Học tập đạo đức HCM

Hà Nam mở rộng mô hình “làm giàu xanh”

Thứ ba - 12/02/2013 22:38
Năm 2013, Hà Nam sẽ mở rộng nghề nuôi lợn đệm lót sinh học và trồng nấm, với cách làm mới và hiệu quả hơn hẳn cách làm truyền thống, tạo nguồn thực phẩm sạch, nâng cao thu nhập cho người nông dân theo tiêu chí mô hình nông thôn mới, mà vẫn bảo vệ được môi trường.
 
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm cơ sở sản xuất nấm của Công ty Ngọc Động
 
 
“4 nhà” làm nghề trồng nấm
Nhận thấy nguồn nguyên liệu trấu, mùn cưa, lõi ngô, rơm rạ… ở nông thôn rất dồi dào, có thể phát triển nghề trồng nấm rất hiệu quả, Bộ Khoa học - Công nghệ, tỉnh Hà Nam, Công ty TNHH Mây tre xuất khẩu Ngọc Động và bà con nông dân Hà Nam, trong hai năm qua, đã chung tay thực hiện Dự án Mở rộng mô hình sản xuất, chế biến nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Xuân Mai, Giám đốc Công ty Mây tre xuất khẩu Ngọc Động, với tổng vốn đầu tư 13 tỷ đồng, trong đó Ngọc Động đầu tư 9 tỷ đồng, Dự án đã đặt nền móng cơ bản cho sự phát triển nghề trồng nấm tại Hà Nam. Ngọc Động đã dùng số tiền này để xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, vật tư, nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ làm giống, trồng nấm, thu mua, chế biến sản phẩm. Còn ngân sách trung ương và tỉnh Hà Nam hỗ trợ tiền xây dựng lán trại, trang bị giống cho các hộ gia đình, với mức hỗ trợ 200.000 đồng/m2.
Ngọc Động cũng là đơn vị đứng ra đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, tiếp nhận công nghệ sinh học sản xuất giống và đã sản xuất thành công 10 loại giống nấm theo hướng công nghiệp. Công ty đã cung cấp 11.450 túi giống mộc nhĩ, 4.290 túi giống nấm sò, 1.700 kg giống nấm mỡ, 2.800 chai giống nấm linh chi, 400 chai giống nấm đùi gà, 2.400 chai giống nấm chân dài, 680 kg giống nấm rơm cho bà con nông dân. Đồng thời, Ngọc Động cũng đi đầu trong làm nấm thương phẩm, đã sản xuất được 800.000 bịch mộc nhĩ, 300.000 bịch nấm sò, 30 tấn nấm mỡ tươi, 70.000 bịch nấm linh chi, 60.000 bịch nấm chân dài, 10.000 bịch nấm đùi gà, 12 tấn nấm rơm… cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, với tổng doanh thu hàng chục tỷ đồng.
Đặc biệt, Công ty Ngọc Động cũng đã chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho người dân qua hàng trăm lớp tập huấn, đào tạo, hướng dẫn trực tiếp tại nhà. Chỉ tính riêng năm 2012, Công ty đã chuyển giao xây dựng mô hình và thu mua sản phẩm nấm cho gần 100 hộ nông dân ở các huyện Lý Nhân, Kim Bảng, Duy Tiên, Bình Lục và Thành phố Phủ Lý .
Ông Phạm Huy Hoàn, ở xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, đã đầu tư 38 triệu đồng trồng 6.000 bịch mộc nhĩ trên diện tích hơn 80 m2. Lứa mộc nhĩ đầu tiên đã thu được 1,5 tạ, dự tính cả 3 lứa thu trên 40 triệu đồng. Nếu tính cả vòng quay bịch giống mộc nhĩ, trồng thêm nấm sò, thì có thể cho lợi nhuận 40% trở lên. Nhà ông đang tích hơn 1 tấn rơm khô để trồng nấm rơm. “Nghề này sẽ phát triển và mang lợi nhuận tốt cho nông dân”, ông Hoàn vui mừng nói.
Còn ông Trịnh Văn Hiền, ở Liêm Chung, Thành phố Phủ Lý, cách đây chục năm đã trồng nấm thủ công nhưng thất bại. Nay ông đang thu hái một vạn bịch mộc nhĩ trên diện tích 150 m2. Ông Hiền vui lắm, vì mộc nhĩ rất đẹp, hứa hẹn lứa đầu cho thu hoạch 3 tạ, với trị giá gần 40 triệu đồng, coi như hòa vốn. Lứa mộc nhĩ thứ 2 và thứ 3, tính ít ra cũng được 3 tạ, sẽ là phần… dôi ra. Thích mô hình này, ông Hiền đang tích 2 tấn rơm để trồng nấm mỡ và nấm sò. Cứ như thế, mỗi năm, ông có thể thu hàng trăm triệu đồng tiền lãi.
“Đã thế, cũng sẽ không còn cảnh đốt rơm rạ mù mịt đất trời”, ông Hiền hỉ hả.
Ông Nguyễn Văn Bá, xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân, lại rất phấn khởi cho biết, được hỗ trợ 80 triệu đồng, ông đã đầu tư 400 m2 nhà xưởng để trồng 3 vạn bịch mộc nhĩ. Mộc nhĩ rất đẹp, qua Tết, ông có thể hái lứa đầu, thu hoạch khoảng 1 tấn. Với thời giá hiện nay, có thể thu về 120 triệu đồng. Nếu thu tiếp hai lứa mộc nhĩ sau nữa, khoảng 1 tấn, trừ tiền mua bịch giống, tiền công, vẫn lãi khoảng 60 - 70 triệu đồng.
Còn nữa, sau khi trồng 3 lứa mộc nhĩ, 1 vạn bịch này sẽ được trồng nấm sò và sau 3 tháng, có thể cho thu hoạch. Trừ các chi phí, có thể lãi vài trăm triệu đồng một năm. “Ở xã tôi, các hộ gia đình ông Cư, ông Được cũng đều thu nhập tốt từ nghề trồng nấm”, ông Bá kể và hào hứng rằng, cứ đà này, ông sẽ tiên phong đầu tư nhà xưởng hiện đại “tiêu chuẩn như bên Tây” để trồng nấm.
“Trước mắt, các hộ gia đình chỉ cần 50 - 60 m2 nhà tiêu chuẩn để trồng nấm, chắc chắn sẽ cho năng suất và lợi nhuận cao. Có đơn vị bao tiêu sản phẩm, Công ty Ngọc Động cũng sẽ phát triển tốt”, ông Bá nói.
Nghe các hộ nông dân vui mừng kể chuyện trồng nấm, ông Mai chỉ cười. Ông bảo, cứ tốc độ này, mỗi năm Hà Nam sẽ có 300 - 400 hộ trồng nấm, mang lại doanh thu khoảng 50 tỷ đồng/năm. “Hồi cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Hà Nam cũng đã xây dựng Đề án Sản xuất nấm ăn giai đoạn 2012 - 2015, với dự kiến phát triển 50 - 100 ha, sản lượng  4.200 tấn nấm tươi, ước đạt giá trị hàng trăm tỷ đồng. Đây là tin mừng với bà con nông dân”, ông Mai cho biết.
Trồng nấm là một nghề mới ở Hà Nam. Sản phẩm này, theo ông Mai, không chỉ để phục vụ thị trường nội địa, mà còn có thể tiến tới xuất khẩu. “Giấc mơ này sẽ trở thành hiện thực ở Hà Nam”, ông Mai khẳng định và hồ hởi nói, nghề mới, sản phẩm mới này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn mới.
Nuôi lợn đệm lót sinh học: Mũi tên trúng hai đích
Thực ra, không phải đến bây giờ, nghề nuôi lợn đệm lót sinh học mới bắt đầu xuất hiện ở Hà Nam. Thậm chí Hà Nam còn là tỉnh đi đầu và sau hai năm triển khai, có thể khẳng định, nuôi lợn đệm lót sinh học là một mô hình tốt.
Mô hình này trên thực tế, xuất phát từ những bức xúc của nghề chăn nuôi lợn truyền thống tại gia đình. Cũng như ở nhiều địa phương khác trong cả nước, từ bao đời nay, nghề nuôi lợn mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho các hộ gia đình ở Hà Nam. Đàn lợn của tỉnh này lên tới 360.000 con/năm, trong đó 94% được nuôi tại các hộ gia đình.
Hiệu quả kinh tế cao, nhưng ngược lại, “đội quân” lợn đông đảo này hàng năm lại thải ra hàng triệu tấn chất thải, gây ô nhiễm không khí, nước, sinh ra ruồi muỗi, vi trùng gây bệnh.
Nhưng vì mưu sinh, không nuôi lợn không được. Không nuôi lợn, lấy đâu ra nguồn thực phẩm khổng lồ cung cấp cho bữa ăn hàng ngày của biết bao người dân? Trong bối cảnh này, theo kỹ sư Trần Đăng Chiến, Trưởng phòng Nông nghiệp - Tài nguyên môi trường (UBND tỉnh Hà Nam), nuôi lợn đệm lót sinh học là bài toán hữu hiệu nhất, một “mũi tên” mà trúng cả hai đích: phát triển được nghề chăn nuôi lợn tại gia đình, mà vẫn đảm bảo được vệ sinh môi trường.
Chuồng lợn đệm lót sinh học được thiết kế bậc trên cao bằng xi măng, còn bậc dưới trải đệm. Đệm dày khoảng 60 phân, được ủ bằng mùn cưa, trấu theo tỷ lệ 3 trấu 7 mùn cưa, cộng thêm men vi sinh. Đệm lót sinh học sẽ đóng vai trò phân hủy, khử mùi chất thải của lợn.
Thăm mô hình chăn nuôi nhà anh Bùi Mạnh Ngọc, ở  xã Chính Lý - một xã có 60 hộ tham gia mô hình nuôi lợn đệm lót sinh học, anh Ngọc cho biết, nhà anh cũng như các hộ khác được cung cấp mùn cưa, men vi sinh và được hướng dẫn cách làm chuồng, trải đệm, lại được hưởng cơ chế hỗ trợ một mét vuông 200.000 đồng (của tỉnh là 165.000 đồng, còn của huyện 35.000 đồng). Nhà anh nuôi lợn trong một năm, xuất chuồng đàn lợn 13 con, thu được 65 triệu đồng, trừ tất cả chi phí, anh vẫn có lợi nhuận 12 triệu đồng.
Còn nhà anh Nguyễn Tuấn Ngọc (xóm 6, xã Chính Lý), là hộ chăn nuôi lợn truyền thống lâu năm, nhưng cũng đã nhập cuộc nhanh mô hình này. Qua một năm nuôi lợn đệm lót sinh học, anh khẳng định, đây là một bước phát triển mới của nghề nuôi lợn tại gia. Bình quân, mỗi năm gia đình anh thu khoảng 200 triệu đồng tiền bán lợn, mà không lo ô nhiễm môi trường. Vì thế, anh đang phấn đấu tiến tới nuôi 100% lợn trên đệm lót sinh học.
Trong khi đó, hộ gia đình chị Trần Thị San (ở xã Công Lý), đã mấy chục năm chăn nuôi lợn. Sau khi được tập huấn, chị và con trai đã đầu tư 3 chuồng đệm lót sinh học. “Chuồng trại sạch sẽ, không mùi, rút ngắn thời gian chăm sóc, tiết kiệm chi phí điện, nước tắm, công rửa chuồng trại. Lợn lớn nhanh, nhà tôi đã bán 8 con, cho thu nhập khá”, chị San phấn khởi nói và cho biết, trước đây hàng xóm kêu ca, thậm chí cãi vã chỉ vì… mùi chuồng lợn. Nhưng giờ nuôi bằng đệm lót sinh học, tình nghĩa làng xóm lại hòa thuận như xưa.
Thật vui khi được biết, hết năm 2012, Hà Nam đã có 1.000 mô hình nuôi lợn đệm lót sinh học. Năm 2013, Hà Nam tiếp tục triển khai hơn 900 mô hình và trong 5 năm tới, phấn đấu có 8.000 hộ nuôi lợn mô hình đệm lót sinh học.
Về Hà Nam, ngắm nhìn những đàn lợn sạch sẽ, hồng hào, bỗng thấy một hướng đi mang lại sự sung túc cho người nông dân, sự trong lành cho làng quê nông thôn mới.
Theo baodautu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập94
  • Thành viên online1
  • Khách viếng thăm93
  • Hôm nay14,005
  • Tháng hiện tại186,612
  • Tổng lượt truy cập92,564,276
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây