Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang - thành quả của vợ chồng sau nhiều năm nuôi ba ba, ông Thái Hữu Hiền (xóm 7 xã Tăng Thành) kể: Năm 2000, gia đình nuôi rắn độc, thấy nguy hiểm nên bỏ,một lần vào Hà Tĩnh chơi, thấy người ta nuôi ba ba hiệu quả, mê luôn và liền đưa về nuôi thử.
Trên hơn 2 sào ruộng vườn chủ yếu trồng lúa, ông Hiền bắt tay đào ao, xây chuồng trại, mua hơn chục cặp ba ba về nuôi. Vụ đầu tiên gần như trắng tay do thiếu kiến thức nên ba ba bị bệnh chết gần hết. Lúc đó, nhiều người khuyên ông nên dừng lại, nhưng ông nghĩ, mới thất bại lần đầu mà đã nản thì không thể làm giàu được... Vậy là ông về các trang trại ở Hà Tĩnh học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật, tìm tài liệu về ba ba để nghiên cứu.
"Không nản chí, tôi tiếp tục vay vốn ngân hàng, người thân để mua ba ba giống về thả nuôi. Lứa ba ba sau tôi thu về hơn 50 triệu đồng. Dần dà tôi mở rộng quy mô, nuôi ba ba thương phẩm giống Thái Lan với quy mô nuôi từ 250 - 300 con.
Nhờ đáp ứng được các tiêu chí kỹ thuật nên ba ba không bị dịch bệnh, phát triển tốt, một năm nuôi là cho thu hoạch, mỗi con đạt trọng lượng bình quân 3 kg/con; hiện giá bán trung bình 250.000 đồng/kg, thu về trên 200 triệu đồng/năm" - ông Hiền chia sẻ.
Ba Ba rừng loại gần 1 kg của gia đình ông Nguyễn Đăng Thanh ở Tăng Thành. Ảnh: Văn Trường |
Cũng tại xóm 7, chị Nguyễn Thị Hợi trước đây nuôi ba ba thương phẩm ở trong vườn nhà, diện tích chật chội. Từ năm 2015, chị đã đầu tư trên 400 triệu đồng đào 2 ao nuôi ba ba ở cánh đồng Cồn Lòi. Nắm bắt được thị trường là ba ba miền (giống ba ba rừng) được khách hàng ưa chuộng nên chị Hợi đã đầu tư kinh phí để nuôi.
Giống ba ba miền rất đắt đỏ, phải đặt hàng ở tận Lào Cai, mỗi con ba ba giống nặng 1 kg trị giá khoảng 1 triệu đồng. Trong năm 2015 chị nuôi trên 200 con ba ba miền, sau 1 năm nuôi thu hoạch đạt 3 kg/con; bán với giá 700.000 đồng/con chị có doanh thu gần 400 triệu đồng/2 ao nuôi. Từ nghề nuôi ba ba, gia đình chị Hợi đã có tiền tu sửa lại nhà cửa, sắm sửa các tiện nghi sinh hoạt, nuôi con ăn học.
Theo chị Hợi, vào mùa lạnh ao nuôi ba ba ít được thay nước nên để tránh ô nhiễm môi trường và giữ ấm cho ba ba bằng cách phủ bèo 1/3 ao nuôi, vì bèo có tác dụng lọc sạch nước ao nuôi, đảm bảo sức khoẻ cho ba ba. Cùng với đó, cần dụng chế phẩm vi sinh làm sạch nước ao nuôi.
Ba ba nặng 3 kg có giá khoảng 700.000 đồng/con. Ảnh: Văn Trường |
Cùng trong xã Tăng Thành, gia đình chị Hạnh Tuyên hiện đang nuôi gần 1.000 con giống Thái Lan; nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên vụ này đã thắng lớn, được gần 800 kg ba ba, bán với giá 300.000 đồng/kg doanh thu gần 240 triệu đồng.
Chị Hạnh Tuyên cho biết, nuôi ba ba không khó lắm nhưng phải biết cách để phòng dịch bệnh. Còn khâu chăm sóc, cho ăn khá đơn giản bởi ba ba là giống tạp ăn, tận dụng xác chết của động vật, ăn các loại cá tạp được mua ở vùng biển Diễn Châu xen thêm loại rau, chuối, cám.
Đến nay, toàn xã Tăng Thành có gần 70 hộ nuôi ba ba, hàng năm doanh thu đạt 5 - 6 tỷ đồng. Hiện xã đang xây dựng website quảng bá thương hiệu ba ba để thuận lợi cho mua bán, đặt hàng ba ba. Xã cũng đang lên kế hoạch thành lập Hiệp hội những người nuôi ba ba để phát triển nghề theo hướng bền vững.
Tác giả bài viết: Văn Trường
Nguồn tin: www.baonghean.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã