Cửa Chùa (xã Đức Thành, Yên Thành) để làm trang trại nuôi ốc bươu đen (ốc nhồi).
Trước đây, vợ chồng anh Bang thả gà, vịt, lợn, thả cá... Những năm gần đây do dịch bệnh liên tiếp xảy ra ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, anh Bang quyết định chuyển đổi sang mô hình khác phù hợp hơn.
Qua tìm hiểu, nhận thấy ốc bươu đen là loài dễ nuôi, phù hợp với khí hậu địa phương, chi phí đầu tư thấp mà mang lại hiệu quả kinh tế cao nên anh Bang quyết định đầu tư nuôi.
Chị Nguyễn Thị Hồng (vợ anh Bang), chia sẻ: "Sau 5 năm thầu gần 3ha, vợ chồng tôi chăn nuôi đủ loại con, trồng nhiều loại cây nhưng chưa thành công như mong đợi. Không thể dẫm chân tại chỗ, vợ chồng tôi đã đi tham quan học hỏi các mô hình trong xã cũng như các vùng lân cận và thấy mô hình nuôi ốc bươu đen có khả quan".
Đầu năm 2019, tận dụng diện tích nuôi nuôi cá, vợ chồng anh Trần Quý Bang đã đầu tư mua 5 vạn con ốc bươu đen giống với giá 20 triệu đồng. Đến nay, thả nuôi hơn 50 vạn con ốc bươu. Mỗi năm, gia đình Bang xuất bán ra thị trường 7 tấn ốc thịt thương phẩm và hơn 150 vạn con giống. Sau khi từ chi phí, gia đình anh còn thu về hơn 1 tỷ/năm.
"Ốc bươu đen là loài rất dễ nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, chúng hầu như không có bệnh tật gì, thức ăn hằng ngày của chúng chỉ hoa quả và rau cỏ có ở xung quanh vườn. Ốc bươu đen phát triển tốt trong môi trường nước sạch, không bị ô nhiễm và nhiệt độ nguồn nước luôn giao động trong khoảng từ 27 đến 33 độ C" – anh Bang bật mí.
Anh Bang chia sẻ "Để đảm bảo nhiệt độ trong ao nuôi luôn ổn định, tôi thả bèo tây trên mặt ao. Bèo tây giúp nước trong ao mát về mùa hè, giữ ấm vào mùa đông, bèo tây cũng chính là nguồn thức ăn cho ốc. Muốn đảm bảo nguồn nước trong ao luôn sạch, chúng tôi phải thường xuyên thay nước, cứ 10 ngày tôi phải khử trùng ao bằng vôi bột và men vi sinh một lần...".
Theo kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen của anh Thành, khi cho ốc ăn, nên cho lượng thức ăn vừa đủ, vì thức ăn thừa sẽ làm ô nhiễm nguồn nước. Ốc bươu đen rất dễ mắc bệnh đường ruột nếu nguồn nước không sạch".
Theo anh Bang, cứ mỗi sào mặt ao nên thả khoảng 5 vạn ốc bươu đen giống. Sau 5 tháng nuôi, mỗi sào cho sản lượng gần 1 tấn ốc bươu đen thương phẩm và khoảng 15 vạn con giống. Ốc thương phẩm được thương lái mua với giá từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, ốc giống được mua với giá từ 300 - 500 đồng/con, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Bang bỏ túi hơn trăm triệu.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Nguyễn Ngọc Long – Công chức Địa chính - Xây dựng - Nông Nghiệp xã Đức Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết: "Vùng đất được gia đình anh Trần Qúy Bang thuê có địa hình thấp, thường xuyên bị ngập. Trước đây, gia đình anh Bang có chăn nuôi, thả cá nhưng không hiệu quả nên đã chuyển đổi sang mô hình nuôi ốc bươu đen, bước đầu mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.
Mô hình nuôi ốc bươu đen của gia đình anh Bang là một trong những mô hình tiêu biểu của xã, được chính quyền địa phương quan tâm và tạo điều kiện để phát triển. Mô hình này được rất đông bà con trong và ngoài xã đến tham quan và học hỏi".
Hồ Thỏa – Vang Thơ/https://danviet.vn/
https://danviet.vn/nghe-an-nuoi-loai-oc-sieu-de-bo-quanh-quan-trong-ao-moi-nam-bo-tui-tien-ty-20200808171017045.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã