Hỗ trợ từ “gốc”
Ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Đầm Hà đã xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là “gốc”, chính vì thế, Đầm Hà rất coi trọng công tác hỗ trợ, đầu tư phát triển sản xuất và dành nguồn lực không nhỏ. Tính đến nay, huyện đã hỗ trợ trên 32 tỷ đồng để triển khai thực hiện 27 dự án, mô hình sản xuất tại các xã. Để tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp các ngành, các địa phương đã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa các loại giống mới năng suất chất lượng cao vào thay thế dần các giống cũ của địa phương.
Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho hai xã Quảng Tân và Quảng Lợi (Đầm Hà) mới được hoàn thành. |
Từng bước quy hoạch hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá, khai thác tiềm năng về đất đai, nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng với đó, lâm nghiệp là một trong những thế mạnh của địa phương với hàng ngàn ha rừng và đất rừng có thể phát triển kinh tế trang trại, vườn rừng tổng hợp, nhất là những loại cho giá trị kinh tế cao như quế, cây lấy gỗ... Huyện đã tạo mọi điều kiện để nhân dân phát triển kinh tế vườn rừng, duy trì liên tục hàng ngàn ha quế và các loại cây lấy gỗ khác, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân. Đặc biệt, hiện nay nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi sang trồng cây keo, cho hiệu quả kinh tế cao. Những năm gần đây, do có cơ chế phù hợp nên đã huy động nguồn tiền tiết kiệm và công sức của nhân dân tập trung vào nuôi cá lồng bè, nuôi ngao và đánh bắt hải sản. Cùng với việc duy trì và phát triển những lợi thế của địa phương, chú trọng triển khai các dự án, mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao không chỉ tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, nâng cao năng suất mà còn nâng cao thu nhập, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10,7%. Với sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình sản xuất đã tạo đà cho thực hiện các chỉ tiêu khác trong chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện.
Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng
Xây dựng NTM mới không chỉ làm thay đổi về “chất” của nông thôn mà qua đó còn từng bước xây dựng diện mạo, bộ mặt của nông thôn. Do đó, song song với việc đầu tư phát triển sản xuất đến nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của người dân, cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố được huyện quan tâm hàng đầu, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, thay đổi bộ mặt nông thôn. Từ nhiều nguồn lực khác nhau, sau 2 năm triển khai huyện đã xây dựng 39 tuyến đường giao thông nội thôn với tổng kinh phí gần 400 tỷ đồng như: Đường liên thôn Tài Lý Sáy - Tản Lồng (Quảng Lâm); Tầm Làng (Quảng An); An Bình (Quảng Lợi); Hà Lai - Lập Tân (Tân Lập)... Toàn huyện có 21/66 nhà văn hoá thôn bản đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 31,8%; 9/9 xã bưu điện văn hoá xã; xây dựng 6 trường mầm non đạt chuẩn. Đáng chú ý, cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng được huyện tích cực triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu về nước sinh hoạt cho bà con. Huyện đã triển khai thi công công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân xã Quảng Lợi, Dực Yên với tổng vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng.
Để đạt được kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, không thể không kể đến sự tham gia đóng góp tích cực của bà con nhân dân. Với cách làm riêng của mình huyện đã tích cực vận động, tuyên truyền, đa dạng hoá các hình thức thông tin, tuyên truyền nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, nhất là các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến, kinh nghiệm hay về xây dựng NTM trên đài truyền thanh, qua các buổi sinh hoạt chi bộ, qua các hội nghị. Đặc biệt, việc thực hiện quy chế dân chủ luôn được đề cao, nhân dân các thôn, bản, xã được trực tiếp tham gia bàn bạc, xây dựng kế hoạch đầu tư; tài chính minh bạch và công khai. Tất cả các công trình, dự án được đầu tư đều được công khai, minh bạch, người dân tham gia từ khâu chuẩn bị dự án đến hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Từ đó đã khơi dậy phát huy tình đoàn kết, thống nhất, tạo sức mạnh toàn dân để đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Mỗi người dân nơi đây đều có cách làm riêng để đóng góp, ủng hộ bằng tinh thần và trách nhiệm của mình tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, nhân dân tại các xã tích cực tham gia hiến đất, ngày công lao động, cây cối, vật kiến trúc, hoa màu... để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng với tổng diện tích là 61.766m2. Tham gia xây dựng NTM, huyện cũng đã huy động được trên 80 tỷ đồng, trong đó vốn của nhân dân tham gia đạt trên 16 tỷ đồng.
Những thành công trên chặng đường xây dựng NTM của Đầm Hà đã có thế nhưng trên chặng đường đó còn không ít gian nan, khó khăn. Do đó, rất cần sự đồng thuận, chung tay góp sức, quan tâm của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân để Đầm Hà cán đích NTM thành công.
Cao Quỳnh
theo baoquangninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã