Tại nhiều địa phương sử dụng giống lúa lai trong sản xuất, các hộ nông dân đều khẳng định tính ưu việt của giống lúa lai phù hợp rất nhiều loại đất trồng và khí hậu khác nhau. Điều này giải thích vì sao lúa lai không những được nông dân các tỉnh giàu truyền thống trồng lúa như đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long đón nhận, mà ngay cả các địa phương có khí hậu khắc nghiệt, thổ nhưỡng không tốt như các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên cũng đưa vào trồng cho năng suất cao, phát triển ổn định. Vì vậy việc tự chủ lai tạo được các giống lúa lai năng suất tốt, chất lượng cao và sản xuất hạt giống lúa lai F1 với giá thành hợp lý là mục tiêu rất quan trọng.
Tại hội nghị sơ kết tình hình sản xuất hạt giống lúa lai F1 năm 2014 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh khẳng định, kết quả sản xuất giống lúa lai năm 2014 là thành tích vượt trội, trong đó dự án Khuyến nông về sản xuất giống lúa lai F1 do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì đã thu được những thành công nhất định. Tổng diện tích lúa lai F1 vụ đông xuân 2013 -2014 là 1.420 ha, được thực hiện trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố, trong đó diện tích thuộc vùng Dự án khuyến nông là 455 ha. Dự kiến sản lượng hạt giống lúa lai vụ này dự kiến đạt 3.600 tấn, năng suất đã đạt 4,1 tấn/ha.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, đến nay, cả nước có khoảng 20 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất lúa lai, quy mô ngày càng tăng lên theo hướng sản xuất tập trung. Tuy nhiên, để bảo đảm về nguồn giống bố, mẹ, cần phải có thêm nhiều tổ hợp mới. Từ năm nay, Bộ sẽ rà soát lại các đề tài nghiên cứu theo hướng đặt hàng trực tiếp cho các đơn vị có năng lực chọn tạo nguồn giống bố, mẹ.
Các cơ quan chuyên môn cần sớm nghiên cứu để hoàn thiện chuỗi cung ứng giống lúa lai F1,
từ nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao đến sản xuất. (Ảnh: Hoa Trà)
Để có chiến lược phát triển cho sản xuất giống lúa lai F1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy hoạch các vùng tập trung sản xuất giống lúa này tại một số địa bàn có điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp thuộc các tỉnh Lào Cai, Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đắc Lắc, Cần Thơ và Hậu Giang... Cùng với quy hoạch, về cơ chế chính sách, Bộ tiếp tục phê duyệt đầu tư Dự án “Phát triển mô hình sản xuất hạt giống lúa lai F1 giai đoạn 2014 - 2016” bao gồm các chính sách hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật, thông tin tuyên truyền và xây dựng mô hình trình diễn với quy mô 3 năm là 2.500 ha, là nguồn hỗ trợ trực tiếp và tích cực để thúc đẩy sản xuất. Căn cứ vào quy hoạch của Bộ, một số tỉnh cũng đã lập các dự án đầu tư cơ hạ tầng kỹ thuật các vùng sản xuất giống lúa lai F1 (thuộc Chương trình giống giai đoạn 2011- 2020) như Lào Cai, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam… Một số tỉnh cũng ban hành các chính sách khuyến khích hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ hạt giống lúa lai tại địa phương như Lào Cai, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Nam…
Với vai trò là “bà đỡ”, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất hạt giống lúa lai đang đóng vai trò then chốt để các giống lúa lai F1 của Việt Nam được nhân rộng. Đóng góp chung vào sản lượng giống lúa lai năm nay, ông Nguyễn Hoàng Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Giống cây trồng miền Nam khẳng định, công ty đang nỗ lực nâng cao sản lượng hạt giống F1 và cả dòng bố mẹ, giúp thị trường độc lập, tránh lệ thuộc vào nước ngoài. Để có giải pháp đồng bộ phát triển lúa lai bền vững, ổn định, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước hỗ trợ thêm vốn, phương tiện cho các vùng sản xuất lúa lai tập trung. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ cho diện tích lúa lai F1 mà các doanh nghiệp đang sản xuất nhằm hỗ trợ cho nông dân, đầu tư thiết bị, khoa học kỹ thuật để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng giống lúa lai. | TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng để sản xuất hạt giống lúa lai trong nước phát triển bền vững đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thâm canh, chuyển dịch cơ cấu sản xuất của nông nghiệp nước ta, cần có cơ chế hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến hạt giống lúa lai năng suất, hiệu quả và tiêu chuẩn chất lượng tốt. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần điều chỉnh tăng quy mô Dự án khuyến nông về phát triển mô hình sản xuất hạt giống lúa lai F1 giai đoạn 2014 - 2016 từ 2.500 ha lên 4.000 ha để có thể đạt mục tiêu 10.000 - 11.000 tấn giống lúa F1 vào năm 2016, đáp ứng tối thiểu khoảng 70% diện tích gieo cấy lúa lai trong nước theo yêu cầu của Quốc hội khóa XIII; đồng thời cho phép lập dự án khuyến nông giai đoạn 2015 - 2017 về phát triển mô hình máy sấy giống tại các vùng sản xuất giống tập trung, trước mắt là các điểm sản xuất hạt giống lúa lai F1 để đáp ứng đủ nhu cầu sấy giống, hạn chế rủi ro và thất thoát trong khâu thu hoạch và bảo quản giống. |
Tăng quy mô dự án khuyến nông về phát triển mô hình sản xuất hạt giống lúa lai F1,
lập dự án khuyến nông về phát triển mô hình máy sấy giống tại các vùng sản xuất giống tập trung
là một trong những giải pháp góp phần giúp phát triển lúa lai bền vững. (Ảnh: Hoa Trà)
Ông Đoàn Văn Sáu - Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định) cho biết, để sản xuất hạt giống lúa lai phát triển bền vững, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước theo các chương trình, dự án khuyến nông quy mô lớn hơn, đảm bảo được lợi ích chung cho cả nhà nước và doanh nghiệp. Đặc biệt, đầu tư cho sản xuất hạt giống cần nguồn lực rất lớn. Chỉ tính riêng khâu bảo quản sau thu hoạch hiện Công ty TNHH Cường Tân có nhu cầu tiếp tục đầu tư khoảng 40-50 giàn sấy hạt giống và hệ thống kho lạnh với tổng trị giá khoảng 50 tỷ đồng. Với nhu cầu này, doanh nghiệp rất cần sự ưu đãi tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Bên cạnh đó, ông Đoàn Văn Sáu cũng cho rằng, chương trình bảo hiểm nông nghiệp cần quan tâm để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như nông dân phí tham gia bảo hiểm nông nghiệp, giúp các đơn hạn chế rủi ro khi thực hiện lĩnh vực sản xuất này.
Chỉ khi có những cơ chế, chính sách hỗ trợ để hạn chế tối đa những rủi ro, chúng ta mới có cơ sở để tạo dựng được sự gắn bó của nông dân với việc sản xuất hạt giống lúa lai, từ đó lúa lai mới phát triển bền vững trên đồng đất Việt Nam./.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Quốc Doanh cho biết: "Sản xuất giống lúa lai rất vất vả, nhiều rủi ro nhưng không thể để người nông dân chịu rủi ro. Các cơ quan chuyên môn cần sớm nghiên cứu để hoàn thiện chuỗi cung ứng giống lúa lai F1, từ nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao đến sản xuất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng đầu tư mạnh kinh phí để chủ động sản xuất giống lúa lai, nhằm đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước, tránh sự lệ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu từ nước ngoài”.
Nguồn khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã