1. Con đường dẫn vào trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Phan Văn Đức tại xóm 5, xã Hương Minh (Vũ Quang) đẫm hương sắc núi rừng. Chúng tôi như choáng ngợp trước khu trang trại rộng hơn 30 ha, phủ kín màu xanh bạt ngàn của keo, dó trầm cùng với hệ thống ao cá, chuồng trại chăn nuôi lợn qui mô, hiện đại. Chứng kiến trang trại quy mô bề thế hôm nay, không ai nghĩ trước đó không lâu, nơi đây còn là một vùng đất hoang sơ, hẻo lánh. Đầu năm 2011, thực hiện đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trong chương trình xây dựng NTM, anh Đức đã mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại và nhận nuôi gia công 500 con lợn siêu nạc cho Công ty CP chăn nuôi Mitraco thuộc Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh. Từ lứa lợn nuôi gia công được áp dụng công nghệ chăn nuôi khoa học của Thái Lan vừa xuất chuồng (sau 3,5 tháng nuôi), gia đình anh đã lãi ròng hơn 40 triệu đồng.
Trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Phan Văn Đức tại xóm 5, xã Hương Minh (Vũ Quang) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm |
Ngoài vai trò là ông chủ trang trại, anh Phan Văn Đức còn là một Bí thư Đảng ủy xã năng động, tâm huyết. Anh Đức tâm sự: “Hương Minh là xã miền núi nghèo nên trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM có nhiều khó khăn. Làm cách nào để triển khai đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân một cách hiệu quả luôn là điều trăn trở của cấp ủy đảng, chính quyền. Muốn đưa 1 loại giống mới hay áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất thì trước hết phải làm cho dân thấy thì họ mới tin và làm theo. Vì vậy, xã quán triệt tinh thần “đảng viên đi trước…”. Mô hình trang trại của anh Đức ra đời cũng xuất phát từ tinh thần đó. Hiệu quả kinh tế bước đầu của mô hình đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ đến nhiều hộ dân trong xóm, trong xã. Riêng tại xóm 5 đến nay đã có thêm 36 hộ dân xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn siêu nạc tập trung với qui mô từ 30-50 con và nhiều hộ có trang trại từ 2-5 ha. Năm 2011, tổng thu nhập từ vườn rừng và chăn nuôi của xã Hương Minh khoảng 5 tỷ đồng.
2. Nếu ngày trước, làng Hữu Bằng (nay là xã Sơn Bằng) được coi là đất văn vật nhất nhì của huyện Hương Sơn, thì ngày nay trong công cuộc xây dựng NTM, Sơn Bằng cũng là một trong những địa phương đi đầu, làm trước trong các phong trào. Với truyền thống văn hóa và trình độ dân trí khá cao nên khi triển khai chủ trương xây dựng NTM, địa phương đã nhanh chóng tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc tuyên truyền xây dựng NTM cho người dân không chỉ thông qua các cuộc họp hay các hội thi, hệ thống loa truyền thanh của xã mà còn bằng cách riêng của người dân nơi đây. Sau bữa cơm trưa hay lúc đêm về, cả xóm í ới gọi mời nhau uống nước chè xanh. Câu chuyện tâm tình bên ấm nước thời gian qua thường xoay quanh việc xây dựng NTM bằng những chủ đề cụ thể như: dồn điền đổi thửa, hiến đất mở đường giao thông nông thôn (GTNT), phát triển chăn nuôi… Cứ thế, những cách làm hay trong sản xuất, cách phòng trừ dịch bệnh đến việc học hành của con em… được truyền từ nhà này sang nhà khác, tạo nên không khí thi đua sôi nổi.
Nét văn hóa làng quê Sơn Bằng (Hương Sơn) |
Đến Sơn Bằng hôm nay, hiệu quả của việc xây dựng NTM đã hiện rõ trong từng ngôi nhà, ngõ xóm. Nhà cửa vườn tược được chỉnh trang ngăn nắp, sạch sẽ, đường trục thôn, kênh mương nội đồng bê tông hóa thẳng tắp… tạo nên cảnh quan làng quê thời đại mới. Các quy ước, hương ước, tiêu chuẩn dòng họ văn hóa, thôn văn hóa, gia đình văn hóa luôn được người dân trân trọng và phát huy. Từ đó, các thói quen, tập quán trong việc cưới, việc tang không phù hợp được xóa bỏ, tình làng nghĩa xóm càng bền chặt, đoàn kết, tương trợ nhau cùng tiến bộ.
3. Miền quê ven đô Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) vào những ngày giáp Tết Nhâm Thìn cũng đang rộn ràng không khí làm đường GTNT. Là xã điểm của huyện trong chương trình xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đang quyết tâm thực hiện mục tiêu hoàn thành 19 tiêu chí NTM vào năm 2013, về đích trước 2 năm. Với truyền thống 4 lần anh hùng, người dân Cẩm Bình sớm hiểu rằng đây là cuộc cách mạng lấy sức dân để lo cho dân; vì vậy, ai nấy đều đồng lòng và sẵn sàng hiến đất, phá bỏ cây cối, dỡ bỏ công trình, đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng. Để có những trục đường thôn phong quang, rộng rãi, đảm bảo tiêu chí NTM, người dân nơi đây đã tự nguyện hiến hàng chục ngàn m2 đất, dỡ bỏ hàng trăm mét tường rào và nhiều cây cối, vật kiến trúc. Trong phong trào xây dựng NTM, Cẩm Bình sẽ làm trên 10 km đường bê tông với giá trị ước tính 6,5 tỷ đồng.
Nhân dân thôn Trung Trạm (Cẩm Bình) làm đường GTNT đảm bảo theo chuẩn mới |
Ông Nguyễn Văn Cửu - một người dân thôn Trung Trạm (Cẩm Bình) phấn khởi nói: “Tôi tin rằng, xây dựng NTM sẽ tạo ra diện mạo mới cho địa phương mình. Đây là cơ hội để quê hương khoác lên tấm áo mới, đẹp đẽ và hiện đại hơn. Lúc đầu khi được biết chỉ riêng tiêu chí về xây đường GTNT đã phải phá bỏ rất nhiều tường rào, cây cối… nhiều người dân chúng tôi không muốn. Nhưng qua các buổi họp, được cán bộ xã, thôn tuyên truyền, giải thích về mục đích của xây dựng NTM và vai trò của người dân, chúng tôi đã thấy được trách nhiệm của mình”. Không chỉ có thôn Trung Trạm mà thời gian qua, 9/13 thôn của xã Cẩm Bình đã đồng loạt ra quân giải phóng mặt bằng, mở rộng nền đường.
Không khí của những ngày giáp tết càng vui hơn, khi lãnh đạo xã mời một số hộ dân nòng cốt để bàn tính chuyện làm ăn cho năm mới. Chủ trương đưa ra ai nấy đều đồng tình. Sau Tết Nguyên đán, xã Cẩm Bình tiếp tục tập trung đầu tư thâm canh cải tạo đất, thành lập thêm các HTX chuyên sản xuất lúa giống có năng suất, chất lượng cao, HTX sản xuất đồ mộc; xây dựng vùng rau màu sạch, vùng chăn nuôi lợn thịt, lợn giống tập trung và tận dụng tối đa diện tích đất vườn để trồng rau màu.
Mùa xuân đã về trên khắp xóm thôn. Chủ trương của ý Đảng, lòng dân cũng đang thấm sâu vào cuộc sống. Xuân này, người dân ở các vùng quê sẽ được đón một cái tết đầm ấm, phấn khởi hơn từ những trái ngọt mùa đầu, từ những hứa hẹn tươi sáng trên con đường toàn Đảng, toàn dân đã lựa chọn - con đường xây dựng NTM.
Theo Hà Tĩnh Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã