Có được kết quả đó, ngoài tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật của ngành chuyên môn, phải kể đến việc đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất của nông dân.
Cách đây hơn 10 năm, khi huyện Cái Nước có chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất, từ độc canh cây lúa sang luân canh lúa - tôm kết hợp, bà con nông dân bắt tay ngay vào cải tạo ruộng lúa thành vuông nuôi tôm, lên bờ bao xung quanh, xẻ thêm nhiều kinh mương.
Hầu hết đều được làm bằng hình thức thủ công, lấy sức người để đào đắp, nên mất rất nhiều thời gian và công sức. Thế nhưng, độ sâu kinh mương không bảo đảm cho tôm nuôi phát triển, nhất là những tháng mùa khô. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho năng suất tôm nuôi thấp.
Vuông tôm được cải tạo bằng cơ giới.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho tôm nuôi phát triển, bà con mạnh dạn đưa cơ giới vào cải tạo vuông tôm. Đến nay đã có khoảng 80% diện tích tôm nuôi được cải tạo bằng cơ giới. Đây được xem là bước đột phá của huyện Cái Nước sau hơn 10 năm chuyển dịch.
Nhiều hộ nuôi tôm cho biết, nếu như trước đây cải tạo bằng thủ công, kinh mương chỉ có độ sâu khoảng 8 tấc đến 1 m, chiều rộng khoảng 2 m và sau một vài vụ nuôi kinh mương bị cạn do phù sa bồi lắng, nên phải thường xuyên cải tạo lại.
Còn dùng cơ giới để cải tạo thì độ sâu từ 1,5 m trở lên, kinh mương được thông thoáng, rất thuận lợi cho tôm nuôi phát triển, không phải lo thiếu nước vào mùa khô, vì thế năng suất khá ổn định. Điều phấn khởi là kể từ khi cơ giới hóa khâu cải tạo vuông tôm, người dân không còn phải bỏ công cải tạo lại sau vài vụ nuôi.
Ông Lâm Hùng Anh, ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, phấn khởi: “Kể từ khi đưa cơ giới vào múc vuông tôm, người dân không phải lao động nặng nhọc như trước đây và cuộc sống cũng khấm khá lên”.
Ông Nguyễn Thanh Giảng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, nhận định, đây là một bước đổi mới trong sản xuất, giúp cho tôm nuôi phát triển, đạt đầu con và năng suất tăng lên.
Rõ ràng, việc đưa cơ giới hóa cải tạo vuông tôm không chỉ giảm được công sức lao động của nông dân, mà con nâng cao năng suất, sản lượng tôm nuôi. Năm 2008, tổng sản lượng thủy sản của huyện đạt 20.000 tấn, đến năm 2009 tăng lên 22.000 tấn, năm 2010 đạt 25.750 tấn, năm 2011 tiếp tục tăng lên 26.500 tấn và 6 tháng đầu năm 2012 tổng sản lượng thủy sản hơn 10.500 tấn, đạt 57% kế hoạch năm.
Chính nhờ cơ giới hóa sản xuất, người dân có điều kiện áp dụng mô hình thâm canh. Ông Trần Thanh Dũng, Bí thư Chi bộ ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ, chia sẻ, từ khi đưa cơ giới vào múc vuông tôm, độ sâu trong vuông tôm luôn bảo đảm và bờ vuông không bị rò rỉ. Nó rất thuận lợi cho tôm nuôi phát triển, nhất là vào những tháng mùa khô.
Để giúp nông dân trên địa bàn huyện Cái Nước có điều kiện đưa cơ giới vào cải tạo ao đầm nuôi tôm, Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh huyện Cái Nước cũng mạnh dạn đầu tư cho nông dân vay vốn sản xuất. Đây là tiền đề để nông dân Cái Nước đẩy nhanh cơ giới hóa sản xuất, tạo bước đột phá thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế thủy sản năm 2012.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã