Những năm trước, kỹ thuật canh tác lúa ở Tiền Giang còn hạn chế, nông dân thường sử dụng lúa ăn và có chất lượng thấp như: IR 8423, IR 9729, IR 2307, IR 29723, IR 50404… làm giống, mật độ gieo sạ dày (200-250 kg/ha), sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý nên sâu bệnh nhiều, lúa thường bị cháy rầy, ngộ độc hữu cơ, năng suất thấp, chỉ đạt 4 - 4,5 tấn/ha/vụ. Để thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của nông dân, cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn bà con ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng giống lúa, sử dụng giống xác nhận, bón phân cân đối, áp dụng phương pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp (IPM). Kỹ thuật sạ thưa, sạ hàng được khuyến cáo, lượng giống gieo sạ giảm dần, mật độ sạ 120-150 kg/ha, năng suất mỗi vụ đạt trung bình 5 tấn/ha vào năm 2005. Đến giai đoạn 2008 - 2012, lực lượng khuyến nông Tiền Giang bắt đầu tập trung thực hiện những nội dung mới theo yêu cầu của thực tiễn sản xuất như: mô hình “3 giảm, 3 tăng”, xuống giống tập trung đồng loạt để né rầy, trồng hoa sinh thái trên bờ ruộng, sản xuất lúa theo GAP… Theo đó, lượng giống gieo sạ phổ biến tại các vùng trồng lúa chỉ còn 100kg/ha (giảm hơn 50%) nhưng năng suất tăng rõ rệt, đạt 5,5-6 tấn/ha (trừ vùng khó khăn của các huyện phía Đông còn sử dụng khoảng 180-200kg/ha). Đến nay, Tiền Giang đã có 75% diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao, lúa thơm với các giống chủ lực như: VD 20, OM 3536, OM 1490, VND 95-20, OM 2717, OM 4498. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành khu vực sản xuất lúa chất lượng cao, tập trung như: VD 20 ở huyện Gò Công Tây với quy mô 3.000-4.000 ha/vụ; Jasmine ở huyện Cái Bè và vùng chuyên canh cây nếp bè với hơn 5.000ha ở 7 xã thuộc hệ Bến Tranh của huyện Chợ Gạo. Chuyển đổi đáng ghi nhận và có ý nghĩa lớn nhất trong sản xuất lúa ở Tiền Giang là đã có 49% diện tích sử dụng giống nguyên chủng và xác nhận, trên 90% diện tích xuống giống tập trung đồng loạt né rầy, giúp kiểm soát được rầy nâu truyền virus gây bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, 66% diện tích bón phân có sử dụng bảng so màu lá lúa, 75% diện tích áp dụng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM. Ngoài ra, tỉnh còn có 7.000 công cụ sạ hàng, giải quyết gieo sạ cho 48% diện tích, mật độ gieo sạ phổ biến từ 100-120 kg/ha; 75% diện tích áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, 1.103ha sản xuất lúa thep GAP và trồng hoa sinh thái trên bờ ruộng. Trong các năm qua, mặc dù diện tích giảm nhưng sản lượng lúa của Tiền Giang luôn đạt khoảng 1,3 triệu tấn/năm, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác tăng dần. Nếu như năm 1993, giá trị sản xuất lúa chỉ đạt 10 triệu đồng/ha thì đến năm 2007 tăng lên 15,82 triệu đồng/ha và năm 2011 là 19,5 triệu đồng/ha. Thành Công |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã