Cũng ở vùng này, Long An và Tây Ninh đã thu hồi 3.058 ha và 1.150 ha đất KCN tại mỗi tỉnh, bị bỏ hoang nhiều năm để giao lại cho nông dân. Chủ trương của hai tỉnh kể trên đã nhận được sự đồng thuận của nông dân vì chí ít thì bà con lại được làm ăn trên chính "bờ xôi ruộng mật” của mình chứ không còn phải lo đi làm thuê, làm mướn. Trong khi, với nhiều tỉnh khác dù nông dân xót xa, cám cảnh cho những mảnh đất của ông cha đang bị hoang hoá từng ngày thì, chính quyền nhiều địa phương vẫn chưa muốn chấp nhận thực trạng này. Mà, hiện mới chỉ có một vài địa phương cho biết sẽ xem xét thu hẹp diện tích KCN! Theo thống kê mới đây, tính đến hết năm 2011 đã có 283 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên lên đến 76.000 ha. Quy mô trung bình của mỗi KCN như thế vào khoảng 268 ha. Trong số 283 KCN được thành lập cũng mới chỉ có 180 KCN đi vào hoạt động. Và, ấn tượng hơn nữa khi 58/63 tỉnh thành phố đạt thành tích "đáng nể” xoá xong điểm trắng về KCN. Cũng cần khẳng định rằng, tại nhiều địa phương, chủ trương thành lập các KCN đã đem lại thay đổi cơ bản cho địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp; góp phần không nhỏ vào việc nâng cao GDP của địa phương; tạo điều kiện về việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Thế nhưng, theo khảo sát vào cuối năm ngoái của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì tỉ lệ lấp đầy của các KCN chỉ mới đạt ở mức dưới 50%- như vậy là quá thấp so với những gì mà địa phương và nhân dân trông đợi khi xin phép mở KCN. Điều đó đồng nghĩa với việc đất KCN bỏ hoang là điều khó tránh khỏi. Từ đây dư luận lại buộc phải đặt câu hỏi: Liệu có hay không việc chạy đua mở KCN cho "bằng chị bằng em”? Liệu có hay không chuyện "nhắm mắt” lập KCN trong khi chưa có luận chứng rõ ràng? Và, liệu có hay không chuyện nể nang khi cấp phép thành lập KCN? Những câu hỏi ấy, chỉ các ngành chức năng, và các địa phương mới có câu trả lời rõ ràng và cụ thể nhất. Chỉ biết, theo tổng kết 2 thập kỷ hình thành KCN ở Việt Nam, các chuyên gia sau khi nêu lên nhiều ưu điểm của KCN trong đời sống xã hội của nhiều địa phương đã chỉ ra hàng loạt hạn chế như: Chất lượng công tác xây dựng quy hoạch KCN chưa tốt, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa tính tới yếu tố liên kết vùng và ngành. Rồi, chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia vào KCN cũng được coi là chưa đồng bộ, thiếu thống nhất; chưa định hướng tốt nhằm thu hút các ngành nghề, lĩnh vực đầu tư ưu tiên gắn với lợi thế so sánh và điều kiện phát triển thực tế của các địa phương… Hai trong số các hạn chế nêu trên có thể lý giải bằng hàng loạt nguyên nhân nhưng quan trọng nhất trong số đó là việc, kém ở khâu quy hoạch. Còn, câu chuyện về KCN bỏ hoang thì hệ luỵ nhìn thấy trước mắt và cách giải quyết chắc cũng phải dài lâu. Đó là còn chưa kể tới chuyện: Tư duy quy hoạch còn mang nhiều tính cục bộ, địa phương, chú trọng lợi ích của địa phương mà chưa tính tới lợi ích của vùng, quốc gia. Nếu như thế, chỉ riêng chuyện lấp đầy KCN đã khó chứ nói gì tới việc chọn lựa cơ cấu ngành nghề, công nghệ. Có lẽ đã đến lúc cần từ bỏ thứ tư duy hợp mốt nhưng không hợp điều kiện để đất đai không phải "dài cổ” chờ KCN, để cho nhiều nông dân lại được trồng lúa. Hoàng Mai |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã