Học tập đạo đức HCM

Kinh tế VAC giúp sức cho “chân kiềng”

Thứ năm - 21/02/2013 02:08
Năm 2012, dù kinh tế vĩ mô còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp nước ta vẫn đạt được những thành tựu đáng tự hào. Trong niềm vui chung đó, bà con nông dân nói chung, hội viên Hội Làm vườn Việt Nam (HLVVN) nói riêng, có quyền tự hào vì từ chính những thửa ruộng, vườn rau, đầm tôm, ao cá, chuồng lợn, đàn gà, trang trại…, họ đã góp phần vào sự lớn mạnh của ngành kinh tế cột trụ của đất nước hiện nay.

Làm thế nào để các mô hình kinh tế VAC, kinh tế trang trại tiếp tục phát triển bền vững là nội dung cuộc trao đổi của phóng viên báo Kinh tế nông thôn với GS.TS Ngô Thế Dân, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam.

Thưa ông, trong năm 2012, các cấp HLVVN đã có nhiều nỗ lực, ông có thể điểm một vài thành tựu nổi bật?

Năm qua, các cấp Hội đã cải tạo được trên 20.000ha vườn tạp; trồng mới hàng nghìn hecta cây ăn quả; trồng rừng kinh tế ở các tỉnh miền núi. Riêng diện tích nuôi trồng thủy sản, có địa phương cầm chừng, có địa phương giảm sút do khó khăn trong việc xuất khẩu của ngành hàng này.

Các mô hình VAC tiêu biểu ở nhiều địa phương được nhân rộng hơn các năm trước, chứng minh được hiệu quả kinh tế và sự bền vững của nó. Trước Tết, tôi có chuyến thị sát đến nhiều tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ để kiểm tra, đánh giá các dự án triển khai tại đây. Tôi thấy hội viên đã triển khai khá tốt các mô hình điểm và chủ động, sáng tạo xây dựng nhiều mô hình VAC phù hợp với đặc điểm của từng vùng sinh thái, cho thu nhập cao. Tôi thấy phong trào làm kinh tế VAC ở các tỉnh miền Nam khá phát triển, tiêu biểu như Đồng Tháp, Trà Vinh… Điều đáng ghi nhận là ở các địa phương này, hội viên rất nhanh nhạy trong việc sản xuất theo quy trình VietGAP và liên kết để nâng cao sức cạnh tranh. Đơn cử như mô hình sản xuất xoài ở Mỹ Xương (Cao Lãnh - Đồng Tháp). Không chỉ sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, hội viên còn thành lập hợp tác xã, sản xuất theo mô hình khép kín. Mô hình sản xuất thanh long Bình Thuận do Hội tổ chức cũng thu được kết quả đáng ghi nhận khi sản phẩm đã “đường đường chính chính” vào thị trường Hoa Kỳ;…

Ngoài Bắc, mô hình xử lý nhãn chín muộn ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên); mô hình thâm canh bưởi Diễn ở Đan Phượng (Hà Nội)… là những điểm sáng. Trong đó, riêng mô hình trồng bưởi Diễn có hộ đạt thu nhập tới 600 triệu đồng/ha. Không chỉ ở đồng bằng, các tỉnh miền núi như Lạng Sơn, Sơn La…, nhiều gia đình hội viên nhờ triển khai các mô hình kinh tế VAC, kinh tế trang trại phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương đã có thu nhập tới 150 triệu đồng/năm.

Trên cơ sở những thành quả ấy, chúng ta sẽ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Từ những mô hình mang lại kết quả rất đáng tự hào ấy, chúng tôi xác định sẽ nhân rộng ra hơn 10 tỉnh, thành phố để hội viên có điều kiện phát triển các loại cây - con đặc sản với tham vọng sớm cán đích có 300ha mô hình điểm cho các tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Trong quá trình gây dựng và phát triển các mô hình VAC, đặc biệt là mô hình sản xuất cây ăn quả, Nhà nước và các ban ngành liên quan phải có trách nhiệm chung tay giúp nông dân vượt khó. Trước hết, chúng ta phải thay đổi phương thức sản xuất. Theo đó, sẽ dần xóa bỏ lối sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm; hướng tới hình thành mô hình sản xuất theo tổ hợp tác, câu lạc bộ, hợp tác xã… để có vùng chuyên canh lớn và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với đại diện tư cách pháp nhân là một tổ chức. Việc làm này vừa đảm bảo phát triển sản xuất, vừa nâng cao ý thức trách nhiệm và quyền lợi của nông dân. Ngoài ra, Nhà nước và các ngành chức năng phải tuyên truyền thay đổi tư duy đã ăn sâu vào nhiều thế hệ của nông dân khi họ chỉ coi cây ăn quả là cây phụ, sản xuất lúa, ngô mới là việc chính. Nếu xác định cây ăn quả là loại cây trọng điểm cho một vài vùng sản xuất nào đó, địa phương sẽ có trách nhiệm làm và hướng dẫn bà con thực hành nông nghiệp tốt một cách nghiêm túc.

Xin ông cho biết, Trung ương Hội sẽ hỗ trợ hội viên thực hành nông nghiệp tốt như thế nào?

Về vĩ mô, Trung ương Hội sẽ tổ chức các lớp tập huấn thực hành nông nghiệp tốt ở tất cả các vùng miền kinh tế của cả nước. Theo đó, các cấp Hội sẽ thường xuyên tập huấn về mô hình sản xuất VietGAP cho nông dân. Song song đó, Trung ương Hội sẽ chủ động thu thập thông tin và đôn đốc các cấp Hội triển khai thông tin thị trường đến bà con. Không chỉ cung cấp thông tin thị trường, chúng tôi sẽ cố gắng đưa kèm lời khuyên, khuyến cáo để hội viên thực hiện sản xuất nghiêm túc. 

 

GS.TS Ngô Thế Dân (ngoài cùng bên phải) tham quan mô hình trồng thanh long.


Đến thời điểm này, chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong công tác chọn giống, bảo quản, chế biến sau thu hoạch,… Tuy nhiên, do áp dụng chưa đồng bộ, nơi làm tốt, nơi lơ là nên hiệu quả chưa như mong muốn. Nếu cố gắng, trong đó bao gồm nỗ lực của cả nông dân, hội viên HLV; sự hỗ trợ của Nhà nước; sự vào cuộc nghiêm túc của các ban ngành liên quan để giúp người dân tổ chức lại sản xuất, tôi khẳng định chúng ta sẽ xây dựng được các vùng chuyên canh cây ăn quả lớn và sẽ là đối tác hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Với mảng kinh tế trang trại, liệu đây có phải là một trong những mục tiêu mũi nhọn và trọng điểm trong phát triển kinh tế VAC của HLVVN, thưa ông?

Hiện, mô hình kinh tế trang trại đang phát triển rất mạnh với hơn 150.000 trang trại trên khắp các tỉnh, thành của cả nước. Đáng mừng là có những trang trại mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho hội viên. Trung ương Hội cũng đang cố gắng xây dựng thêm mô hình câu lạc bộ trang trại ở nhiều tỉnh, thành phố để tạo điều kiện cho các trang trại sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Đến nay, một số địa phương đã thành lập được câu lạc bộ trang trại và đi vào hoạt động ổn định như Thanh Hóa, Quảng Bình, Hà Giang, Bắc Giang, Lào Cai… Nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của kinh tế trang trại, Trung ương Hội đã hỗ trợ ở mức tốt nhất có thể để các cấp Hội triển khai đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từ đó xây dựng trang trại nuôi trồng các giống cây - con đặc sản. Song song đó, Trung ương Hội sẽ luôn động viên, khuyến khích và giới thiệu các giống mới cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao để bà con đưa vào sản xuất. Trong quá trình sản xuất, hội viên cũng hỗ trợ nhau bằng cách truyền đạt kinh nghiệm, liên kết trong khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm…

Năm mới, nhiều kỳ vọng và thách thức đang đặt ra với nông dân nói chung, hội viên HLVVN nói riêng. Với tôn chỉ mục đích đã đặt ra, báo Kinh tế nông thôn vẫn sẽ là người bạn đồng hành của bà con. Ông có nhắn gửi gì tới cán bộ, phóng viên của báo?

Tôi luôn chăm chú theo dõi và dành tình cảm đặc biệt cho các chuyên mục: VACVINA và Kinh tế VAC, Cùng làm giàu, Khuyến nông - công - ngư - VAC, Diễn đàn nông thôn... Tôi đánh giá cao các bài viết mà phóng viên của báo không ngại khó, ngại khổ đến cơ sở thu thập thông tin, phản ánh trung thực, kịp thời những nhân tố mới, mô hình mới, kinh nghiệm sản xuất tiên tiến để bà con học tập và áp dụng. Đọc mỗi trang báo, từng đối tượng bạn đọc sẽ thu hái cho mình những thông tin cần thiết, bổ ích. Đặc biệt, có nhiều bài viết phản ánh rất sắc nét các vấn đề nhức nhối của đất nước, ngành nông nghiệp và đời sống bà con nông dân đã nhận được sự phản hồi tích cực từ bạn đọc như loạt bài nói về tình trạng chặt phá rừng, biến đổi khí hậu, thu hồi đất nông nghiệp… Những vấn đề này “sát sườn” với đời sống người nông dân nên đương nhiên có giá trị và vô cùng thiết thực. Riêng với mảng VACVINA và Kinh tế VAC, báo thường xuyên có những bài viết về HLV các cấp, những khó khăn trong quá trình hoạt động, những thành tựu mà Hội và hội viên đạt được… Tôi cho đây chính là nơi hội tụ đầy đủ và sinh động nhất những cái được, chưa được trong hoạt động Hội, nơi bà con có thể bày tỏ mong muốn, nguyện vọng của mình để các cấp Hội kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Nhân dịp năm mới, kính chúc các đồng chí cán bộ, phóng viên báo Kinh tế nông thôn sức khỏe, hạnh phúc, cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa để tờ báo của chúng ta thực sự là bạn đồng hành cùng bà con nông dân, cùng họ thoát nghèo làm giàu trong đà phát triển đi lên của đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Chi (thực hiện)
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập97
  • Hôm nay28,198
  • Tháng hiện tại124,865
  • Tổng lượt truy cập92,502,529
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây