Là một gia đình thuần nông, anh Lê Văn Nam (sinh năm 1993) sau khi học xong phổ thông, đã tìm hiểu qua sách báo về kỹ thuật nuôi thỏ, nhận thấy thỏ thích ứng được với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên anh đầu tư mua 8 cặp thỏ sinh sản, đến nay đã có trên 30 cặp thỏ đẻ và 70 cặp thỏ thịt, cho thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng. Điều đặc biệt là anh chọn giống thỏ Newzealand ở Ninh Bình.
Mô hình nuôi thỏ Newzealand của anh Lê Văn Nam ở xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Đàn). Ảnh: Minh Thái |
Đây là một giống thỏ có nhiều ưu điểm hơn so với các giống thỏ thông thường khác như khả năng sinh trưởng, phát triển nhanh, sinh sản nhiều, thịt thơm ngon.
Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, thiệt hại nhiều, nhưng anh Nam không nản lòng vẫn tiếp tục nuôi, rút kinh nghiệm dần.
Theo anh Nam, chi phí đầu tư nuôi thỏ không cao, chuồng nuôi khá đơn giản, chỉ bằng tre hoặc lưới sắt, song phải cao ráo và sạch sẽ, mùa hè thoáng mát, mùa đông kín ấm. Thỏ là con vật dễ nuôi, sinh sản và phát triển nhanh, từ khi đẻ ra đến khi xuất chuồng chỉ 2,5 - 3 tháng nuôi, ít bệnh tật, thường thỏ chỉ bị bệnh ghẻ, nấm, rối loạn tiêu hoá, nên nguy cơ rủi ro thấp.
Đàn thỏ được bố trí hợp lý từ 5 - 6 con mỗi chuồng. Ảnh: Minh Thái |
Thức ăn chủ yếu của thỏ là cám và cỏ và rau xanh, một số loại củ quả có sẵn. Thỏ ăn hai bữa chính là buổi sáng và trưa, ban đêm thì cho ăn thêm cỏ; 5 tháng tiêm vacxin phòng bệnh một lần. Đối với thỏ sinh sản, người nuôi phải theo dõi thường xuyên, khi thỏ cái đã thụ thai cần điều chỉnh lại lượng thức ăn và quá trình sinh trưởng của thỏ. Thông thường một con thỏ cái đẻ từ 5 - 7 lứa/năm, mỗi lứa được từ 6 - 7 con thỏ con.
Hiện giá bán trên thị trường thỏ giống 300.000 đồng/cặp; thỏ thương phẩm nuôi từ lúc tách mẹ đến khi xuất chuồng đạt khoảng 3,5 - 4 kg. Mỗi tháng gia đình anh bán ra thị trường 4,5 - 5 yến thỏ thương phẩm; với giá 120.000 đồng/kg thỏ thịt, trừ chi phí có thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng.
Được biết, để ổn định đầu ra cho sản phẩm, anh Nam chủ động tìm nguồn cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn… trên địa bàn huyện và thị xã, nên đầu ra khá ổn định.
Từ thành công của mô hình, bà con trong xã đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi thỏ. Ảnh: Minh Thái |
Từ mô hình nuôi thỏ của gia đình anh Lê Văn Nam, hiện nay trên địa bàn xã Nghĩa Lạc đã nhận rộng được 5 mô hình nuôi thỏ. So với các con vật nuôi khác ở vùng nông thôn, thỏ là một trong những con vật dễ nuôi và đem lại hiệu quả kinh tế khá.
Anh Hà Văn Tâm - Phó chủ tịch Hội nông dân xã Nghĩa Lạc cho biết, đây là một mô hình nông nghiệp làm kinh tế điển hình của xã cần nhân rộng, vì nuôi thỏ vốn đầu tư tương đối thấp, nguồn thức ăn dễ tìm, ít tốn công chăm sóc và cho thu nhập ổn định.
Minh Thái/ Báo Nghệ An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã