Việc phát triển kinh tế trang trại nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập; khuyến khích làm giàu đi đôi với xoá đói giảm nghèo; phân bổ lại lao động, dân cư, xây dựng nông thôn mới. Thông qua phát triển kinh tế trang trại đã góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất gắn liền với quá trình phân công lại lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành phi nông nghiệp, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá trong nông nghiệp và nông thôn.
Để nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất, Nhà nước đã có nhiều chính sách để khuyến khích phát triển những mô hình kinh tế trang trại phù hợp gắn với đặc điểm của từng vùng, miền. Hiện nay, ở nước ta đã hình thành nhiều mô hình trang trại như trang trại trồng trọt, trang trại chăn nuôi, trang trại lâm nghiệp, trang trại nuôi trồng thuỷ sản, trang trại tổng hợp... Việc hình thành nhiều mô hình trang trại đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác và sử dụng đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hoá, ao, hồ, đầm, bãi bồi ven sông… để sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng chuyên canh với tỷ suất hàng hoá cao. Đồng thời, việc hình thành nhiều mô hình trang trại cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả mô hình trang trại sử dụng ít đất, sử dụng nhiều lao động, có tính thâm canh cao gắn với chế biến, thương mại và dịch vụ, làm ra hàng hoá nông sản có giá trị kinh tế lớn.
Để các loại hình kinh tế trang trại hình thành và phát triển, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách để các trang trại phát triển có hiệu quả, như chính sách về đất đai, chính sách về thuế, chính sách đầu tư, tín dụng, chính sách lao động, chính sách về khoa học, công nghệ và môi trường, chính sách về thị trường… Việc ban hành những chính sách này đã làm cho các mô hình kinh tế trang trại ở nước ta tăng nhanh về số lượng với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Sự phát triển của kinh tế trang trại đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo, tăng thêm nông sản hàng hoá. Nhiều trang trại đã sản xuất và cung ứng giống tốt, làm dịch vụ, kỹ thuật, tiêu thụ sản xuất cho nông dân trong vùng, tạo nguồn cung ổn định cho các cơ sở chế biến, tạo thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu.
Những kết quả đạt được
Theo kết quả tổng hợp sơ bộ của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản Trung ương, năm 2011, cả nước có 20.065 trang trại (tính theo tiêu chí mới). Trong đó, riêng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ có tới 11.697 trang trại, chiếm 58,3% tổng số trang trại trong cả nước. Trung du và miền núi phía Bắc có số trang trại ít nhất, với 587 trang trại, chiếm tỷ lệ 2,9%. Ở khu vực này, trang trại chăn nuôi chiếm đa số, với 506 trang trại.
Do đặc điểm tự nhiên của nước ta không đồng đều nên tỷ lệ các loại hình kinh tế trang trại có sự phát triển khác nhau để tối ưu hoá hiệu quả hoạt động. Tính đến năm 2011, cả nước có 8.642 trang trại trồng trọt, chiếm 43% tổng số trang trại; 6.202 trang trại chăn nuôi, chiếm 30,9%; 4.443 trang trại nuôi trồng thuỷ hải sản, chiếm 22,1%; 737 trang trại tổng hợp, chiếm 3,7% và 51 trang trại lâm nghiệp, chiếm 0,3%. Qua số liệu trên cho thấy, số lượng trang trại trồng trọt chủ yếu tập trung ở vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, với 7.089 trang trại, chiếm tới 90,4% số trang trại trồng trọt trong cả nước. Số trang trại nuôi trồng thuỷ hải sản chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, với 4.090 trang trại, chiếm 92,3% tổng số trang trại thuỷ sản. Số trang trại chăn nuôi chủ yếu tập trung ở vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng, với 4.240 trang trại, chiếm 68,3% tổng số trang trại chăn nuôi.
Tính đến năm 2011, diện tích đất nông, lâm nghiệp và diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ hải sản do các trang trại sử dụng là 157,6 nghìn ha, bình quân một trang trại sử dụng 7,9 ha. Trong tổng số diện tích trên, đất trồng cây lâu năm chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 78 nghìn ha (chiếm 49,5%), đất trồng cây hàng năm là 36,7 nghìn ha (chiếm 23,3%), diện tích nuôi trồng thuỷ hải sản là 34,2 nghìn ha (chiếm 21,7%). Điều này cho thấy, đây là cơ sở vững chắc để tạo nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến, tạo sản phẩm hàng hoá để phục vụ tiêu dùng, phục vụ sản xuất và phục vụ xuất khẩu. Các loại hình trang trại phát triển đã góp phần quan trọng tạo việc làm cho người lao động nông thôn. Các trang trại trong cả nước đã tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho gần 100 nghìn lao động và rất nhiều lao động có tính thời vụ, tạm thời ở các địa phương. Cùng với việc giải quyết việc làm, kinh tế trang trại đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Năm 2011, tổng thu từ sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản của các trang trại đạt gần 39 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 6% giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản), bình quân 1942,5 triệu đồng một trang trại. Điểm đáng chú ý, tuy vùng trung du miền núi phía Bắc có số trang trại thấp nhất, nhưng tổng thu sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản bình quân một trang trại ở vùng này lại cao nhất, bình quân 2,868 tỷ đồng, tiếp đến là đồng bằng sông Hồng, với 2,519 tỷ đồng, đồng bằng sông Cửu Long là 1,54 tỷ đồng và thấp nhất là Tây Nguyên, với 1,315 tỷ đồng. Một kết quả tích cực khác, đó là trong tổng giá trị sản phẩm và dịch vụ, tỷ suất sản phẩm hàng hoá do các trang trại bán ra chiếm tới 98,1%. Như vậy, kinh tế trang trại là một trong những mô hình sản xuất thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hoá lớn.
Những vấn đề còn tồn tại
Tuy kinh tế trang trại đã có bước phát triển nhanh, nhưng vẫn còn những tồn tại cần sớm được khắc phục, đó là: kinh tế trang trại chủ yếu vẫn là trang trại hộ gia đình nông dân và gia đình cán bộ, công nhân viên đã nghỉ hưu. Sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chưa nhiều. Hầu hết các trang trại có quy mô diện tích dưới mức hạn điền, có nguồn gốc đa dạng, đã gây không ít những bất cập trong việc quản lý, sử dụng diện tích đất để phát triển kinh tế trang trại. Mặt khác, các trang trại chủ yếu sử dụng lao động của gia đình; một số trang trại có thuê lao động thời vụ và lao động thường xuyên, tiền công lao động chỉ được thực hiện theo hình thức thoả thuận giữa hai bên, chưa thực sự tạo sự ổn định về giải quyết việc làm. Hầu hết vốn đầu tư là vốn tự có và vốn vay của cộng đồng. Vốn vay của các tổ chức tín dụng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Nhiều địa phương có kinh tế trang trại chưa làm tốt công tác quy hoạch sản xuất, hệ thống thuỷ lợi, điện, thị trường… làm cho không ít trang trại gặp khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đã có nhiều trường hợp người dân nuôi bò sữa phải đổ bỏ hàng trăm tấn sữa tươi do không tiêu thụ được. Nhiều chủ trang trại vẫn áp dụng phương pháp sản xuất truyền thống, chưa chú ý tới việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất cũng như tìm hiểu thị trường đầu ra cho sản phẩm, dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao, sản phẩm làm ra có lúc khó tiêu thụ…
Một số giải pháp
Để kinh tế trang trại tạo được sức mạnh mới trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn, nhiều vấn đề cần được sớm giải quyết, đó là: Các địa phương cần rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế trang trại. Trên cơ sở xác định các vùng phát triển trang trại, các địa phương cần công bố quỹ đất có thể giao hoặc cho thuê để phát triển trang trại. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống thuỷ lợi, giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, cơ sở công nghiệp chế biến, cơ sở sản xuất, cung ứng giống cây, con… đảm bảo đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển sản xuất của trang trại. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để hỗ trợ, đào tạo các chủ trang trại có thêm hiểu biết về thị trường, khoa học kỹ thuật mới cũng như nâng cao trình độ quản lý. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển kinh tế trang trại về vốn, thực hiện miễn thuế thu nhập với các trang trại mà Nhà nước khuyến khích đầu tư và khai thác phù hợp với tình hình mới. Tạo điều kiện để các trang trại tích cực tham gia vào loại hình bảo hiểm nông nghiệp để góp phần giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh gây ra, sớm khôi phục sản xuất. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đối với kinh tế trang trại, đảm bảo các chủ trang trại thực hiện đầy đủ công tác bảo vệ môi trường, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có giá trị kinh tế cao để nâng cao sức cạnh tranh cả ở trong và ngoài nước...
Theo Đảng Cộng Sản Việt Nam