Vào thời điểm này, tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Ana, mỗi ngày có khoảng 100 lượt người đến giao dịch. Hầu hết là bà con nông dân, khi vụ thu hoạch lúa, càphê kết thúc, họ đến ngân hàng trả nợ và tiếp tục vay để tập trung tái sản xuất. Sau khi hoạch xong gần 1ha càphê, anh Vũ Văn Vịn ở xã Băng Drênh đã đến ngân hàng trả nợ 70 triệu đồng. Anh được cán bộ tín dụng đáo hạn nhanh chóng để tiếp tục đầu tư cho càphê và sản xuất lúa vụ đông xuân. Ông Ama Thuộc ở buôn Ea Kruê, xã Ea Bông cũng vay 14 triệu đồng để chăm sóc 2 sào càphê, 3 sào lúa. Ông đã trả đúng hạn và tiếp tục vay thêm 20 triệu đồng để mua phân bón cho càphê và chuẩn bị gieo sạ lúa đông xuân. Theo Nghị định 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp - nông thôn, nông dân có thể vay với số tiền 50 triệu đồng không cần thế chấp. Điều này giúp bà con thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để đầu tư cho sản xuất, hạn chế được tình trạng tạm ứng vốn trước của đại lý, đến mùa vụ dễ bị ép giá khi thu mua để trả nợ. Krông Ana hiện có 8.550ha càphê, vào thời điểm thu hoạch, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện đã chuẩn bị nguồn vốn dồi dào để đáp ứng nhu cầu của bà con. Cũng là địa bàn có diện tích càphê lớn, ngoài việc tập trung nguồn vốn, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pak đã tăng cường cán bộ tín dụng đến từng hộ trồng càphê, giúp bà con giảm bớt thủ tục làm hồ sơ vay vốn. Đối với những hộ đến thời điểm trả nợ, nếu có nhu cầu vay vốn để dự trữ càphê và đầu tư cho niên vụ mới, các thủ tục đáo hạn cũng được thực hiện nhanh gọn. Theo thống kê, hiện Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Đắk Lắk có hơn 100.000 khách hàng vay vốn với tổng dư nợ 8.700 tỷ đồng, trong đó 90% là hộ nông dân, gần 70% số vốn được đầu tư trực tiếp cho người trồng càphê. Xác định thời điểm quan trọng để nông dân tạm trữ càphê, ngân hàng chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc, phòng giao dịch trong toàn tỉnh chuẩn bị tốt nguồn vốn giúp bà con cũng như các doanh nghiệp thu mua cà phê. Mức lãi suất tiền vay được điều chỉnh ở mức 13-14%. Ngoài việc hỗ trợ, giúp nông dân trực tiếp tạm trữ và chăm sóc cà phê, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đắk Lắk cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chuẩn bị khoảng 15.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay để thu mua, xuất khẩu niên vụ càphê 2012 – 2013 với sản lượng khoảng 380.000 tấn. Cùng với nguồn vốn dồi dào, các ngân hàng cũng áp dụng lãi suất ưu đãi với mức 11-12%, thấp hơn niên vụ trước. Đối với một số khách hàng truyền thống, kinh doanh có hiệu quả, ngân hàng sẽ linh động cho vay mức lãi suất thấp hơn. Nguồn vốn dồi dào cộng với lãi suất ưu đãi thực tế đã và đang trợ lực hiệu quả cho người trồng càphê trong giải quyết bài toán đầu tư cho niên vụ mới; còn với doanh nghiệp, sẽ được tạo thêm sức trong cuộc đua trên thị trường xuất khẩu.
Đàm Thuần Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | |||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã