Học tập đạo đức HCM

Hơn 20 tỷ đồng cho tái cơ cấu nông nghiệp Kỳ Anh

Thứ ba - 02/08/2016 10:56
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là phân vùng, xác định cụ thể lợi thế từng địa phương để lựa chọn cây, con chủ lực dồn sức đầu tư, phát triển.


 

Mô hình sản xuất chè công nghiệp an toàn đang được mở rộng ở các xã vùng thượng Kỳ Anh

Mô hình sản xuất chè công nghiệp an toàn đang được mở rộng ở các xã vùng thượng Kỳ Anh

Nông nghiệp là chủ lực

Huyện Kỳ Anh cũ được chia tách thành 2 đơn vị hành chính là thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh. Bước vào thời kỳ “lập địa” mới, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Kỳ Anh đang ở mức 15%, cận nghèo 9% - xếp thứ hai về diện khó khăn của tỉnh Hà Tĩnh.

Với một xuất phát điểm thấp như vậy cộng với đặc thù phát triển kinh tế của địa phương là thuần nông, để đưa Kỳ Anh trở thành huyện mũi nhọn kinh tế của tỉnh quả không dễ dàng gì.

Năm 2016, ban lãnh đạo huyện họp bàn xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM. Theo đó, Kỳ Anh phân thành 3 vùng phát triển nông nghiệp chủ lực gồm: vùng thượng; vùng đồng bằng và vùng biển.

Ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh chia sẻ, đối với vùng thượng, trọng tâm chuyển đổi của huyện là chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả có múi, chè công nghiệp và cây dược liệu. Hiện Kỳ Anh đã kêu gọi được 5 doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển cây ăn quả có múi.

Bà Quách Thị Tố, Giám đốc Cty TNHH tư vấn và phát triển nông sản Bato (thành viên thuộc hãng Landgard - CHLB Đức) cho hay, từ chủ trương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh và huyện Kỳ Anh, Cty Bato được UBND tỉnh chấp thuận cấp 112ha đất ở xã Kỳ Thượng, Kỳ Tây, thực hiện dự án trồng bưởi da xanh và gừng xuất khẩu.

Sau khi được cấp đất, Cty bắt tay vào xây dựng nhà xưởng, hỗ trợ kỹ thuật, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ dân phục vụ chế biến hàng hóa xuất khẩu sang các nước châu Âu.

Song song với dự án trồng bưởi da xanh và gừng, huyện Kỳ Anh cũng đã xây dựng dự án bảo tồn cây đầu dòng, mở rộng, nâng cao chất lượng giống quýt Kỳ Thượng. Đồng thời, ký kết hợp tác với huyện Cao Phong (Hòa Bình) phát triển cây cam.

“Tính từ đầu năm đến nay người dân 2 xã Kỳ Thượng, Kỳ Sơn đã trồng mới được 35ha chanh, phát triển rất tốt”, ông Hoàn nói.

Cũng theo ông Hoàn, vùng thượng Kỳ Anh có truyền thống thâm canh chè công nghiệp rất lâu đời, cây trồng chủ lực này đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân các xã miền núi.

Vì vậy, từ nay đến 2020 huyện phấn đấu phát triển diện tích chè đạt 600ha, tập trung ở các xã Kỳ Trung, Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, Kỳ Lâm và Kỳ Tây. Đẩy mạnh áp dụng cơ giới vào sản xuất chè sạch, chè an toàn, phục vụ xuất khẩu.

Đối với chăn nuôi đại gia súc, bò và lợn là hai đối tượng nuôi chủ lực. Hiện tổng đàn bò của huyện ước đạt hơn 15.000 con, phấn đấu đến 2020 nâng tổng đàn lên 64.650 con. Tổng đàn lợn 33.300 con (2015), đến 2020 ước tăng lên 68.500 con.

“Chăn nuôi bò hay lợn chúng tôi cũng hướng đến kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư, có như vậy mới chuyển sang sản xuất hàng hóa được. Từ năm 2015 đến nay chúng tôi đã bàn giao 595ha đất ở Kỳ Tây, Kỳ Hợp, Kỳ Lâm cho Cty CP chăn nuôi Bình Hà chăn nuôi bò vỗ béo; đồng thời, xúc tiến Zebu hóa đàn bò nái của huyện, phục vụ chăn nuôi nông hộ”, ông Bùi Quang Hoàn cho hay.

Một đối tượng chủ lực khác được đẩy mạnh phát triển là chăn nuôi bò vỗ béo

 

Để đáp ứng nguồn thức ăn cho bò, ngoài phát triển vùng thức ăn chăn nuôi theo quy hoạch của UBND tỉnh, huyện Kỳ Anh đã chuyển đổi hơn 2.000ha đất trồng sắn, đất trồng cây lâm nghiệp và đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ và ngô sinh khối.

Với vùng đồng bằng, trọng tâm phát triển là trồng lúa và chăn nuôi nông hộ gắn với bảo vệ môi trường. Theo đó, vùng trọng điểm lúa quy hoạch là 10 xã, trong đó, mỗi xã bố trí ít nhất 30 - 50% diện tích sản xuất thâm canh theo mô hình cánh đồng lớn có liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Bài toán đau đầu nhất hiện nay ở Kỳ Anh là vấn đề sinh kế đối với các xã ven biển như Kỳ Khang, Kỳ Phú, Kỳ Xuân...

Khi xây dựng đề án tái cơ cấu huyện dự kiến phát triển du lịch biển gắn với khai thác, đánh bắt vùng lộng và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, do ảnh hưởng sự cố môi trường, ngư dân không thể ra khơi, nuôi trồng thủy sản cũng gần như “chết đứng”, còn khai thác du lịch là một điều xa xỉ.

“Giải pháp tái cơ cấu vùng biển đang thực sự bế tắc. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng đảm bảo sinh kế trước mắt, không để dân đói khát nhưng về lâu dài việc chuyển đổi nghề nghiệp ở các xã này đã ngoài tầm với của huyện, cần sự vào cuộc định hướng, hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh”, Chủ tịch huyện Kỳ Anh, nhấn mạnh.

Hơn 20 tỷ đồng cho tái cơ cấu

Để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, mới đây huyện Kỳ Anh đã ban hành hàng loạt chính sách kích cầu phát triển trồng trọt, chăn nuôi với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.

Đơn cử một số chính sách được kỳ vọng sẽ làm thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún nhỏ lẻ sang hàng hóa, tập trung như: Hỗ trợ tổ chức, cá nhân sản xuất lúa hàng hóa, sử dụng giống xác nhận 1 trở lên, quy mô từ 20ha liền vùng trở lên được hỗ trợ 40% tiền mua giống. 

Tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất rau, củ, quả theo quy hoạch với quy mô tối thiểu 1ha/vùng, được hỗ trợ một lần không quá 100 triệu đồng/vùng. Hỗ trợ dự án bảo tồn, nâng cấp giống quýt Kỳ Thượng với mức không quá 100 triệu đồng (bao gồm bình chọn, chăm sóc, bảo vệ, theo dõi vườn cây đầu dòng, lai ghép...).

17-50-00_3
Quýt Kỳ Thượng một đặc sản nằm trong chiến lược tái cơ cấu của huyện Kỳ Anh

 

Hỗ trợ chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn chăn nuôi có liên kết với doanh nghiệp, quy mô tối thiểu 1ha liền vùng trở lên với mức 100% chi phí mua giống, tối đa 2,4 triệu đồng/ha và hỗ trợ 1 lần cho năm thứ hai.

Mỗi cơ sở trồng cây dược liệu có liên kết với doanh nghiệp, quy mô 1ha trở lên được hỗ trợ chi phí mua giống, làm hệ thống tưới tiên tiến 4 triệu đồng/ha, nhưng không quá 30 triệu đồng/cơ sở.

Đối với chăn nuôi, các đối tượng nuôi được hưởng chính sách hỗ trợ của huyện gồm lợn, trâu, bò, gà, vịt và nuôi trồng thủy sản. Ví dụ, chăn nuôi lợn được hỗ trợ từ 80 - 300 triệu đồng/cơ sở. Chăn nuôi trâu, bò vỗ béo quy mô ổn định 15 con trở lên/hộ được hỗ trợ xây dựng chuồng trại với mức 10 triệu đồng/cơ sở. Tổ chức, cá nhân xây dựng điểm giết mổ tập trung theo quy hoạch được hỗ trợ 30 triệu đồng/điểm...

Theo Thanh Nga/nongnghiep.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập513
  • Hôm nay44,259
  • Tháng hiện tại749,372
  • Tổng lượt truy cập90,812,765
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây