Học tập đạo đức HCM

Bảo đảm tăng trưởng tín dụng, tiếp tục giảm lãi suất cho vay

Chủ nhật - 28/04/2013 05:09
Ngày 26-4, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và bốn tháng qua, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: tính đến ngày 18-4, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 4,8% so tháng 12-2012.

Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 5,04%. Bốn tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 39,46 tỷ USD, tăng 16,9% so cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 40,2 tỷ USD, tăng 18%; nhập siêu khoảng 722 triệu USD, bằng 1,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 5% (cùng kỳ năm 2012 là 4,3%); cả nước có 23.800 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, giảm 1,2% so cùng kỳ năm 2012; có khoảng 3.000 DN hoàn thành các thủ tục giải thể DN, giảm 4,8%; khoảng 16.600 DN ngừng hoạt động, tăng 16,9%; khoảng 8.300 DN ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động...

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát đề nghị trước tình hình dịch cúm gia cầm nghiêm trọng, các lực lượng chức năng, nhất là Bộ đội Biên phòng cần tăng cường kiểm soát chặt khu vực biên giới, không để gia cầm nhập lậu tràn vào nội địa; Chính phủ cần hỗ trợ về giống cây trồng để bà con nông dân Tây Nguyên chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong tình hình khô hạn nghiêm trọng hiện nay. Bộ trưởng Giao thông vận tải Ðinh La Thăng kiến nghị Chính phủ cần ưu tiên giải ngân vốn, có cơ chế, chính sách cho các công trình giao thông trọng điểm như quốc lộ 1, quốc lộ 14...

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp về phần kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Tình hình trên mọi lĩnh vực tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc chuyển biến còn chậm, chưa vững chắc, còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần kiên trì các mục tiêu đã đề ra; kiên trì thực hiện những giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết 01 và 02/NQ-CP cũng như các Nghị quyết, chỉ đạo khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nhiệm vụ hàng đầu của các Bộ trưởng là ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, khẩn trương cụ thể hóa những chính sách này, đồng thời cần bám sát, chỉ đạo, điều hành quyết liệt.

Ðối với việc tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu luôn coi trọng vấn đề kiểm soát lạm phát, kiểm soát cung tiền. NHNN chịu trách nhiệm kiểm soát chính sách tiền tệ; rải đều dư nợ tín dụng trong năm, không để tình trạng "giật cục", nỗ lực bảo đảm tăng trưởng tín dụng; tiếp tục giảm lãi suất cho vay, điều hành lãi suất mạnh mẽ hơn. Nếu cần thì phải xem xét quy định trần lãi suất cho vay có mức chênh lệch hợp lý so lãi suất huy động và tăng cường kiểm tra việc thực hiện; bảo đảm tỷ giá ngoại tệ ổn định, nỗ lực tăng dự trữ ngoại hối.

Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài chính nỗ lực bảo đảm cân đối thu chi ngân sách, không điều chỉnh mục tiêu đã đề ra. Tăng cường tiết kiệm chi, nhất là giảm chi hội họp, tiếp khách, hạn chế đi nước ngoài... Rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA. Ðẩy nhanh tiến độ thi công quốc lộ 14, quốc lộ 1. Cải thiện môi trường kinh doanh mạnh hơn để tăng cường thu hút vốn đầu tư FDI. Quyết liệt triển khai tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu DNNN, trong đó đẩy nhanh quá trình CPH các DNNN. Xem xét việc bán bớt một phần vốn nhà nước ở những DN có quy mô vốn hóa thị trường lớn để có thêm vốn đầu tư cho những công trình, dự án cần thiết. Sớm công bố kế hoạch đầu tư trung hạn để các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai.

Ðể tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, Thủ tướng nhấn mạnh yếu tố thị trường nước ngoài có vai trò quan trọng. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của DN, nhất là tìm mọi cách đẩy mạnh xuất khẩu, giảm lãi suất để hỗ trợ DN. Thủ tướng cũng yêu cầu các ngành, địa phương, các lực lượng chức năng quyết liệt ngăn chặn hiệu quả buôn lậu gia cầm ngay từ biên giới để ngăn ngừa nguy cơ lây lan cúm gia cầm A (H7N9) và cúm A (H5N1). Thủ tướng cũng yêu cầu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong đó các địa phương vừa qua có chỉ số năng lực cạnh tranh tụt hạng nhanh thì cần rút kinh nghiệm, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém để vươn lên.  

* Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe và thảo luận việc sửa đổi Ðiều 170 Luật Doanh nghiệp. Chính phủ đánh giá đây là điều hết sức cần thiết và cấp bách,  nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục duy trì hoạt động, đặc biệt là các DN đã đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định, có lực lượng lao động gắn bó lâu dài, đóng góp cho xã hội và ngân sách nhà nước; tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích các DN FDI chưa đăng ký lại thực hiện dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng tại Việt Nam; đối tượng áp dụng của điều luật sửa đổi này là các DN FDI được cấp Giấy phép đầu tư trước ngày 1-6-2006 và chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại để hoạt động theo quy định của Luật DN... Dự án Luật sửa đổi này đã được các thành viên Chính phủ nhất trí thông qua trình Quốc hội xem xét.

Các thành viên Chính phủ cũng nghe và thảo luận Ðề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư...

* Chiều 26-4, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Ðức Ðam. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành. Sau khi thông báo vắn tắt những nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Ðức Ðam và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trả lời câu hỏi của các nhà báo.

Về việc điều hành, quản lý thị trường vàng, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: Thời gian qua, chúng ta phải lựa chọn mục tiêu ưu tiên là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và hoạt động bình thường của thị trường ngoại tệ. Hai năm qua, NHNN không cấp phép nhập khẩu vàng miếng để góp phần ổn định vĩ mô, trong khi nhu cầu vàng miếng là có thực, trong đó có một phần từ các ngân hàng tất toán trạng thái. Mặt khác, gần đây giá vàng quốc tế có sự sụt giảm mạnh nhất trong 30 năm qua. Ðây là các yếu tố khiến giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch. Nhưng nhìn lại, từ khi triển khai Nghị định 24/2012/NÐ-CP của Chính phủ, tuy có chênh lệch giá vàng nhưng không tạo ra cơn sốt vàng làm ảnh hưởng tỷ giá ngoại tệ. Nếu NHNN không tham gia bình ổn, trong bối cảnh không cho phép nhập khẩu, thì thị trường sẽ biến động rất mạnh, đặc biệt là về giá. Việc NHNN đấu thầu 12 tấn vàng đã tăng cung, giảm áp lực cầu vàng, tránh tình trạng bất ổn, sốt vàng. Một tín hiệu tích cực là sau khi triển khai Nghị định 24 và NHNN triển khai bình ổn thị trường vàng, nhu cầu về nắm giữ vàng giảm mạnh, tất nhiên còn có nhu cầu khác đến từ các tổ chức tín dụng (TCTD). NHNN có thể bán trực tiếp vàng cho các TCTD, nhưng để minh bạch, công khai, NHNN đã tổ chức đấu thầu và NHNN cho phép các DN, các TCTD đủ điều kiện tham gia đấu thầu.

Thông qua việc đấu thầu vàng, NHNN không nhằm mục tiêu kéo giá vàng xuống ngay lập tức cân bằng với giá vàng thế giới mà chủ yếu thực hiện việc tăng cung ra thị trường để qua đó giải quyết vấn đề nhu cầu vàng. Thời gian qua, thị trường vàng có biến động nhưng không xảy ra những cơn sốt vàng, không xảy ra những biến động hay tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng. Còn toàn bộ khoản chênh lệch giá vàng NHNN thu được từ việc đấu thầu vàng đều được chuyển về ngân sách nhà nước.

Việc huy động vàng của các TCTD dưới hình thức tiết kiệm đã chấm dứt từ ngày 25-11-2012, nhưng kỳ hạn dài nhất mà một số TCTD muốn huy động là ngày 30-6. Ðây là một trong những lý do mà các TCTD phải mua vàng trên thị trường để đáp ứng tất toán trạng thái huy động và cho vay. Rõ ràng nhu cầu gây áp lực lên thị trường đến ngày 30-6 khi các TCTD hoàn thành việc tất toán trạng thái vàng của mình sẽ giảm cầu trên thị trường. Khi nhu cầu vàng trên thị trường giảm bớt thì chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế sẽ giảm.

* Trước khi diễn ra Họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tổ chức buổi giới thiệu chuyên đề tóm tắt Ðề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Mục tiêu tổng thể của Ðề án là đến năm 2020, cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...

Theo nhandan.org.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập260
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm257
  • Hôm nay58,415
  • Tháng hiện tại855,113
  • Tổng lượt truy cập90,918,506
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây