Ông Hoàng Văn Phúc - Ảnh VGP/Nguyễn Thắng |
Ông Hoàng Văn Phúc sinh ra trong một gia đình thuộc diện nghèo nhất nhì ở xã Trung Đồng. Khi lập gia đình, tài sản lớn nhất mà ông sở hữu là căn nhà lá lụp xụp, tồi tàn. Nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước…
Lập nghiệp trên vùng đất khó
Về xã Trung Đồng, hỏi “triệu phú” nông dân Hoàng Văn Phúc thì ai cũng biết. Khi chúng tôi đến, ông đang tất bật hái chè, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi. Thi thoảng chiếc điện thoại lại rung lên, bởi người dân gọi điện hỏi giá thu mua chè.
“Trừ mọi chi phí, tôi bỏ túi hơn trăm triệu đồng tiền bán chè mỗi năm. Ngôi nhà hai tầng, rồi tiền mua sắm các vật dụng có giá trị cũng từ cây chè mà ra”, ông Phúc mở đầu câu chuyện.
Lão nông này nhẩm tính, ngoài 12 ha chè, ông còn trồng 180 ha rừng đã đến kỳ thu hoạch. Ước tính giá trị hơn 1 tỷ đồng.
Ông Phúc cho biết, bước ngoặt đột phá trong lịch sử cuộc đời của ông bắt đầu từ khi ông có một quyết định đầy mạo hiểm vào thời điểm năm 1999. Đó là ông nhận trồng 13 ha chè từ Công ty Cổ phần trà Than Uyên.
“Thời điểm ấy, tôi trồng chè không khác gì đánh bạc, bởi rất khó tiêu thụ sản phẩm. Mình không dám mạo hiểm thì khó thoát nghèo”, ông Phúc nói.
2 năm đầu, ông bị thua lỗ nặng nề. Việc thu mua chè bấp bênh. Có thời điểm, tự tay ông phải hái chè đổ đi. Nhìn những đồi chè xanh mượt mà không bán nổi, ông ngồi thờ thẫn.
Không nản lòng, lão nông giàu nghi lực này tiếp tục kiên trì dồn tâm, dồn sức vào những đồi chè. Từ sáng sớm cho đến tối mịt, ông cùng vợ cần mẫn khai hoang đồi trọc, mở rộng thêm diện tích trồng chè. Ngoài 13 ha chè nhận từ Công ty Cổ phàn trà Than Uyên, ông còn cải tạo hơn 5 ha đất đồi khô cằn toàn sỏi đá thành những đồi chè xanh tươi.
Đất không phụ người có công, cây chè của ông cũng tìm được đầu ra ổn định. Chè làm ra đến đâu bán hết đến đó. Chỉ tính riêng năm 2011, trừ các khoản chi phí, ông thu về hơn 120 triệu đồng tiền bán chè.
Chưa dừng lại ở đó, khi nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng, ông đã nhìn ra “cơ hội vàng” để tiếp tục hiện thực hóa kết hoạch làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Năm 2002, ông mạnh dạn nhận đất đồi trọc để trồng rừng. Đến nay, ông đã “phủ xanh” 180 ha rừng với giá trị hơn 1 tỷ đồng.
Vực dậy bản nghèo
Hơn chục năm trước, cả bản Phiên Phát 2 nghèo xơ xác. Đất canh tác chủ yếu là đồi núi trơ trọc, cày lên toàn sỏi đá. Cây ngô, cây sắn trồng cũng khó mọc. Thiếu ăn, bà con đua nhau phá rừng, đốt nương làm rẫy.
Bây giờ, đi dọc bản, những quả đồi khô căn ngày trước đã khoác lên mình màu xanh trù phú của cây chè. Nhiều gia đình đồng bào dân tộc nơi đây đã thoát nghèo từ giống cây này. Cảnh phá rừng làm nương không còn. Hỏi người dân mới biết, ông Hoàng Văn phúc đóng góp nhiều công sức làm nên sự đổi thay kỳ diệu đó.
Hơn 20 làm trưởng bản, ông Phúc luôn đau đáu trước cảnh nghèo đói của quê hương. Nhận thấy cây chè phù hợp thổ dưỡng địa phương, ông miệt mài chỉ bải cách làm, đưa cây giống đến với bà con dân bản. Ông còn đứng lên nhận bao tiêu sản phẩm giúp người dân.
Tận mắt nhìn thấy gia đình ông khá giả từ cây chè, nhiều hộ trong bản đã không ngại gian khổ cải tạo đồi hoang để trồng chè. Dần dần, những quả đồi toàn sỏi đá đã được phủ lên màu xanh.
Chuyện đang rôm rả, ông bấm đốt ngón tay, rồi nhẩm tính, cả bản có 63 hộ trồng chè với diện tích hơn 72 ha.
Cây chè đã trở thành nguồn thu chính của nhiều gia đình trong bản, giúp xóa đói, giảm nghèo. Hơn 10 năm trước, 70% gia đình trong bản thuộc diện hộ nghèo. Hiện, hộ nghèo giảm xuống còn 36 %.
Trong số những gia đình thoát nghèo nhờ cây chè từ sự trợ giúp của ông Phúc, hộ anh Đường Văn Ngoan là một ví dụ thiết thực.
Trước kia, vợ chồng anh dù sớm tối bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên nương rẫy mà không thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Để có tiền trang trải chi phí trong gia đình, anh phải đi làm thuê khắp nơi.
Kể từ ngày học theo ông Phúc cải tạo đồi hoang trồng chè, lại được ông bao tiêu sản phẩm, vợ chồng anh có nguồn thu ổn định. Mỗi năm, cây chè mang về cho gia đình anh hơn 30 triệu đồng. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình đã có của ăn, của để. Anh không còn phải nhận sự trợ cấp của Chính phủ dành cho hộ nghèo.
“Thấy cuộc sống của bà con trong bản ngày càng khá giả nhờ cây chè, tôi rất phấn khởi. Sắp tới, tôi vận động bà con trồng rừng phủ xanh đồi trọc, tăng thêm thu nhập”, ông Phúc cho biết.
Năm 2010, ông vinh dự được Thủ tướng tặng Bằng khen vì có thành tích suất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Nguyễn Thắng
- Theo baodientu.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã