Các ngân hàng đang nỗ lực đồng hành tốt nhất với khách hàng thiệt hại do dịch bệnh Covid 19
Đầu tháng 4, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh đã phát đi chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm tăng cường phòng, chống, khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Công văn số 221/NHNN-HTI4 của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh nêu rõ: “Các tổ chức tín dụng phải thực hiện mạnh mẽ các giải pháp cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng đầy đủ vốn cho các thành phần kinh tế trên địa bàn, đặc biệt là khôi phục và duy trì sản xuất cho các ngành, lĩnh vực, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”.
Vietcombank Hà Tĩnh có khoảng 1.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do đại dịch
Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành chủ trương, chậm xử lý, cố tình gây khó khăn phiền hà, thiếu trách nhiệm trong việc tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trên thực tế, suốt gần hai tháng qua, hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh đã có những phản ứng kịp thời với tình hình dịch bệnh. Việc giảm lãi suất điều hành xuống còn 5 - 9% đối với cho vay VND trong kỳ ngắn hạn; 9 - 11% với kỳ trung và dài hạn đã tạo ra làn sóng giảm lãi suất từ nội bộ các ngân hàng.
Những giải pháp kịp thời của ngân hàng sẽ giúp các doanh nghiệp trong tỉnh “vượt bão” an toàn
Đặc biệt, đối với nhóm khách hàng thiệt hại, các ngân hàng đã rà soát, đánh giá lại toàn bộ dư nợ, xem xét nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
Bước đầu, có khoảng 700 tỷ đồng dư nợ bị thiệt hại tiếp cận được các hỗ trợ ưu đãi về tín dụng, trong đó trên 90% là dư nợ doanh nghiệp. Số khách hàng đã được cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi vay, cho vay mới… cũng đang dần tăng lên với con số hàng trăm doanh nghiệp.
Thông tin từ Vietcombank Hà Tĩnh, hiện có khoảng 1.000 tỷ đồng dư nợ tại ngân hàng này bị thiệt hại do dịch Covid-19. Chi nhánh đã sớm áp dụng chương trình giảm lãi suất 1% - 1,5%/năm đối với dư nợ vay VND đối với dư nợ hiện hữu; giải ngân vốn vay mới với giảm lãi suất tối đa tới 1%/năm VND; cơ cấu lại thời gian trả nợ cho một số khách hàng trong diện ưu tiên.
Ông Phan Viết Phong, Giám đốc Vietcombank Hà Tĩnh cho biết: “Chi nhánh đang tiếp tục rà soát và hoàn tất hồ sơ gửi ngân hàng trung ương xem xét để giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ và giải ngân cho vay mới theo quy định, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp".
Chính sách này cũng nhằm “vực dậy” nền kinh tế sau khi dịch bệnh kết thúc
Từ đầu tháng 4, ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng công bố tiếp tục giảm lãi suất đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, BIDV cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi và giảm đến 2%/năm (đối với các khoản vay bằng tiền đồng). Mức giảm tùy thuộc mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đối với khoản vay mới, BIDV cung cấp gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất giảm 2% so với lãi suất cho vay cùng loại ngày 31/12/2019. Ở đợt giảm lãi suất cho vay này, dự kiến giảm khoảng 2.400-3.000 tỷ đồng thu nhập để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn.
Trong khi đó, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà tĩnh cũng đã sẵn sàng để triển khai gói tín dụng chính sách 0% để trả lương cho người lao động bị ngừng việc 3 tháng trước đại dịch Covid-19.
Theo N.O/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã