Sau này, khi lên Tây Bắc, tôi thấy bà con dân tộc trên này dùng phổ biến tô mộc để cho vào nước uống. Họ chẻ và băm gỗ tô mộc thành những mảnh nhỏ và đựng trong một ống tre để ở bàn nước. Khi pha trà, họ lấy 1 vài mảnh gỗ tô mộc đó và cho vào ấm cùng với chè.
Họ cho biết, làm như vậy nước chè sẽ giúp ta tránh được bệnh đau bụng. Với các bà, các chị mới sinh con thì tô mộc còn giúp họ chắc dạ hơn, không bị các bệnh hậu sản.
Trong lần tiếp TS Phamơ - một chuyên gia về hóa thực phẩm của Pháp, tôi đã cho ông thấy một tác động khác của tô mộc. Tôi lấy vài mảnh tô mộc và cho vào một cốc nước nóng. Chỉ 1 phút sau, toàn bộ cốc nước chuyển thành màu tím như màu của thuốc tím.
Ông chuyên gia Pháp hết sức ngạc nhiên. Ông cho rằng, đây là một tiềm năng tuyệt vời đối với việc sản xuất nước giải khát. Trong lúc người ta phải tạo màu cho nước giải khát bằng các loại phẩm màu mà đôi khi không có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng thì tô mộc vừa tạo màu hấp dẫn lại vừa là vị thuốc giữ cho bụng dạ của chúng ta được yên bình. Sao không sản xuất lớn tô mộc để cung cấp cho thế giới?!
Ấy vậy mà ở Việt Nam, tô mộc chỉ được sử dụng để làm hàng rào. Tuy nhiên, hàng rào bằng tô mộc có lẽ là loại hàng rào vững chắc nhất. Cây tô mộc là cây thân gỗ nhưng nó phân cành sớm. Nó có thể cao từ 4-10m. Trên thân và trên các cành tô mộc có hàng vạn chiếc gai vừa cứng lại vừa sắc.
Tôi nhớ, hồi lên thăm Trung tâm Khoa học và sản xuất lâm nghiệp vùng Tây Bắc, ông giám đốc trung tâm giới thiệu cho tôi về hàng rào bằng cây tô mộc. Ông trồng so le 3 hàng tô mộc. Ông đan các cành từ sát mặt đất lên tới tận ngọn. Nó thành một hàng rào gai vô cùng vững chắc. Có lũ trẻ con đứng xem.
Ông đố: “Đứa nào chui được qua hàng rào này ông thưởng cho 10.000 đồng”. Cả lũ nhao nhao và tìm mọi cách để bò qua được hàng rào. Tuy nhiên, không đứa nào chui lọt được.
Mới biết, tô mộc quá nhiều gai. Nếu bà con ta ở các vùng dùng tô mộc để trồng làm hàng rào thì trâu, bò và kẻ gian không sao có thể băng qua được để vào phá nương rẫy, vườn tược. Vậy, sao ta không trồng?
Tô mộc có ở hầu khắp các vùng đồi núi của chúng ta (từ Tây Bắc, Việt Bắc tới tận Tây Nguyên). Nó là cây ưa sáng, thích khí hậu nóng ẩm và những nơi thoát nước tốt. Người ta thường thu quả vào tháng 10-11. Sau đó, đưa quả đi phơi 3-4 nắng rồi bóc lấy hạt. H
ạt đem gieo vào tháng 2-3. Ta có thể gieo vào bầu hoặc gieo thẳng vào nơi định trồng. Khoảng 15-20 ngày thì hạt nảy mầm. Nên trồng với khoảng cách 3-4m/cây.
Chỉ sau 1 năm là cây đã cho quả. Thế còn, sau 4-5 năm là ta đã có thể thu gỗ. Ta bỏ phần giác mà chỉ lẫy phần lõi (màu đỏ nâu) rồi chẻ nhỏ và phơi khô để làm thuốc.
Tô mộc nhiều công dụng lắm! Bà con nên để mắt tới cây này!