Ứng dụng công nghệ sinh học: Năng suất và chất lượng cải thiện
Ghi nhận tại các tỉnh phía Bắc trong vụ đầu tiên ứng dụng thử nghiệm công nghệ sinh học giúp ngô có khả năng kháng sâu và thuốc trừ cỏ cho thấy, công nghệ mới này nhận được nhiều phản hồi tích cực của nông dân.
“Tôi trồng ngô tại vùng này hơn chục năm nay, từ đầu những năm 1990 trên diện tích 1.700m2. Từ trước đến nay, trung bình mỗi vụ tôi thu được 8 - 9 xe bò. Ngô thu được dùng chủ yếu cho chăn nuôi trong gia đình. Đến vụ ngô này, vẫn diện tích ấy, tôi thu được 14 xe bò, nghĩa là gấp rưỡi so với bình quân mọi năm. Trong quá trình canh tác giảm được rất nhiều sức người sức của. Canh tác giống ngô mới tôi giảm được công làm cỏ từ 6 ngày xuống chỉ còn hai giờ phun thuốc cỏ, cũng không cần phải phun thuốc sâu hay lo sâu cắn phá. Chất lượng ngô cũng tốt hơn, ngô không bị mốc thối do sâu đục bắp và nặng hạt hơn” - ông Lưu Văn Trần, nông dân xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ - chia sẻ sau vụ thu hoạch ngô chuyển gen đầu tiên.
Nông dân thăm ruộng ngô chuyển gen tại Phú Thọ
Ông Trần đề đạt: “Gia đình tôi cả nhà làm nông nghiệp, con trai tôi cũng theo học đại học nông nghiệp và hiện cũng đang làm ngành này nên rất hiểu về giống ngô biến đổi gen này. Tôi rất mong nhà nước sớm tạo điều kiện để nông dân chúng tôi được tiếp cận với giống mới để chúng tôi canh tác đạt hiệu quả hơn và giảm nỗi vất vả cho nhà nông”.
Nói thêm về chủ đề này, ông Nguyễn Văn Cảnh, khu 3 xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ - cho biết: “Trồng giống ngô biến đổi gen này thì chỉ cần tra hạt, phun cỏ một lần rồi bón phân như bình thường, không phải lo lắng nhiều. Một trong những ưu điểm tôi nhận thấy là giúp giảm công lao động từ lúc làm cỏ đến phun thuốc. Việc giảm công lao động ở những vùng neo người như nông dân chúng tôi rất quan trọng. Gia đình tôi các con đều đã đi làm bên ngoài, hai ông bà ở nhà trông cháu và làm ruộng, giảm công lao động giúp chúng tôi tiết kiệm được chi phí cũng như có nhiều thời gian cho các việc khác trong gia đình hơn. Cá nhân tôi không lo về việc giá giống hay phụ thuộc vì rõ ràng là giá giống thì chỉ có riêng tiền giống, trong khi mọi chi phí trong canh tác cây ngô đều giảm. Cho đến thực tế hiện tại, tôi tin đây là giống ngô cho năng suất cao”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Lê - tổ trưởng khuyến nông xã Trung Nghĩa: “Người nông dân chỉ lo việc không được trồng ngô biến đổi gen chứ không lo gì khác. Mặc dù nếu so sánh với ngô thường, giá giống ngô biến đổi gen có thể cao hơn nhưng chỉ xét riêng về việc có thể giảm được chi phí và công lao động thì đã thấy nông dân có lợi hơn rồi. Chưa kể đến giống mới này còn giúp nông dân bảo vệ cả mùa màng lẫn sức khỏe, rồi cải thiện năng suất”.
Chính quyền và doanh nghiệp cùng vào cuộc
Cùng với đưa giống mới vào sản xuất, các mô hình liên kết trong sản xuất ngô cũng đang dần hình thành, mang lại triển vọng mới cho sản xuất ngô. Tại các điểm canh tác ngô chuyển gen vụ mùa đầu tiên đều có sự tham gia của chính quyền địa phương, khuyến nông, doanh nghiệp và nông dân. Nông dân được tập huấn và chuyển giao kỹ thuật đầy đủ, đồng thời cũng nhận được hỗ trợ giống hoặc giá giống từ địa phương hoặc các doanh nghiệp giống như Syngenta và Dekalb
Liên kết chuỗi giúp ổn định từ đầu vào đến đầu ra cũng là một điểm sáng trong sản xuất ngô gắn liền với chuyển đổi tại các tỉnh phía Bắc. Tiêu biểu như mô hình thí điểm liên kết sản xuất - tiêu thụ ngô đang được triển khai tại tỉnh Lào Cai. Tại Hội nghị đánh giá mô hình liên kết sản xuất ngô bền vững tổ chức tại xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai tổ chức ngày 9/8 mới đây, nhiều nông dân khá vui mừng trước kết quả bước đầu của mô hình. Đây là vụ ngô đầu tiên có sự liên kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp cung ứng giống, doanh nghiệp thu mua.
Thu hoạch ngô tại Lào Cai
Vụ ngô 2014-2015, Sở NN&PTNT Lào Cai, Trung tâm khuyến nông Lào Cai, Công ty Dekalb Việt Nam, Công ty CP giống cây trồng miền Nam và Công ty TNHH MTV An Nghiệp (doanh nghiệp thu mua) đã cùng vào cuộc, hỗ trợ hơn 100 hộ nông dân trên địa bàn triển khai thí điểm mô hình liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân.
Theo đó, tỉnh Lào Cai đã trồng thí điểm trồng 110ha ngô lai trên địa bàn 5 huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Mường Khương, Bảo Hà và SiMaCai. “Đây là lần đầu tiên, nông dân trên địa bàn tỉnh và doanh nghiệp cùng “bắt tay” trồng một giống ngô lai của Dekalb Việt Nam do Công ty CP giống cây trồng miền Nam phân phối trên diện tích rộng. Sau thu hoạch, Công ty An Nghiệp sẽ chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ với giá hợp lý” - ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai - thông tin.
Được biết, mỗi năm, toàn tỉnh Lào Cai trồng khoảng 36.500ha ngô, nhưng năng suất bình quân chỉ đạt 3,65 tấn/ha. Trong khi đó, năng suất vụ ngô 2014-2015 trên 110ha trồng giống của Dekalb đã cho năng suất vượt trội, trung bình 12-13 tấn ngô tươi/ha, tương đương 6-6,5 tấn ngô khô.
1/3 sản lượng ngô của bà con làm ra được sử dụng để chăn nuôi, làm thức ăn trong những tháng giáp hạt, còn lại 2/3 bà con phải tự tiêu thụ, bán cho các thương lái thu gom, xuất khẩu đi Trung Quốc; nhưng, giá cả bấp bênh, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Sự vào cuộc của doanh nghiệp tiêu thụ giúp nông dân yên tâm sản xuất, không chịu sự bấp bênh của thị trường.
Nông dân tham gia mô hình nhận được 4 “bảo hiểm bền vững”: Được ứng giống ngô lai Dekalb vào đầu vụ và thanh toán vào cuối vụ mà không phải trả bất kỳ một khoản lãi suất nào, được chuyển giao kỹ thuật canh tác, được cam kết năng suất tối thiểu cao hơn năng suất bình quân địa phương, được đảm bảo thu mua toàn bộ ngô bắp tươi khi đến thời điểm thu hoạch.
Bà Hà Thị Hồng - thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng - vui mừng thông báo:“Những vụ ngô trước, bà con thường tự phải mua giống ngô để gieo trồng, mỗi gia đình mua một giống, một chủng loại về trồng. Nhưng chẳng ai biết là giống chất lượng cao hay thấp, mua trôi nổi, giống đểu, giống chất lượng thấp cũng phải chịu. Giờ có các doanh nghiệp về cung ứng giống, cho nợ tiền, rồi lại thu mua ngô cho bà con, bà con đỡ vất vả, phấn khởi lắm”.
“Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, đưa tiến bộ đến nông dân phải có thời gian và thực tế chứng minh. Nếu giống không tốt, chất lượng không cao thì bà con sẽ không trồng, vì đất đai giờ là quyền tự chủ, nông dân có quyền trồng, canh tác loại cây gì phù hợp và có năng suất. Rất mong mô hình liên kết này sẽ sớm mở rộng diện tích, vì tiềm năng phát triển ngô của Lào Cai còn lớn, nhiều nông dân sẽ được tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất cây trồng và đặc biệt, yên tâm về đầu ra cho sản phẩm” - ông Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ.
T.H
theo baocongthuong
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã