Theo Quyết định 63, các hộ gia đình, cá nhân, HTX mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch được hỗ trợ lãi suất vay đối với các khoản vay dài hạn, được áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển, được hỗ trợ về khoa học công nghệ. Đặc biệt, nông dân sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu và 50% lãi suất trong năm thứ ba... Tuy nhiên, để được hưởng những ưu đãi đó, nông dân phải mua máy móc có tỷ lệ nội địa hóa không thấp hơn 60%, đồng thời phải mua máy của các tổ chức, cá nhân theo danh sách do Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố. Thế nhưng, hầu hết các nhà sản xuất máy cày trong danh sách này lại tập trung ở khu vực Tây Nam Bộ và miền Bắc, không có chi nhánh, đại lý phân phối chính thức ở Quảng Ngãi để người dân tiếp cận, tìm hiểu. Theo ông Võ Tấn Đại, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Bình Dương (huyện Bình Sơn): “Các loại máy móc đưa ra trong danh sách đều là hàng Việt Nam chất lượng cao, chỉ có điều nếu vay vốn mua thì chúng tôi phải đặt hàng từ nơi khác nên không dám chắc máy có được như ý muốn hay không. Hơn nữa, nếu mua về, máy xảy ra trục trặc thì chúng tôi chỉ biết “khóc” vì các cơ sở bảo hành ở quá xa”. Ông Đại cho biết, ngay từ khi Quyết định 63 có hiệu lực, HTX nông nghiệp Bình Dương đã xây dựng đề án đầu tư cơ giới hóa khâu làm đất, trong đó HTX và bà con có nhu cầu vay 500 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi để mua 6 máy cày nhưng cũng vì những bất cập trên nên việc giải ngân vốn mua máy dậm chân tại chỗ, dù HTX đã hoàn tất các thủ tục vay vốn. Tương tự, ông Trần Văn Nghĩa ở thôn Mỹ Huệ 2, xã Bình Dương nói: “Mấy chục năm trời gắn bó với đồng ruộng, tôi chỉ mong ước có được chiếc máy cày. Quyết định 63 ra đời đã mở ra cho nông dân hy vọng mới nhằm giảm bớt nhọc nhằn, nhưng quy định mua máy quá phức tạp. Còn mua máy gặt đập liên hợp của nước ngoài thì không được hỗ trợ”. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Hồng, Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Quảng Ngãi xác nhận: “Ngân hàng đã có văn bản hướng dẫn các chi nhánh, phòng giao dịch triển khai kịp thời Quyết định 63; nhiều địa phương cũng đã thực hiện thủ tục vay vốn ưu đãi để mua máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, qua thẩm định, tất cả hồ sơ đều bị vướng. Do đó, hơn 2 năm qua, Quảng Ngãi vẫn chưa thực hiện giải ngân vốn vay ưu đãi cho nông dân theo Quyết định 63”. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần có những điều chỉnh phù hợp để chính sách đi vào cuộc sống, đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa nông nghiệp. Hải Vân Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã