Mokara có đặc điểm tương tự như nhóm Vanda, là loài lan đơn thân, thân hình trụ dài, không có giả hành, lá dài hình lòng máng hay hình trụ mọc cách hai bên thân. Hoa cỡ trung bình đến lớn, có nhiều màu sắc phong phú từ trắng, tím, hồng đỏ, cam, vàng nâu, xanh. Trên cánh hoa thường có chấm, đốm rất đẹp. Nhóm giống này rất thích hợp với việc trồng, sản xuất hoa cắt cành do mau ra hoa, có thể đạt 6 – 8 cành/năm. Qua một năm theo dõi và chăm sóc trên diện tích 130m2 ở HTX Nông nghiệp Phú Mậu 2, tỷ lệ cây sống đạt 100%, chiều cao 60 – 75cm. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, bà con tham gia mô hình đã tiến hành xuống giống đồng loạt và chăm sóc cẩn thận nên cây phát triển đồng đều, xanh mướt, mập mạp, ra hoa sai. Theo tính toán của Trạm Khuyến nông huyện Phú Vang, ước tính, doanh thu của dự án đạt 19.320.000 đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trung bình trên 10.320.000 đồng/130m2/vụ. Ông Lê Văn Lự, người có thâm niên trong việc trồng lan, cho biết: “Mô hình trồng hoa lan cắt cành và nhân giống lan Mokara không quá khó, dễ áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khởi đầu tôi đã đầu tư trồng 500 gốc, hiện chúng phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên”. Ông Lự ước tính, với giá bán trung bình tại vườn 6.000 đồng/cành, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu cả chục triệu đồng. “Thấy mô hình có hiệu quả cao ,sắp tới gia đình tôi dự định mở rộng thêm diện tích”, ông Lự cho biết thêm. Ông Hà Út, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú Mậu 2 cho biết, đất ở đây kém màu mỡ nên nhiều loại cây trồng không thích hợp, cây lan tuy khó tính nhưng phát triển rất tốt nếu áp dụng đúng kỹ thuật. Về kỹ thuật trồng lan Mokara cắt cành, ông Út cho biết cũng không quá khó, chỉ đầu tư vốn hơi nặng, khoảng 50.000 đồng/gốc. Tuy nhiên, khi cây đã trưởng thành, có thể chiết phần ngọn để nhân giống. Lan Mokara chủ yếu dùng phân bón NPK, xác cá, vỏ đậu, rong biển,... Tuy nhiên, việc sản xuất giống lan Mokara cắt cành trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế bởi đa số giống phải nhập khẩu. Các cơ sở cấy mô chưa đáp ứng đủ giống cây cả về số lượng, chất lượng, một phần do tâm lý chuộng ngoại của người sản xuất dẫn đến tình trạng phải nhập khẩu giống với giá thành cao. Vì thế, để mô hình trồng lan Mokara cắt cành phát triển, mang lại giá trị kinh tế cao, ngành nông nghiệp địa phương cần có kế hoạch lâu dài trong công nghệ lai tạo giống, hướng dẫn sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ ổn định. Ông Trần Hiếu Cơ, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết, theo chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của xã từ nay đến năm 2020, diện tích hoa, cây cảnh sẽ tăng lên. Trong đó, hoa lan là một trong những sản phẩm sẽ được tập trung phát triển. Kết quả thành công bước đầu của mô hình sản xuất hoa lan cắt cành và nhân giống hoa lan Mokara mở ra triển vọng rất khả quan. Lê Quang Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã