Học tập đạo đức HCM

Có còn rau muống tiến vua?

Chủ nhật - 03/12/2017 05:41
“Sài Sơn chi biển bức, Cấn Xá chi lý ngư, Khánh Hiệp chi kỳ bành, Linh Chiểu chi úng thái” (tức: Dơi ngựa Sài Sơn, cá chép Cấn Xá thuộc huyện Quốc Oai; cua đồng Khánh Hiệp, rau muống Linh Chiểu thuộc huyện Phúc Thọ) được người dân xứ Đoài truyền tụng là tứ dị (4 của ngon vật lạ của đất Sơn Tây dùng để tiến vua). Trong số 4 sản vật đó, chỉ còn rau muống tiến vua Linh Chiểu, xã Sen Chiểu (Phúc Thọ) duy trì đến ngày nay.

 

 

Chăm sóc rau muống tiến vua tại xã Sen Chiểu (huyện Phúc Thọ).

Đặc sản ngon nức tiếng

Từ xưa, rau muống tiến vua ở làng Linh Chiểu (xã Sen Chiểu) đã là sản vật ngon nức tiếng. Đây là giống rau có ngọn to, dài, lá thưa, ăn giòn, ngọt. Tương truyền, người xưa trồng rau muống tiến vua phải rất kỳ công. Những ngọn rau muống mới nhú được luồn vào trong vỏ ốc rỗng (thường là vỏ ốc nhồi). Lúc thu hoạch, rau được ngắt lấy phần ngọn nằm sâu trong vỏ ốc, trắng nõn, xoắn lại, rất đẹp mắt...

Người cao niên ở làng Linh Chiểu kể lại: Xưa kia, có vị vua đi qua nghỉ chân tại làng. Dân quê nghèo chỉ có món rau muống dâng vua. Vua ăn thấy ngọt, mát, rất thích và từ đó lệnh cho dân làng trồng thêm rau để tiến cung... Người dân ở Linh Chiểu lý giải, sở dĩ rau muống ngon là bởi nơi đây có mạch nước sủi lộ thiên và được phù sa màu mỡ từ sông Hồng bồi đắp. Yếu tố thổ nhưỡng và giống rau chính là bí quyết tạo nên vị ngọt, giòn của rau muống tiến vua. Có lẽ do đặc trưng đó nên nhiều nơi lấy giống rau muống ở đây về trồng nhưng chất lượng không sánh bằng.

Điều đáng quý, giống rau muống tiến vua xưa, ngày nay vẫn được người dân giữ gìn và phát triển, trở thành hàng hóa đặc sản. Chủ tịch UBND xã Sen Chiểu Nguyễn Văn Tín cho biết, từ năm 2007-2009, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân khôi phục giống "rau muống tiến vua" và mở rộng sản xuất. Từ 1ha trồng thí điểm, đến nay, cả xã có 25ha trồng rau muống với 250 hộ. Cũng từ đây, thương hiệu "rau muống tiến vua Sen Chiểu" đã được người dân và người tiêu dùng chính thức sử dụng. “Rau muống tiến vua Sen Chiểu" được trồng theo quy trình VietGAP và giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp Sen Chiểu chỉ đạo sản xuất. Việc giữ gìn và phát triển được giống rau quý lâu đời khiến người dân Sen Chiểu rất mừng” - ông Tín chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Tha ở cụm 1, xã Sen Chiểu cho biết: “Gia đình trồng hơn 2 sào rau muống, so với cây lúa hiệu quả hơn. Mỗi lứa rau tôi hái 1.500 mớ, tính giá thấp nhất là 1.000 đồng/mớ thì cũng thu được 1,5 triệu đồng/sào; mùa hè cứ 15 ngày cho thu 1 lứa, mùa đông phải 30 ngày”. Nói về cách thức gieo trồng, theo bà Tha, rau giống được tuyển chọn kỹ lưỡng từ những ngọn mập, khỏe, cấy phải thưa và bảo đảm ruộng luôn ngập nước để rau vươn dài. Sau thời gian thu hoạch 4-5 tháng, người dân lại phá đi, cấy lại để rau bảo đảm ngọn rau mập, ngon. Rau muống cho năng suất cao nhất từ tháng 4 đến tháng 10, mùa đông thì kém hơn nhưng khi luộc hoặc xào vẫn rất giòn, ngọt, vị đậm, nước xanh trong...

Ở Sen Chiểu, gia đình anh Phan Huy Thân ở cụm 2 là trồng nhiều rau muống tiến vua nhất, với diện tích 1,1 mẫu. Mùa này, rau muống sinh trưởng chậm nhưng ngày nào gia đình anh cũng có rau bán và thị trường là các bếp ăn tập thể của đơn vị bộ đội, trường học. “Có thị trường tiêu thụ ổn định, quan trọng là giữ chữ tín, rau phải bảo đảm trồng, chăm sóc theo đúng quy trình và vệ sinh an toàn thực phẩm” - anh Thân nhấn mạnh.

Những điều trăn trở

Có một thực tế hiện nay, dù rau muống tiến vua là loại nông sản rất ngon, nhưng nông dân vẫn chưa làm giàu được từ đặc sản này. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sen Chiểu Nguyễn Ngọc Bạn thừa nhận: Người trồng rau vẫn còn gặp không ít khó khăn. Điển hình là rau muống vốn ưa nước, vùng trồng rau nằm ở xứ đồng trũng nên đang bị ảnh hưởng nặng nề từ nước thải trong khu dân cư.

Ngoài ra, theo Chủ tịch UBND xã Sen Chiểu Nguyễn Văn Tín, thương hiệu rau muống tiến vua Sen Chiểu dù đã xây dựng thành công từ năm 2009, nhưng khâu tiêu thụ còn nhiều bất cập. Hiện, các khách sạn, nhà hàng ở thị xã Sơn Tây và một số trường học mới tiêu thụ 20% sản lượng rau muống của xã với giá cao hơn chút; còn lại, nông dân phải tiêu thụ ở chợ địa phương với giá như rau muống thông thường.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tha mong muốn rau muống tiến vua Sen Chiểu được đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để kết nối tiêu thụ sản phẩm tốt hơn nữa; tập trung đầu tư khoa học kỹ thuật, giúp nông dân thực hiện đúng quy trình sản xuất vùng rau an toàn. “Người dân ở Sen Chiểu hái rau từ 2 đến 3h để sáng ra kịp chở lên Sơn Tây bán rong từ sáng tới trưa với giá rẻ như rau muống thường, điều này rất thiệt thòi…” - bà Tha nói.

Theo người dân địa phương, cách đây chừng 7 năm, người trồng rau tiến vua vui mừng khi được một doanh nghiệp tại Hà Nội trực tiếp về ký hợp đồng với nông dân. Phía công ty thuê ruộng của dân với giá 500.000 đồng/sào/vụ; ngoài ra, chuyển giao kỹ thuật, giống, phân bón cho các hộ trồng rau theo quy trình của doanh nghiệp. Ban đầu, rau làm ra bao nhiêu, đều được phía doanh nghiệp thu mua hết theo giá thị trường khiến ai cũng phấn khởi. “Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ sau 2-3 năm, phía doanh nghiệp cắt hợp đồng thuê đất và cũng không thu mua rau nữa. Từ đó, hàng trăm hộ dân gặp không ít khó khăn để duy trì sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Để rau muống tiến vua Sen Chiểu nói riêng và đặc sản nhiều địa phương nói chung không dừng lại ở “tiếng thơm” mà phải trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, giúp người dân nâng cao đời sống đang là vấn đề trăn trở của các cấp, các ngành và chính người sản xuất. Theo Chủ tịch UBND xã Sen Chiểu Nguyễn Văn Tín, xã đã đề nghị huyện Phúc Thọ có chính sách hỗ trợ việc tiêu thụ ổn định rau muống tiến vua ở bếp ăn tập thể của các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn. Qua đó, giúp người dân yên tâm và chủ động sản xuất, tăng thu nhập. Các cơ quan chức năng tăng cường hỗ trợ người dân tham gia các hội chợ để quảng bá sản phẩm đặc sản địa phương và tìm kiếm thị trường tiêu thụ hiệu quả, ổn định. “Để khắc phục ô nhiễm môi trường vùng sản xuất, địa phương đang gấp rút triển khai cứng hóa hệ thống kênh mương tiêu nước thải dân sinh; đồng thời, thường xuyên tuyên truyền tới người dân sản xuất phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để giữ chữ tín” - ông Nguyễn Văn Tín nhấn mạnh.

Với những nỗ lực đó, hy vọng tới đây, rau muống tiến vua Sen Chiểu sẽ tiếp tục duy trì và phát triển ổn định; đồng thời, trở thành cây trồng cho thu nhập cao để người trồng rau xứng đáng được nhận thành quả theo đúng giá trị của loài rau quý.
Theo Nguyễn Mai/hanoimoi.com
 Tags: linh chiểu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập84
  • Hôm nay38,591
  • Tháng hiện tại912,709
  • Tổng lượt truy cập90,976,102
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây