Bà Vân (65 tuổi) bị đau nhức mỏi khắp người, ho khan lâu ngày không khỏi. Nghe bà bạn mách có thầy lang bốc thuốc “bổ” tốt lắm nên bà tìm đến để cắt thuốc. Uống thuốc được 2 ngày, mặt bà bị sưng phù, khó thở, tay chân mẩn ngứa... Đo huyết áp thấy tăng vọt, nhịp tim nhanh.
Vào bệnh viện khám, bà được giữ lại ngay để điều trị ngộ độc thuốc. Bác sĩ cho biết, trong 1 thang thuốc bắc có nhiều thành phần phức tạp nên khó xác định chất nào dẫn đến tình trạng ngộ độc của bà... Nhưng sau 3 hôm truyền nước, điều trị thải độc, tình trạng phù của bà Vân đã hết, huyết áp và nhịp tim trở lại bình thường...
PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức (Trường đại học Y - Dược TP.HCM) cho biết, hiện nay đa số người dân có quan niệm rằng thuốc Đông y không độc hoặc ít độc hơn thuốc Tây y. Quan niệm này có lý do của nó, bởi phần lớn thuốc Tây y được tổng hợp từ hóa học, tức là những hóa chất ít nhiều độc tính, trong khi phần lớn thuốc Đông y xuất phát từ cây cỏ là sinh chất thiên nhiên dễ hòa hợp với sự sống của con người hơn. Nhưng từ quan niệm thuốc Đông y ít độc để đi đến chỗ lạm dụng, sử dụng bừa bãi, cứ uống nhiều thuốc Đông y vào “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc” là điều hết sức nguy hại.
Trong một thang thuốc Đông y, tùy theo từng thể bệnh sẽ có các vị thuốc khác nhau. Tuy nhiên, có một số vị thuốc Đông y được xem là độc chất. Đó là thần sa, chu sa (chứa thủy ngân), thạch tín, khinh phấn... Trước đây, một đề tài nghiên cứu của Trung tâm Cấp cứu TP.HCM (nay là Bệnh viện Sài Gòn) cho thấy đã có hàng trăm ca ngộ độc thuốc Đông y xảy ra trong một thời gian ngắn.
Các độc tính khác có trong thực vật có thể kể đến: á phiện là nhựa lấy từ trái của cây thuốc phiện dùng để chữa ho, giảm đau, chữa đau bụng, tả lỵ. Nếu dùng quá liều sẽ nguy hiểm cho tính mạng do sự ức chế trung tâm hô hấp ở hành tủy. Phụ tử là vị thuốc lấy từ rễ củ cây ô đầu. Trong Đông y được dùng làm thuốc hồi dương, khử phong hàn, chữa một số bệnh trụy tim mạch, ra nhiều mồ hôi, tay chân lạnh giá.
Trong vị thuốc này có chứa aconitin là một chất cực độc: chỉ cần 2-3mg aconitin có thể gây chết người. Mã tiền là vị thuốc bào chế từ hạt cây mã tiền sử dụng trong Đông y cũng giống như strychnin được sử dụng trong Tây y. Đó là vị thuốc kích thích tiêu hóa, chữa nhức mỏi tay chân, chữa đau dây thần kinh và thiếu máu. Độc tính của mã tiền là do chất strychnin, nếu dùng quá liều sẽ gây cơn co giật kiểu uốn ván và nạn nhân chết vì ngạt thở do cơ hô hấp bị co giật kéo dài.
Cà độc dược là vị thuốc lấy từ lá cây cà độc dược dùng trong Đông y giống như dùng atropin, hyoscin, scopolamin trong Tây y để chữa hen suyễn, giảm đau, chống co thắt trong bệnh loét dạ dày và ruột, chữa chóng mặt, nôn mửa khi đi máy bay, tàu xe... có thể gây ngộ độc nếu dùng quá liều do chất atropin làm tê liệt hệ đối giao cảm: giãn đồng tử, mạch nhanh, giảm tiết dịch, tê liệt.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức cảnh báo: thuốc Đông y cũng có những độc chất như trong thuốc Tây y. Hơn nữa, trong quá trình bào chế và bảo quản không đảm bảo, còn có thể nhiễm nấm mốc hoặc các chất chống mối mọt, mốc... cũng rất nguy hiểm cho người dùng. Vì vậy phải thật cẩn trọng khi sử dụng, không nên nghe lời truyền miệng, đồn đại về một toa thuốc, vị thuốc nào đó rồi tự tiện sử dụng trong khi chưa biết trong toa ấy có chứa độc chất hay không. Cũng đừng quá tin vào cái nhãn hiệu gia truyền mà giao phó sức khỏe cho những người không được đào tạo chuyên môn hay hành nghề không tuân thủ quy định.
Theo SKĐS
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã