Theo thống kê của Ban thanh niên nông thôn Thành đoàn Hà Nội, hiện nay vùng ngoại thành có hàng nghìn bạn trẻ có nhu cầu vay vốn, song vì nhiều lý do mà chưa được đáp ứng. Một mặt vì nguồn vốn ít, mặt khác việc xác định tiêu chí chủ hộ là đoàn viên, thanh niên chưa rõ ràng. Bởi đa số thanh niên hiện đang chung sống với gia đình, nếu mẹ vay vốn theo tiêu chuẩn Hội Phụ nữ, bố vay vốn theo tiêu chuẩn Hội Cựu chiến binh… thì họ sẽ không được vay vốn theo nguồn của Đoàn thanh niên nữa.
Với nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều thanh niên huyện Đông Anh đã vươn lên làm giàu cùng mô hình kinh tế trang trại. Ảnh: Khánh Nguyên |
Khắc phục "điểm nghẽn" này, Thành đoàn Hà Nội đã đề xuất với UBND TP Hà Nội tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho đối tượng thanh niên. Trong hai năm 2011-2012, thành phố đã phân bổ 15 tỷ đồng cho Thành đoàn Hà Nội quản lý, cho các đối tượng thanh niên đủ tiêu chuẩn vay. Thành đoàn Hà Nội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội thẩm định, phê duyệt cho vay 83 dự án (dự án được vay cao nhất là 300 triệu đồng, thấp nhất là 80 triệu đồng); số lao động được giải quyết việc làm là 780 người (trong đó có 25 người khuyết tật, 29 người dân tộc ít người). Cùng với nguồn vốn vay từ Quỹ giải quyết việc làm của TP Hà Nội, Thành đoàn còn tạo thêm nguồn vốn vay từ Trung ương Đoàn với số tiền hơn 3 tỷ đồng giải ngân trong năm 2012. Nguồn vốn trên đều được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp thanh niên lập nghiệp ngay chính mảnh đất quê hương mình. Trong số đó, có chủ dự án hoàn vốn trước kỳ hạn, tạo điều kiện cho những thanh niên khác có nhu cầu được vay như đoàn viên Nguyễn Thị Hoàn (huyện Mê Linh), đã trả gần 50% vốn vay (150 triệu đồng).
Phó Trưởng ban thanh niên nông thôn Thành đoàn Hà Nội Tạ Hồng Sơn cho biết, số vốn đã được giải ngân tập trung ở ngoại thành có nhiều đất canh tác, có khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng và có điều kiện phát triển kinh tế trang trại, phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Qua kiểm tra định kỳ, các hộ đều triển khai nguồn vốn đúng mục đích, sản xuất kinh doanh ổn định, tạo thêm nhiều việc làm cho thanh niên trên địa bàn.
Mặc dù Thành đoàn Hà Nội đã rất nỗ lực tạo nguồn vốn, nhưng do lực lượng thanh niên khu vực ngoại thành khá đông, nhu cầu vay vốn lớn, nên vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu. Hiện nay, Thành đoàn đã có tờ trình với UBND TP Hà Nội tiếp tục bổ sung Quỹ vốn vay giải quyết việc làm TP Hà Nội do Đoàn quản lý năm 2013 thêm 10 tỷ đồng. Đối tượng giải ngân là các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cây công nghiệp, lương thực, hoa màu, cây ăn quả; nuôi trồng thủy, hải sản, làm dịch vụ nhỏ… Mức cho vay tối đa 300 triệu đồng/cơ sở sản xuất kinh doanh; 20 triệu đồng/hộ, lãi suất 0,65%/tháng. Cùng với đó, Thành đoàn Hà Nội cũng đã có tờ trình với Ban Bí thư Trung ương Đoàn xin duyệt bổ sung nguồn vốn vay giải quyết việc làm năm 2013 cho hai dự án được đánh giá là mô hình sản xuất kinh doanh giỏi
tiêu biểu tại Hà Nội. Đó là dự án "Phát triển và sản xuất kinh doanh lồng chim bằng sắt" do đoàn viên Nguyễn Văn Hùng, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai làm chủ với số vốn đề xuất vay 350 triệu đồng để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất và nhà xưởng; dự án "Phát triển kinh tế trang trại nuôi cá, vịt, cấy lúa" do đoàn viên Nguyễn Văn Động, xã An Phú, huyện Mỹ Đức làm chủ với vốn đề xuất vay 300 triệu đồng. Ngoài ra, Thành đoàn Hà Nội chỉ đạo các cơ sở Đoàn tích cực vận động các tổ, đội, nhóm giúp nhau phát triển kinh tế, cho nhau vay vốn không lấy lãi.
Song song với việc huy động nguồn vốn vay, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Ban thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn và Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các dự án phát triển kinh tế của thanh niên. Qua đó, nâng cao uy tín của tổ chức Đoàn đối với ngân hàng và các tổ chức tín dụng, thiết thực góp phần bảo đảm hiệu quả đồng vốn, thúc đẩy thanh niên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã