Ngày 25/6, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel solutions), Sở NN-PTNT và Sở Thông tin - Truyền thông An Giang tiếp tục có cuộc họp bàn trực tuyến triển khai xây dựng và ứng dụng thí điểm phần mềm giám định sinh vật gây hại trên cây trồng, thí điểm trên cây lúa tại tỉnh An Giang.
Trước đó, thực hiện chủ trương theo ý kiến chỉ đạo thống nhất giữa lãnh đạo Bộ NN-PTNT và Bộ Thông tin - Truyền thông, ngày 21/6, Cục BVTV cùng Viettel solutions cũng đã có cuộc làm việc nhằm xúc tiến triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác bảo vệ thực vật, trước mắt là thí điểm xây dựng và đưa vào ứng dụng phần mềm giám định sinh vật gây hại trên cây lúa tại tỉnh An Giang.
Tại cuộc họp ngày 25/6, các bên đã tiếp tục thảo luận các phương án và kế hoạch chi tiết trong việc triển khai xây dựng, thiết kế phần mềm giám định sinh vật gây hại trên cây lúa, trong đó giải quyết 3 vấn đề lớn: Xây dựng được cơ sở dữ liệu đủ lớn, đa dạng; phần mềm tạo ra dễ hiểu, dễ tiếp cận và thực hành; đảm bảo tương tác hiệu quả, hướng dẫn được người dân áp dụng chính xác.
Theo ý tưởng thống nhất giữa Cục BVTV và các chuyên gia của Viettel solutions, apps giám định sinh vật gây hại sẽ được xây dựng, thiết kế để sử dụng trên điện thoại thông minh (smart phone) nhằm đảm bảo để nông dân dễ sử dụng nhất trong việc giám định thông qua hình ảnh, tra cứu và đưa ra các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại một cách chính xác, hiệu quả và kịp thời nhất
Theo đó, Cục BVTV và các đơn vị thuộc Cục sẽ sớm triển khai cung cấp hệ thống cơ sở dữ liệu cho Viettel solutions đối với các loài sinh vật gây hại, các đặc điểm về sâu bệnh hại, triệu chứng sâu bệnh hại điển hình... đối với từng giai đoạn phát dục, cung như dữ liệu về biện pháp phòng trừ. Khi chụp ảnh thông qua apps trên smart phone tại đồng ruộng, nông dân sẽ xác định được loài sâu đó là gì, từ đó cơ sở dữ liệu của apps sẽ cung cấp những thông tin để nông dân đưa ra các biện pháp phòng trừ một cách hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, apps cũng sẽ cung cấp các công cụ tra cứu và biện pháp quản lý tổng hợp sinh vật gây hại; thành phần đối tượng sinh vật gây hại trên từng cây trồng, hình ảnh nhận diện, các thông tin về đặc điểm hình thái, sinh học, tập tính gây hại và biện pháp phòng trừ cụ thể.
App cũng sẽ tiến tới xây dựng trợ lý ảo nhằm trả lời các câu hỏi của nông dân về các vấn đề còn chưa rõ, giúp giải đáp các tình huống thường gặp trên đồng ruộng.
Để tối ưu hóa khả năng áp dụng, thuận lợi và dễ dàng để bất kỳ người dân nào cũng có thể sử dụng apps, Viettel cũng sẽ hướng tới xây dựng chức năng tìm kiếm dữ liệu, giải đáp các câu hỏi bằng giải pháp trợ lý ảo giúp nhận dạng giọng nói chính xác, hỗ trợ đa dạng giọng Bắc, Trung, Nam...
Để làm được những điều này, đại diện Viettel solutions mong muốn các cơ quan chuyên môn của Cục BVTV, tỉnh An Giang có thống kê xác định rõ nhu cầu sử dụng apps giám định sinh vật gây hại lúa của người dân cũng như các khó khăn vướng mắc hiện nay của nông dân An Giang khi triển khai apps; tỷ lệ sử dụng dịch vụ 3G, 4G và chất lượng điện thoại thông minh người dân sử dụng có đảm bảo tính khả thi khi sử dụng apps hay không.
Ông Trương Tiến Thọ, Phó giám đốc Sở NN-PTNT An Giang nêu những băn khoăn và kiến nghị khi xây dựng và đưa apps cần đảm bảo các yếu tố không chỉ giúp định danh mà còn đưa ra được các dữ liệu mang tính dự báo sớm để chủ động có biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại.
Bởi theo ông Thọ, việc phát hiện và phòng bệnh sớm sẽ giảm chi phí hơn rất nhiều so với việc trị bệnh. Tuy nhiên, khi người dân nhìn thấy bằng mắt và chụp được ảnh sắc nét cho apps nhận diện thì bệnh đã ở giai đoạn bùng phát, hiệu quả phòng trừ sẽ không cao.
Vì vậy, khi xây dựng apps, các chuyên gia của Viettel nên tính đến các giải pháp tối ưu hóa để apps có thêm tính năng phòng ngừa. Khi có thông tin về hiện tượng bệnh, mật độ bệnh thì có thể đưa ra dự đoán bệnh, dự báo, cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra sâu bệnh ngay cho người dân.
Hơn nữa, để đạt hiệu quả khi triển khai trên thực tế thì tốc độ xử lý thông tin của apps phải nhanh chóng (chỉ tính bằng giây). Lực lượng cán bộ chuyên trách nhất là cán bộ nông nghiệp cơ sở, cán bộ khuyến nông phải được tập huấn, hướng dẫn sử dụng thuần thục.
Đây là lực lượng nòng cốt giúp từng bước chuẩn hóa thêm về hình ảnh đối tượng sâu bệnh hại làm cơ sở dữ liệu cho apps, đồng thời có thể hỗ trợ nông dân vận hành apps qua smart phone, khi thuần thục rồi mới nhân rộng ra đông đảo người dân.
Các Trung tâm BVTV vùng (Cục BVTV) cũng đưa ra những băn khoăn về vấn đề hiện nay, lực lượng lao động tham gia vào sản xuất nông nghiệp ở An Giang nói riêng và các địa phương nói chung chủ yếu là người trung tuổi và cao tuổi. Khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ, điện thoại thông minh sẽ có nhiều hạn chế. Một số địa phương các hộ sản xuất phun phòng trừ sâu bệnh hại lúa thông qua các tổ dịch vụ, vì thế mức độ sát sao và kịp thời với đồng ruộng cũng rất hạn chế.
Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng apps, hình ảnh được xây dựng trên apps chủ yếu là những hình ảnh do cán bộ chuyên môn xây dựng trong các tài liệu tập huấn hoặc nghiên cứu nên chất lượng ảnh, thông tin trong ảnh có thể sẽ khác xa so với hình ảnh nông dân chụp trực tiếp trên đồng ruộng. Vì vậy, quá trình xây dựng, thiết kế apps, cần phải đảm bảo được tính chính xác trong việc định danh sâu bệnh hại khi đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, có thể sẽ cần phải có những hướng dẫn, phổ biến để người sử dụng apps biết cách sử dụng điện thoại thông minh để chụp ảnh một cách tốt nhất, thuận lợi cho việc định danh sâu bệnh hại trong từng thời điểm, ở từng địa bàn...
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết trong giai đoạn tới, Cục BVTV sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Viettel solutions xác định rõ cơ sở hạ tầng của mỗi bên, củng cố lại hệ thống cán bộ chuyên trách ở các địa phương để phân công chi tiết công việc.
Cục BVTV sẽ cung cấp đầy đủ dữ liệu về chuyên môn cho phía Viettel để sớm hoàn thiện phầm mềm, xây dựng thiết kế apps trong thời gian ngắn nhất.
Hai bên sẽ cùng tập trung xây dựng được kho dữ liệu đầu vào cho apps một cách phong phú, chính xác và đầy đủ nhất.
Cán bộ chuyên trách của hai đơn vị sẽ tiến hành tập hợp, phân loại và dán nhãn một cách chính xác, khoa học, thuận lợi nhất cho việc tra cứu, định danh, đưa ra biện pháp xử lí, phòng trừ đối với từng sinh vật gây hại.
Ông Đạt cũng đề nghị Viettel cần có những thông số kỹ thuật yêu cầu về chất lượng, số lượng, hình thức đối với hình ảnh phục vụ quá trình xây dựng apps định danh sinh vật gây hại.
Đây sẽ là những cơ sở hết sức quan trọng để có những hướng dẫn giúp người dân chụp ảnh đúng, phù hợp với yêu cầu của apps, giúp việc đồng bộ hóa giữa cơ sở dữ liệu với hình thực tế khi sử dụng apps trở nên thuận lợi, chính xác hơn...
Trung Quân - Lê Bền/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã