Học tập đạo đức HCM

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Thứ năm - 10/06/2021 06:49
Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phê duyệt danh sách xã khu vực I, II, III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu căn cứ đề nghị của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Dân tộc tổng hợp, thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung danh sách các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do hoàn thành xây dựng nông thôn mới, chia tách, sáp nhập địa giới hành chính, thành lập mới hoặc hiệu chỉnh tên gọi của đơn vị hành chính theo quy định hiện hành.

Các xã khu vực III, khu vực II đã được phê duyệt nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ  được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có hiệu lực.

Thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung TP. Cần Thơ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần thơ.

Theo Quyết định, Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ có diện tích 200.219 m2, thuộc địa bàn phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ; do Quỹ đầu tư phát triển thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư.

Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều 4 Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 8/11/2013 của Chính phủ quy định về khu công nghệ thông tin tập trung.

Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ được áp dụng các chính sách ưu đãi quy định tại Nghị định số 154/2013/NĐ-CP và các chính sách ưu đãi khác áp dụng đối với khu công nghệ thông tin tập trung theo quy định của pháp luật.

Ngân sách Nhà nước (của Trung ương và địa phương) hỗ trợ đầu tư, xây dựng hạ tầng Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ quyết định thành lập tổ chức quản lý và ban hành quy chế hoạt động Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ theo quy định của Nghị định số 154/2013/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật, bảo đảm nguyên tắc tinh gọn tổ chức bộ máy, không tăng đầu mối quản lý và phát sinh biên chế.

UBND thành phố Cần Thơ phối hợp với các bộ, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Quyết định, bảo đảm việc đầu tư xây dựng và quản lý vận hành Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ hiệu quả và đúng quy định.

Đẩy mạnh xã hội hóa để huy động sức mạnh tổng hợp phát triển văn hóa

Kết luận cuộc họp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đẩy mạnh xã hội hóa để huy động sức mạnh tổng hợp cho phát triển văn hóa và nâng cao giá trị con người.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao thời gian qua, những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết trong thời gian tới.

Thông báo nêu rõ, Đảng và Nhà nước ta xác định: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; bảo đảm an ninh quốc phòng là thường xuyên, trọng yếu; xây dựng Đảng là then chốt; công tác cán bộ là then chốt của then chốt; văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững”. Chúng ta cần nhận thức đúng vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển đất nước để tự hào, thấy rõ trách nhiệm trong việc thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao phát triển xứng tầm, qua đó truyền cảm hứng, niềm tự hào tới mỗi người dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong tiến trình đổi mới, phát triển đất nước, ngành văn hóa, thể thao và du lịch luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của nhân dân và toàn xã hội. Sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch, xây dựng con người Việt Nam, gia đình văn hóa trong những năm gần đây đã có bước trưởng thành hơn, đạt được nhiều thành tựu, nổi bật là: Sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật ngày càng được nâng cao về chất lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân. Nhiều di sản có giá trị được thế giới công nhận, được quan tâm bảo vệ và ngày càng phát huy giá trị. Đời sống văn hóa ở cơ sở có bước phát triển. Hội nhập và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Bên cạnh kết quả đạt được đáng khích lệ, vẫn còn một số hạn chế, bất cập mà dư luận xã hội rất quan tâm; gần đây nhất, đồng chí Tổng Bí thư có nhận định “Văn hóa, đạo đức xã hội, có mặt xuống cấp”. Cần thẳng thắn nhìn thẳng vào sự thật, nhìn nhận những hạn chế, tồn tại, xác định rõ nguyên nhân, coi đây là động lực để phấn đấu vươn lên, để tìm giải pháp khắc phục phù hợp, để trưởng thành và khẳng định mình; với quan điểm không bi quan, mất động lực, mất bản lĩnh trước những khó khăn, thách thức và hạn chế, bất cập.

Tiếp tục đổi mới tư duy quản lý, tự lực, tự cường vươn lên

Phát triển văn hóa, thể thao và du lịch trong thời điểm hiện nay đứng trước những yêu cầu đặt ra là phải phục vụ tích cực cho việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đồng thời, phải đối mặt với các thách thức như già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và các vấn đề về an ninh phi truyền thống. Những vấn đề đó tác động rất lớn đến sự phát triển chung của ngành, nhất là về lĩnh vực văn hóa. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành văn hóa, thể thao và du lịch phải:

1- Tiếp tục đổi mới tư duy quản lý, tự lực, tự cường vươn lên; biến khó khăn, thách thức thành động lực để phấn đấu vươn lên, khẳng định mình và trưởng thành. Quán triệt tinh thần nỗ lực phấn đấu để có thể “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể”; phát huy những thành tích, thành tựu đã đạt được, những kinh nghiệm đã có để tổ chức thực hiện ngày càng hiệu quả hơn.

Đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận trong giải quyết các vấn đề, để có giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa phù hợp trên tinh thần “suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc ấy”; không say sưa, ngủ quên trên thắng lợi, cùng với đó phải nhìn thẳng vào sự thật, “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật” đối với công tác và những thành quả phát triển của ngành, từ đó tạo ra sức mạnh nội sinh.

2- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực: Xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch; chú trọng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường quản lý Nhà nước, nhất là quản lý vĩ mô bằng pháp luật, thiết kế các công cụ và đẩy mạnh kiểm tra, giám sát; bám sát thực tiễn để tìm ra những khó khăn, bất cập để đề xuất các giải pháp tháo gỡ; lựa chọn một số công việc, nhiệm vụ có tính chất ưu tiên, cấp bách, “đòn bẩy, điểm tựa”, có tác động lan tỏa nhanh, mạnh mẽ làm trước, làm dứt điểm một cách có hiệu quả.

Trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách, những gì  đã “chín”, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì thể chế hóa để triển khai, mở rộng. Những gì chưa có quy định, hoặc có quy định nhưng thực tiễn vượt quá thì mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

3- Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.

4- Chú trọng cơ chế quản lý ngành trong tình hình mới trên cơ sở tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn để thực hiện và điều chỉnh linh hoạt, sáng tạo.

5- Phải dựa vào nguồn lực bên trong, trước hết là nguồn lực con người, giá trị con người Việt Nam là cơ bản, là chiến lược lâu dài, là quyết định để phát triển. Đồng thời, xác định nguồn lực bên ngoài là cần thiết, thường xuyên, đột phá, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng. Tập trung triển khai hợp tác công tư có hiệu quả thông qua các mô hình lãnh đạo công - quản trị tư, đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa để huy động sức mạnh tổng hợp cho phát triển văn hóa và nâng cao giá trị con người.

Kịp thời đề xuất chính sách để huy động đa dạng nguồn lực cho phát triển văn hóa

Thủ tướng chỉ đạo nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong thời gian tới là bám sát tình hình thực tiễn, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương xây dựng Chương trình hành động của Ngành để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó kịp thời đề xuất hoàn thiện thể chế, các cơ chế, chính sách để huy động đa dạng nguồn lực cho phát triển văn hóa; trên cơ sở bám sát 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết đã đề ra.

Bên cạnh đó, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, thực hiện nghiêm Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Trung ương về sắp xếp lại bộ máy, chức năng nhiệm vụ, tinh giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp và giảm đầu mối bên trong, giảm cấp phó, giảm khâu trung gian, giảm các thủ tục hành chính rườm rà. Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ngành, xây dựng vị trí việc làm, mô tả khung năng lực, trên cơ sở đó xác định số lượng biên chế phù hợp. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đoàn kết, thống nhất, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp; gắn với trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.

Chủ động hơn trong nắm bắt cơ hội, áp dụng khoa học công nghệ, tận dụng chuyển đổi số để phát triển Ngành mạnh mẽ, hiệu quả, không bị tụt hậu. Triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của Ngành. Đặc biệt, triển khai các giải pháp quyết liệt chuyển đổi số du lịch ở tất cả các khâu một cách đồng bộ, tổng thể, liên thông hiệu quả.

Trong tổ chức thực hiện, luôn xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để hành động, để hoàn thiện lý luận. Dự báo đúng tình hình để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phù hợp; kịp thời hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù cho từng lĩnh vực hoạt động của Ngành; có các chính sách ưu đãi, đặc thù hỗ trợ văn nghệ sỹ đúng tầm, phù hợp với thực tiễn và đặc thù của lao động nghệ thuật.

Không làm đứt gãy các chuỗi kinh doanh của cơ sở dịch vụ du lịch

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khác của ngành văn hóa, thể thao và du lịch là tập trung nguồn lực thỏa đáng, phát triển các lĩnh vực nghệ thuật, nhất là các loại hình nghệ thuật thúc đẩy phát triển nền văn hóa dân tộc và phát huy giá trị con người Việt Nam. Chủ động, sáng tạo triển khai các giải pháp để duy trì sản xuất, kinh doanh, không làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ du lịch, duy trì ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Bảo đảm tuân thủ giải pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc “5k + vaccine” và tích cực ứng dụng công nghệ rộng rãi, chặt chẽ để duy trì, ổn định hoạt động du lịch, bảo đảm thích ứng với điều kiện dịch bệnh và sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hậu COVID-19. Chú trọng phát triển các lĩnh vực như du lịch thông minh, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm, du lịch ẩm thực... Đổi mới nội dung, đa dạng phương thức quảng bá, xúc tiến du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia.

Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển thể thao Việt Nam, trong đó lựa chọn những môn thể thao phù hợp, có khả năng phát triển nhanh, mạnh, phù hợp với văn hóa, thể lực, tầm vóc của người Việt Nam để ưu tiên đầu tư theo phương châm “đầu tư ít, hiệu quả cao”.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ  được tổ chức ở trình độ cao, tiềm năng, lợi thế và nền tảng giá trị di sản, nghệ thuật, lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam kết hợp với ứng dụng hiệu quả thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông; thực hiện đồng bộ giữa truyền thông về cơ chế, chính sách với tuyên truyền, vận động, truyền cảm hứng cho người dân hiểu, chia sẻ, tích cực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nếp sống mới; hưởng ứng tích cực, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái đạo đức, lối sống; trước hết là tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch và thụ hưởng các thành quả phát triển văn hóa, nghệ thuật của đất nước.

Thời gian trước mắt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai ngay các nhiệm vụ: Ưu tiên và tập trung nguồn lực thực hiện đầu tư, cải tạo, nâng cấp và xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia trên cơ sở giữ nguyên kiến trúc và những giá trị cốt lõi sẵn có; nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới phương thức quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam theo hướng hợp tác công tư, “lãnh đạo công, quản trị tư”, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;  nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở một cách phù hợp, hiệu quả.

32 văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định 889/QĐ-TTg ban hành Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.

Theo danh mục, có 16 văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành, 12 văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành và 4 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.

Trong đó, đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, cần sửa đổi, bổ sung các nội dung về mô hình tổ chức, mô hình quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, các chế định hợp đồng bảo hiểm, các quy định về phòng ngừa, gian lận bảo hiểm...; đồng thời, sửa đổi quy định tại Khoản 2 Điều 19, Khoản 1 Điều 22, Khoản 2 Điều 34 liên quan đến thực hiện hợp đồng, quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng bảo hiểm và bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ liên quan mang tính đặc thù để khắc phục khoảng trống của Luật.

Đối với Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi quy định tại Điều 4, Điều 22 và các quy định liên quan nhằm làm rõ hơn khái niệm “Dịch vụ pháp lý” và “Hành nghề luật sư”, xác định rõ chủ thể thực hiện là luật sư và người có đủ điều kiện thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật, để tránh hiểu nhầm là bất kỳ doanh nghiệp, cá nhân nào cũng có thể thực hiện “dịch vụ pháp lý”, “hành nghề luật sư” mà không cần đáp ứng về tiêu chuẩn, điều kiện gì; sửa đổi, bổ sung quy định về cấp Giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng cho phù hợp, thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng bỏ quy định tại Luật Luật sư và dẫn chiếu áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

Đối với Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử bổ sung quy định về: Các hoạt động thương mại điện tử mới xuất hiện trên thực tế; quản lý thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài; xử lý vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng trên môi trường điện tử.

Xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân thuộc nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 trên cơ sở quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng, Luật Công nghệ thông tin…

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu căn cứ danh mục, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý tại các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua hoặc cho ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp khẩn trương nghiên cứu, đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và các năm tiếp theo đối với các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã có trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2021; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, đề xuất đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2022 và các năm tiếp theo.

Xác định rõ đúng, sai trong triển khai Dự án Khu Trung tâm Chí Linh (Bà Rịa-Vũng Tàu)

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Xây dựng và Thanh tra Chính phủ, căn cứ quy định của pháp luật liên quan, rà soát hồ sơ, thủ tục, quá trình triển khai Dự án Khu Trung tâm Chí Linh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, xác định rõ đúng, sai trong việc triển khai thực hiện Dự án, xử lý theo quy định./.

chinhphu.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập194
  • Hôm nay31,420
  • Tháng hiện tại507,328
  • Tổng lượt truy cập92,884,992
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây