Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng,
Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng chủ trì buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe giới thiệu về mô hình phát triển chuỗi sản phẩm từ gạo lứt (cốm, trà, bột) Omega An Phát và mô hình sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ tại Cụm công nghiệp Thái Yên (Đức Thọ) gắn với du lịch làng nghề.
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất thương mại An Phát
báo cáo thông tin về mô hình và định hướng thời gian tới
Công ty TNHH Sản xuất thương mại An Phát được thành lập từ 2013 tại xã Thạch Tân (nay là xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cung cấp giống, phân bón, chế biến gạo, đồ gỗ…
Đến tháng 7/2019, công ty mua bản quyền giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa (Nghệ An), sản xuất gạo lứt thảo dược và các sản phẩm được chế biến từ gạo lứt; liên hệ với các hợp tác xã, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh để sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa; đã xây dựng xưởng, đầu tư máy móc thiết bị chế biến các sản phẩm từ gạo lứt.
Doanh thu 3 tháng cuối năm 2019 của công ty đạt 1,3 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng tham quan gian hàng trưng bày của Công ty TNHH Sản xuất thương mại An phát tại CED Central, số 2, đường Vũ Quang, TP. Hà Tĩnh
Hiện nay, công ty cung cấp ra thị trường khoảng 40 tấn sản phẩm gạo lứt omega mỗi tháng (trong đó khoảng 22 tấn gạo và 18 tấn sản phẩm từ gạo gồm: Bột gạo lứt, bột ngũ cốc, cốm gạo lứt, trà gạo lứt, trà gạo lứt túi lọc). Sản phẩm đã được tiêu thụ đến 63 tỉnh, thành cả nước.
Đại diện Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Thái Yên (Đức Thọ) thông tin tổng quan
về mô hình và một số kiến nghị.
Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Thái Yên đi vào hoạt động từ tháng 10/2019 tại Cụm công nghiệp Thái Yên (Đức Thọ). Trong 2 tháng đầu năm 2020, doanh thu của công ty đạt 400 triệu đồng. Hiện tại, doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm: Vật dụng gia đình, đồ chơi, mô hình phục vụ giáo dục trải nghiệm cho học sinh, quà tặng lưu niệm, trang trí… từ gỗ với sản lượng 10.000 – 15.000 sản phẩm/tháng.
Thị trường chính hiện nay của đơn vị là gia công thô cho các đối tác xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản (70%). Sản phẩm còn lại được tiêu thụ trong nước thông qua các kênh bán hàng online.
Báo cáo thêm tại buổi làm việc, chủ các mô hình cũng chia sẻ thêm một số khó khăn, kiến nghị đối với UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương.
Theo đó, các doanh nghiệp hiện nay vẫn đang gặp một số khó khăn về nguyên liệu sản xuất, vị trí đầu tư. Do đó doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về nguyên liệu, đào tạo công nghệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, vay vốn sản xuất…
Thảo luận tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, địa phương đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp trẻ, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm công nghiệp nông thôn; chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Các sở, ngành, địa phương sẵn sàng đồng hành, vào cuộc hỗ trợ, giúp đỡ để doanh nghiệp phát triển.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp, đây là những mô hình điển hình của công nghiệp nông thôn Hà Tĩnh. Đồng thời, chia sẻ với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ về những khó khăn, nhất là trong việc tiếp cận thông tin chính sách, hỗ trợ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực phát triển sản xuất, mở rộng quy mô, có thêm các sản phẩm mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, các mô hình với những kết quả đạt được và những định hướng, chiến lược phát triển cụ thể xứng đáng được hỗ trợ và quan điểm của tỉnh là hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp để phát triển, đặc biệt về nhu cầu quỹ đất, nguồn vốn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực phát triển sản xuất, mở rộng quy mô, có thêm các sản phẩm mới, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo thêm việc làm cho người lao động. Các sở, ngành, đơn vị cần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng đề nghị, Sở Công thương chủ trì, phối hợp giúp 2 mô hình tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nghiên cứu, lập kế hoạch tham mưu UBND tỉnh về hỗ trợ quảng bá thương hiệu, kết nối tiêu thụ cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng qua mạng internet; khâu nối với các sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát, tham mưu, chỉ đạo các xã trên toàn tỉnh quy hoạch bố trí quỹ đất hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; Sở KH&CN Hà Tĩnh xem xét, nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp về công nghệ, kỹ thuật...
Theo Dương Chiến/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã