Làm nên từ đôi bàn tay trắng
Cách đây gần 20 năm, cái đói cái nghèo cứ đeo bám cuộc sống của người dân làng Boong, xã Ia Dơk (Đức Cơ - Gia Lai). Làng Boong khi ấy nằm giữa những khoảng rừng lau sậy trắng xóa, với những mái nhà tranh thưa thớt, xiêu vẹo; những đứa trẻ nhếch nhác còi cọc vì đói; những bà mẹ tỉ mẩn nhặt từng hạt thóc, hạt bắp (ngô) rơi và lát mì (sắn) khô cuối cùng sót lại trong góc nhà để lo bữa chiều; những người cha, người anh thất thểu từ rừng về với một ít củ mài lấm đất trên tay sau một ngày làm việc vất vả đã ám ảnh vào từng giấc ngủ, thảng thốt trong những câu chuyện kể của người già bên bếp lửa mỗi đêm.
Nhớ lại những ngày tháng đó, Rơmăh M’rao không khỏi ngậm ngùi. Đất đai, núi rừng mênh mông, giàu tiềm năng nhưng đói nghèo vẫn đeo bám. Nguyên nhân là do đồng bào chỉ làm theo kinh nghiệm. Người làng Boong ngày ấy chỉ biết trỉa bắp, trồng mì xong rồi ngồi chờ Yàng (Trời) cho mưa. Nếu năm đó mưa thuận gió hòa thì mâm cơm còn ấm; nếu nắng hạn, cả làng phải chịu đói, sống cực khổ. Thanh niên trong làng ai có sức khỏe thì vào rừng kiếm củ mài, săn con thú. Còn lũ trẻ chỉ biết lủi thủi chơi với cái cây, cái cỏ ngoài vườn mà không được đến trường. Phải thay đổi là suy nghĩ luôn thường trực trong Rơmăh M’rao.
Rồi trong một lần ngồi uống rượu cần với dân làng, nghe bà con kể chuyện bộ đội của Công ty 75 (Binh đoàn 15) hướng dẫn ông Klum làng bên làm lúa nước giúp xua đi cái đói, nhận thấy đây là cách làm mang lại hiệu quả kinh tế cao, Rơmăh M’rao liền lân la đến học hỏi và làm theo. Được ông Klum và bộ đội giúp đỡ, M’rao viết đơn tình nguyện xin vào làm công nhân tại Đội sản xuất số 13, Công ty 75. Cũng chính Rơmăh M’rao đã làm “cầu nối” giữa dân làng với Công ty 75, vận động bà con trồng cao su để vươn lên thoát nghèo.
Nhưng hành trình ấy với M’rao không đơn giản, bởi lúc đầu không ai tin vào cái cây lạ lẫm ấy, lại phải mất 5-6 năm trời mới cho thu hoạch. Thế là một mình M’rao cải tạo đất, quyết tâm trồng 10ha cao su, rồi tiên phong nhận khoán thêm 10ha cao su nữa. M’rao chỉ phải bỏ công, còn giống, phân bón, kỹ thuật đều nhờ cán bộ Công ty 75 giúp đỡ. Không dừng lại đó, ngoài cao su, anh còn trồng thêm 4ha điều, 3ha càphê, nuôi 20 con bò... Tài sản của M’rao sau 17 năm chí thú làm ăn là 20ha cao su tiểu điền, 3ha càphê đang cho thu hoạch, 5 sào (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2) lúa nước 2 vụ, hơn 20 con bò, ngôi nhà 3 tầng trị giá khoảng 2 tỷ đồng, một xe Huyndai Tucson 5 chỗ ngồi hơn 1 tỷ đồng, một xe du lịch Toyota 12 chỗ ngồi, một xe tải, 1 máy xay xát làm dịch vụ.
Người biết nhớ cái ơn
Bây giờ, khi đã trở thành tỷ phú của vùng đất phên giậu này, M’rao giúp lại đồng bào bằng nhiều cách. Mỗi năm anh cho dân làng ứng trước kỳ giáp hạt chừng 20 tấn gạo, hoặc cho mượn tiền, đợi lúc công ty thanh toán mới thu lại, không tính lãi. Ngoài việc giúp dân làng và cán bộ Công ty 75 hiểu nhau hơn trong cuộc sống và sản xuất, M’rao còn được công ty, xã rồi huyện tín nhiệm giao nhiều nhiệm vụ như: Cán bộ phụ trách vụ đông xuân của xã; giúp điều phối lao động - việc làm cho xã, huyện; Phó chủ tịch Công đoàn đội 13, tổ trưởng chỉ đạo sản xuất cao su.
Dù bận rộn với nhiều công việc, nhưng khi cần thiết, M’rao sẵn sàng tham gia các công việc của làng xã, cho không người nghèo gạo, mắm muối và tự tay lái xe ô tô chở miễn phí bà con chẳng may bị đau ốm đi bệnh viện.
Nói về đứa con của làng, già làng Rơ Mah Chiêu nói: “M’rao chưa phải là già làng, không phải là trưởng thôn mà cái đầu M’rao biết nghĩ, cái tay M’rao giỏi làm, cái bụng có nghĩa của M’rao đã thực sự là chỗ dựa tin cậy cho dân làng Boong rồi...”.
Gia Ly – Đức Ngọc (kinhtenongthon.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã