Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến báo cáo kết quả công tác chỉ đạo điều hành của Tổng cục và thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, trong đó công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm tổ chức thực hiện, có 03 Nghị định, 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 03 Thông tư đang trình ban hành; xây dựng và trình ban hành Chiến lược Quốc gia Phòng chống thiên tai đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030 và một số Thông tư. Về công tác ứng phó thiên tai, ngay từ đầu năm, Tổng cục đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương triển khai nhanh chóng, hiệu quả các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; xây dựng kịch bản ứng phó với lũ, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét và các loại hình thiên tai khác. Hướng dẫn địa phương báo cáo việc thực hiện các quy định về tình huống khẩn cấp cần phân lũ, chậm lũ, các biện pháp di dân, trợ cấp, bảo đảm an toàn nhân dân; việc thực hiện công tác phòng chống sạt lở ven sông, ven biển, kè biên giới và các công trình Phòng chống thiên tai khác.
Từ đầu năm 2021 đến nay, thiên tai xảy ra trên phạm vi cả nước: 2 cơn bão, 59 trận động đất nhẹ, 137 trận mưa đá, dông lốc; 5 đợt không khí lạnh, trong đó rét đậm, rét hại; 14 trận mưa lớn, lũ cục bộ; 2 trận lũ quét và 60 điểm sạt lở bờ sông. Thiên tai đã làm 25 người chết, 31 người bị thương, ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 132 tỷ đồng.
Trên cơ sở nhận định tình hình thiên tai 6 tháng cuối năm cùng với tình hình dịch bệnh Covid 19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, sẽ là thách thức lớn đối với công tác phòng chống thiên tai, vì vừa phải đảm bảo an toàn thiên tai vừa phải đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch. Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là theo dõi giám sát diễn biến của thiên tai, chủ động tham mưu chỉ đạo kịp thời phòng ngừa, ứng phó hiệu quả, giảm thiệt hại, trong đó đảm bảo an toàn đối với hệ thống đê điều, công trình phòng chống thiên tai; tham mưu kịp thời, chính xác cho Ban Chỉ đạo; việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng trình các chương trình, kế hoạch, dự án trọng điểm; tiếp tục kiểm tra, đôn đốc công tác thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, đề án được ban hành; Tăng cường nâng cao năng lực, nhận thức cộng đồng và truyền thông, hướng dẫn, sử dụng tài liệu truyền thông về PCTT đến các Bộ ngành, địa phương và các cơ quan báo chí; Chú trọng công tác phòng ngừa, kiểm soát rủi ro thiên tai; Nâng cao năng lực ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; Đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, phòng chống sạt lở.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài cho biết, Tổng cục vừa thực hiện nhiệm vụ Quản lý nhà nước vừa là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo với khối lượng công việc tương đối lớn, công tác phòng chống thiên tai đòi hỏi khẩn trương, chính xác và quyết liệt hơn. Trong thời gian tới, dịch bệnh COVID vẫn còn phức tạp, công tác phòng, chống thiên tai sẽ gặp nhiều thách thức. Ngay sau Hội nghị, Tổng cục sẽ tiếp tục tiếp tục triển khai ngay nhiều khối công việc lớn như thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; kiện toàn, xây dựng Quy chế làm việc của Văn phòng thường trực, Ban chỉ đạo Quốc gia PCTT; triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia, các kế hoạch được phê duyệt; tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai; triển khai ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Lê Văn Thành tại Hội nghị trực tuyến về PCTT,…
Phát biểu tại Hội nghị Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá về công tác 6 tháng đầu năm của Tổng cục phòng chống thiên tai đã triển khai toàn diện và thực hiện nhiều nội dung quan trọng, có chất lượng tốt. Trong đó, Thứ trưởng nhấn mạnh việc xây dựng và ban hành Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Hoàn thiện và phê duyệt bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai.
Đối với 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục tập trung nghiên cứu, tham mưu chỉ đạo, trong đó chú ý đến việc đảm bảo an toàn cho lực lượng phòng chống thiên tai, lực lượng tìm kiếm cứu nạn; công tác phòng chống thiên tai cần quyết liệt hơn, gắn trách nhiệm với địa phương nhiều hơn; công tác dự báo cần chi tiết hơn và thông tin cảnh báo chi tiết cần truyền tải kịp thời đến người dân.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID 19 còn diễn biến phức tạp do đó công tác phòng chống thiên tai còn nhiều thách thức, cần xây dựng kịch bản chi tiết tại các địa phương trước các tình huống thiên tai, đặc biệt vấn đề di dời người dân, có các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch, rà soát kỹ các công trình đặc biệt các công trường đang thi công trong mùa mưa bão. Thời gian tới, Tổng cục cần tập trung triển khai các văn bản quy phạm pháp luật; các chương trình đầu tư công; đảm bảo an toàn cho các công trình phòng chống thiên tai trong đó có công trình đê điều, hồ đập; cần lưu ý công tác cứu trợ sau thiên tai.
HNN (tổng hợp)
https://www.mard.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;