Đi lên trong bề bộn khó khăn
Cẩm Thịnh có diện tích tự nhiên rộng trên 85ha với dân số khoảng 6813 người. Một vùng đất vừa rộng lớn, cộng với dân cư đông nên việc làm sao để xây dựng hệ thống giao thông nông thôn thuận lợi nhằm tạo động lực phát triển kinh tế là vấn đề nan giải của địa phương. Mặt khác, lại là một xã thuần nông, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên vấn đề tài chính để xây dựng hệ thống nông thôn hết sức khó khăn... Tuy nhiên, nhờ công tác dân vận khéo, tiết kiệm chi phí, tổ chức tốt mô hình địa phương và nhân dân cùng nhau xây dựng Nông thôn mới, nên nhiều khó khăn dần được giải quyết.
Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, mặc dù chỉ mới đạt được 10/19 tiêu chí, nhưng đó là sự nỗ lực không ngừng của tập thể, cán bộ và nhân dân Cẩm Thịnh. Cụ thể, tỉ lệ đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 38.3%. Trong đó, có 5,5 km đường Dương – Thịnh được huyện đầu tư; đường Hưng – Lạc dài 2,895 km đang tiến hành làm và dự kiến hoàn thành trong năm 2016; tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT đạt 86,9%. Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh. Tỉ lệ hộ gia đình có nhà kiên cố đạt tiêu chuẩn Bộ Xây dựng là 75%, thu nhập bình quân đầu người trong năm 2015 đạt 33,77 triệu đồng. Bên cạnh đó, các hệ thống công trình phụ trợ như trường học, trạm y tế xã…cũng được đầu tư làm mới.
Tìm hiểu về nhận thức của người dân trong xã trong vấn đề xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND xã Phạm Đình Nông cho biết: “Việc xây dựng Nông thôn mới sẽ làm thay đổi đời sống người dân. Tuy nhiên, để vận động bà con tin tưởng và ủng hộ chương trình xây dựng Nông thôn mới, đó là vấn đề không hề dễ. Nhưng với phương châm “Chính quyền và người dân cùng làm”, lãnh đạo xã đã cử cán bộ xuống từng thôn xóm, vận động bà con tham gia chương trình nhằm góp phần cải thiện đời sống mọi người. Thấy được sự cần thiết và lợi ích của chương trình và làm tốt công tác vận động, người dân đã tích cực tham gia, nhiều hộ gia đình hiến đất, hiến cây để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đường, trường, trạm y tế…”.
Mô hình nuôi cá lồng bè, điểm sáng trong phát triển kinh tế
Nhận thấy Cẩm Thịnh là một trong những xã nghèo tài nguyên thiên nhiên, kinh tế dựa vào phát triển nông nghiệp, vì vậy cấp ủy, chính quyền địa phương đã mạnh dạn liên kết với xã Cẩm Sơn, vận động người dân xây dựng mô hình nuôi cá lồng bè tại đập Thượng Tuy (xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên).
Đập Thượng Tuy cách trung tâm xã Cẩm Thịnh 4km, giữa lòng hồ có tới hàng chục lồng cá. Đến tham quan bè cá của anh Phan Xuân Tịnh (chủ trang trại), anh phấn khởi chia sẻ: “Khi được cán bộ Trung tâm khuyến nông xuống hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lồng, tôi cũng còn băn khoăn lắm, song đến khi đi vào nuôi thấy dễ và hiệu quả kinh tế cao nên “mê” lắm. Hiện, tôi đang nuôi khoảng 1,1 tấn cá diêu hồng. Mỗi năm doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng. Hơn hết, mô hình nuôi cá lồng bè của gia đình anh còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 công nhân với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng”.
Không chỉ dừng lại ở mô hình nuôi cá lồng bè, để phát triển kinh tế, chính quyền địa phương còn khuyến khích bà con xây dựng các mô hình chăn nuôi hộ gia đình như lợn, gà, vịt… đó là một trong những cách làm hay trong lộ trình xây dựng Nông thôn mới.
Phấn đấu về đích Nông thôn mới năm 2017
Có thể nói, xây dựng Nông thôn mới gắn liền với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đó là hướng đi đúng đắn trong lộ trình xây dựng Nông thôn mới mà xã Cẩm Thịnh đang thực hiện. Và trong lộ trình xây dựng Nông thôn mới, việc địa phương chọn phát triển giao thông từ đó tạo động lực kinh tế phát triển là cách làm hay, được nhân dân đồng tình cao.
Anh Phan Xuân An - người dân trong xã cho biết: “Nhờ xây dựng Nông thôn mới, mà đường làng ngõ xóm đều được bê tông hóa, đường rộng, thông thoáng góp phần kết nối các địa phương lại với nhau. Đặc biệt từ ngày đường sá được làm bằng bê tông vào mùa gặt bà con có nhiều sân để phơi lúa, rơm rạ… thích lắm!”.
Tóm lại, với tinh thần dám nghĩ, dám làm xem “dân là gốc” biết phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân mà đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ xã đến từng thôn xóm vận động người dân đồng lòng tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới. Hơn nữa, Cẩm Thịnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương để hoàn thành mục tiêu về đích Nông thôn mới trong năm 2017.
Theo Ths Lê Văn Kiện Khoa Lý luận Chính trị (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội )/langmoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã