Học tập đạo đức HCM

Agribank, bạn đồng hành cùng nông dân

Thứ tư - 13/03/2013 05:13
Nhờ những đồng vốn tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank), nhiều cá nhân, tập thể đã tìm được hướng đi riêng, từ đó vươn lên, không chỉ thoát nghèo, mà còn làm giàu. Thêm nữa, bức tranh nông thôn mới ở mỗi vùng quê có sức đóng góp không nhỏ của ngân hàng.

Bài 1: Những gương sáng nơi địa đầu Tổ quốc

Bằng khát vọng chinh phục vùng đất khó, những nông dân trên đỉnh trời Hà Giang đã không quản ngại khó khăn, gian khổ trong việc tìm cho mình cách thức làm giàu. Và khi được tiếp cận đồng vốn vay, bằng sự quyết tâm và nỗ lực, họ đã thành công.

Triệu phú trẻ…

Theo một cán bộ Agribank Vị Xuyên (Hà Giang), không khó để tìm ra những điển hình làm kinh tế giỏi nơi đây, bởi có tới hơn 90% nông dân sau khi được vay vốn tín dụng đều làm ăn hiệu quả, nhiều mô hình đã trở thành điểm sáng của tỉnh và toàn quốc…

Trang trại chăn nuôi của chàng trai trẻ Nguyễn Văn Toàn, người Tày, ở xã Việt Lâm là một minh chứng. Với hơn 200 đầu lợn, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm, trang trại của Toàn đang là địa chỉ thu hút nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi. Trong căn nhà sàn khang trang với nhiều tài sản giá trị, Toàn từ tốn ôn lại những tháng ngày khởi nghiệp gian khó.

Sinh năm 1984, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Toàn quyết định ở nhà làm kinh tế. Khởi nghiệp với 2 con lợn nái, Toàn gặp không ít khó khăn khi kiến thức chăn nuôi như kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại anh còn khá mơ hồ.

Toàn đành một mình tự thân vận động, vừa nuôi vừa tìm hiểu kiến thức qua sách báo và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để tìm ra cách chăn nuôi hiệu quả cũng như phòng tránh dịch bệnh cho đàn lợn. Thế rồi những rụt rè, bỡ ngỡ ban đầu cũng dần tan biến sau mỗi lứa lợn con ra đời, nuôi, xuất bán, Toàn càng tự tin hơn. Đàn lợn của anh qua 4 năm đã tăng lên 20 lợn nái.

Cũng từ đó, khát vọng làm giàu từ chăn nuôi lợn hình thành trong suy nghĩ chàng trai trẻ. Toàn quyết định “cậy nhờ” Agribank Vị Xuyên để có vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua thức ăn và nuôi 200 lợn thịt/lứa. Với hơn 100 triệu đồng vốn vay, Toàn đầu tư xây dựng chuồng trại quy mô theo phương thức công nghiệp, khép kín… Hiện, mỗi năm Toàn xuất bán 600 - 800 lợn thịt, thu lãi hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn đầu tư máy xay xát và sản xuất phân bón từ chất thải của lợn để cung cấp cho người dân trong vùng.

Ở thôn Mường Nam, xã Phú Linh cũng có một tấm gương vượt khó điển hình nhờ đồng vốn của Agribank, đó là Trương Thiên Dỉ. Cuộc sống khó khăn, tần tảo sớm trưa nhưng không dứt nổi cái nghèo đã thôi thúc anh.

Mở tương lai với hai bàn tay trắng, Dỉ cùng gia đình phải tằn tiện, bươn chải để có thêm vốn nuôi ước mơ thoát nghèo. Sau một thời gian tích cóp và được sự hỗ trợ của anh em họ hàng, đặc biệt là Agribank, Dỉ bắt tay vào đầu tư chăn nuôi, trong đó tập trung mạnh vào chăn nuôi lợn thịt, lợn giống. Ngoài ra, anh còn mở cửa hàng tạp hoá, nấu rượu kết hợp trồng trọt để có thêm nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi lợn, gà, ngan.

Hiện, anh Dỉ luôn duy trì đàn lợn 30 - 50 con, riêng năm 2012, anh xuất bán 15 tấn lợn; chưa kể đàn gà, ngan lên tới cả trăm con; dịch vụ nấu rượu, buôn bán hàng tạp hoá cũng dần khởi sắc. Để có thêm nguồn vốn mở rộng ngành nghề, phát triển kinh tế gia đình, đầu năm 2011, anh quyết định vay thêm Agribank Bắc Vị Xuyên 50 triệu đồng; cũng trong năm 2011, gia đình anh may mắn được huyện Vị Xuyên hỗ trợ xây dựng 8 ô chuồng nuôi lợn với tổng diện tích trên 80m2. Có thể nói, đây là động lực quan trọng để ước mơ trở thành triệu phú của anh dần trở thành hiện thực.

Hai “gã khùng” trên đỉnh Xà Phìn

Đỉnh Xà Phìn nằm giáp ranh giữa hai bản Xà Phìn và Mào Phìn, xã Phương Tiến (Vị Xuyên), đường đi lại cực kỳ khó khăn, đến người dân địa phương còn thấy ngán ngẩm, vậy mà có một đôi bạn quyết tâm “cõng” giống cá hồi về ương nuôi ở đây.

Giờ thì Đặng Văn Chạy và Nguyễn Mạnh Hùng đã là hai cái tên không còn xa lạ với người dân xã Phương Tiến cũng như vùng núi Tây Côn Lĩnh (Vị Xuyên). Hiện mỗi đợt hai ông xuất bán cả tấn cá hồi, thu nhập hàng tỷ đồng/năm. 

 

Ông Chạy cùng công nhân kiểm tra lứa cá hồi giống.


Kể về “cái duyên” với cá hồi của hai tỷ phú “khùng” này thì cả ngày không hết, bởi thành công của đôi bạn cùng tiến ngày hôm nay là kết quả của chặng đường đầy chông gai và thấm đẫm mồ hôi, nước mắt. Ông Hùng tâm sự, trước năm 2006 chưa có đường xe máy lên Xà Phìn. Phương tiện giao thông nối vùng này với trung tâm xã nếu không đi bộ thì thồ bằng ngựa. Lúc ấy, ông còn làm Chủ tịch UBND xã, được đi tham quan nhiều mô hình phát triển kinh tế nhưng vẫn chưa tìm được cách gì có thể áp dụng với Xà Phìn. Trong một lần sang Sa Pa (Lào Cai), thấy mô hình nuôi cá hồi ở Thác Bạc, trên đỉnh Phanxipăng khá hiệu quả, ông cứ gật gù thán phục. Thác Bạc cũng như suối Sửu, nước trong và lạnh như nhau. Sự tương đồng ấy khiến ông Hùng tâm đắc. Ý tưởng đưa mô hình nuôi cá hồi về áp dụng cho các bản vùng cao xã Phương Tiến hình thành từ đó.

 

Ý định táo bạo của vị Chủ tịch UBND xã đã làm say lòng người bạn là ông Đặng Văn Chạy. Và đôi bạn này đã quyết tâm đưa cá hồi về nuôi trên đỉnh Xà Phìn.

Lòng đã quyết nhưng vốn ở đâu mới là vấn đề quan trọng. Gần 20 năm làm cán bộ xã nhưng ông Hùng gần như chẳng tích cóp được gì. Ông Chạy càng khó khăn hơn. Tay trắng nuôi con lợn, con gà đã khó, huống hồ là nuôi loài cá quý tộc, từ giống, thức ăn đều phải chuyển từ Đà Lạt (Lâm Đồng) ra. Đang lúc túng bấn thì Agribank có chương trình cho vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Mở cờ trong bụng, họ tìm đến ngân hàng, vay 300 triệu đồng để đầu tư xây dựng 4 bể xi măng rộng 400m2 ở đầu nguồn con suối Sửu, mỗi bể nuôi thả 1.500 - 2.000 con cá giống, tổng mức đầu tư 80 triệu đồng/bể. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang khi mô hình nuôi bị vỡ bể vào năm 2008, tổng cộng 3,5 tấn cá hồi theo suối đổ ra thượng nguồn sông Lô chỉ trong vòng một đêm.

Không chịu bỏ cuộc chơi, hai “gã khùng” lại bắt đầu mày mò kỹ thuật mới nhằm hoàn thiện hệ thống nuôi của mình, rồi vay mượn tiền để đầu tư xây lại bể kiên cố và mua giống. Nhưng rồi, cuộc đời cũng chưa nở hoa, thêm một lần nữa hai ông thất bại do đàn cá quý bị bệnh nấm, chết một lúc 8.000 con, đi tong 700 triệu đồng.

Như một thảm kịch với gánh nặng nợ nần đè nặng lên đôi vai hai người đàn ông nhiều ý chí nhưng kém may mắn này. “Cú ngã” từ đỉnh Xà Phìn như một đòn chí mạng, đã đưa họ trở thành những kẻ nghèo rớt mùng tơi, ôm nợ hàng trăm triệu đồng.

Trong lúc gần như tuyệt vọng hoàn toàn, không còn khả năng xoay xở để vực dậy mơ ước thì “liều thuốc” từ Agribank Vị Xuyên như làm sống lại hai con người này. Hai ông tiếp tục được vay vốn, đến vụ thứ ba thì thành công. Mỗi bể 2.000 con cá cho sản lượng 1,2 tấn, 4 bể có gần 5 tấn cá. Giá cá hồi ở các nhà hàng thời điểm bấy giờ là 300.000 đồng/kg, với 5 tấn cá, các ông thu 1,5 tỷ đồng. Hiện, cá hồi được khách thu mua ngay tại bể và có mặt ở nhiều tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Vĩnh Phúc…

Được biết, từ mô hình của hai ông, huyện Vị Xuyên đang tiến hành xây dựng thương hiệu cá hồi Tây Côn Lĩnh.

 

Năm 2012, Agribank Hà Giang đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Tổng nguồn vốn huy động tại địa phương đến ngày 31/12/2012 đạt 1.940,3 tỉ đồng, tăng 543,5 tỷ đồng so với đầu năm (38,9%); thị phần nguồn vốn chiếm 52% tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn; tỷ lệ cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn đạt 1.835,7 tỷ đồng, chiếm 95,2%; nợ xấu giảm còn 1,3% trên tổng dư nợ; dịch vụ thẻ tăng 41,6%, đạt 113,2% kế hoạch năm; các dịch vụ chuyển tiền, đại lý bảo hiểm ABIC, kinh doanh ngoại tệ và thanh toán biên mậu, đại lý bán vé máy bay, dịch vụ chuyển tiền đều góp phần tăng trưởng nguồn vốn. Công tác kế toán, kiểm tra kiểm soát nội bộ, ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện tốt.

Năm 2013, mục tiêu Agribank Hà Giang đặt ra là tiếp tục giữ vững và duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý. Chi nhánh vẫn ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tiếp tục cung cấp sản phẩm dịch vụ tiện ích, hiện đại có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu khách hàng. Agribank Hà Giang phấn đấu đạt các mục tiêu tăng trưởng như: Tổng nguồn vốn huy động tăng trưởng tối thiểu 17%, trong đó tiền gửi dân cư chiếm tối thiểu 76% trên tổng nguồn vốn huy động; tổng dư nợ nội tệ tăng trưởng 17% trở lên, nợ xấu dưới 2%, thu dịch vụ tăng tối thiểu 18%.


Thành Vinh (kinhtenongthon.vn)

 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập423
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm393
  • Hôm nay83,300
  • Tháng hiện tại788,413
  • Tổng lượt truy cập90,851,806
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây