Cán bộ Ngân hàng NN&PTNT tỉnh hướng dẫn khách hàng làm hồ sơ |
Từ khi thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã quán triệt mạnh mẽ, tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vay tam nông. Nguồn vốn cho vay lĩnh vực này hàng năm không ngừng tăng trưởng, ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ của toàn chi nhánh. Đến cuối năm 2011, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là 1.275 tỷ đồng chiếm 60% tổng dư nợ, năm 2012, dư nợ 1.508 tỷ đồng, chiếm 65% tổng dư nợ. Trong gần 3 năm thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP, chi nhánh cho vay gần 14 nghìn khách hàng. Với nguồn vốn này, các hộ vay đã đầu tư mua máy móc, vật tư phân bón… phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng các cơ sở sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Thông qua nguồn vốn cho vay, trong những năm qua, Chi nhánh đã thực sự góp sức tích cực vào chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Tiếp tục góp sức xây dựng nông thôn, ngay từ đầu năm 2013, Chi nhánh đã bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là tiến độ, kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh để triển khai chương trình cho vay vốn nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chi nhánh triển khai đến các chi nhánh cấp huyện, các phòng giao dịch trên địa bàn về vốn và thực hiện công tác cho vay. Theo đó, các đơn vị cấp huyện cụ thể hóa các chương trình cho vay trên cơ sở bám sát nhu cầu vay vốn của các hộ dân, thẩm định chặt chẽ nhằm đảm bảo cho vay đúng mục đích, có hiệu quả nhưng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người vay. Dựa vào kế hoạch sản xuất kinh doanh của các hộ, cán bộ ngân hàng hướng dẫn làm hồ sơ vay các chương trình phù hợp, cho vay mức vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư của các hộ vay. Trong những tháng đầu năm 2013, chi nhánh đã giải ngân cho vay mới được hơn 35,3 tỷ đồng, gồm các chương trình: cho vay chi phí sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; cho vay phát triển ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; chế biến tiêu thụ nông, lâm, thủy sản; cho vay sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn… Đối tượng vay chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình và hộ kinh doanh với các mức cho vay phổ biến là dưới 50 triệu đồng và mức từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.
Hiện nay, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt trên 343 tỷ đồng, trong đó nợ trung và dài hạn hơn 200 tỷ đồng với số khách hàng đang dư nợ gần 7.400 hộ vay, chiếm tỷ trọng 75% tổng dự nợ toàn chi nhánh. Kế hoạch cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong năm 2013 là đạt dư nợ 1.890 tỷ đồng. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, hiện chi nhánh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, sâu sát với các địa bàn xã, phường, thị trấn, nhất là những địa bàn là xã điểm xây dựng nông thôn mới để nắm nhu cầu sử dụng vốn của người dân đồng thời hướng dẫn đầu tư nguồn vốn vay có hiệu quả. Đặc biệt, trong thực hiện cho vay, chi nhánh chấp hành các quy định hiện hành về lãi suất cho vay, nâng cao chất lượng các chương trình vay, giảm nợ xấu... Với sự nỗ lực như vậy, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục đồng hành cùng các cấp, ngành, các địa phương trong toàn tỉnh xây dựng nông thôn mới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã