Người ta thường cho người ốm yếu, suy nhược cơ thể hoặc bị huyết áp cao... ăn sò huyết. Nó có thể được chế biến thành rất nhiều món như: Sò huyết luộc, cháo sò huyết, sò huyết xốt dầu hào, sò huyết xào chua ngọt hoặc xào với nấm... Món nào cũng ngon và bổ. Tuy nhiên, việc nuôi sò huyết không khó. Mặt khác, nó lại rất được giá vì cũng hiếm. Do đó, nếu có đủ điều kiện, bà con rất nên thả nuôi sò huyết.
Sò huyết thuộc lớp 2 mảnh vỏ. Nó như con trai con, nhưng vỏ rất dày và dạng hình trứng. Nó sống ở những nơi ven biển nhưng có lớp bùn mềm và ít sóng gió. Đó thường là những nơi gần cửa các con sông đổ ra biển. Nồng độ muối ở đây dao động trong khoảng từ 10-35%o. Nó găm mình dưới bùn và chờ ăn mùn bã hữu cơ, tảo biển và các vi sinh vật khi đi qua mang của nó. Vì vậy, nuôi thả sò huyết không phải lo khâu thức ăn. Nó tự bắt mồi tuy rất thụ động.
Chỗ nuôi sò huyết là các bãi bùn ở vùng gần cửa sông mà có bề mặt tương đối bằng phẳng với tỷ lệ bùn lên tới 70-80%. Chỗ đó ít sóng gió và là bãi triều thấp có thời gian phơi bãi ngắn, từ 5-6 giờ/ngày. Sò huyết ưa nhiệt độ nước từ 15-30 độ C. Nếu cao hơn 40 độ C hoặc thấp dưới - 2 độ C thì sò có thể bị chết. Nó cũng cần có độ mặn trong khoảng từ 10-29%0. Cao quá hoặc thấp quá đều ảnh hưởng tới sò. Nếu gặp bão tố kéo dài nhiều ngày thì rất nguy hiểm. Độ mặn giảm mạnh có thể sẽ làm cho sò bị chết hàng loạt.
Bà con chúng ta thường dùng đăng tre hoặc lưới cước để khoanh những khu nuôi. Họ đóng cọc để buộc đăng hoặc lưới. Nó cũng để khẳng định bãi nuôi của mỗi gia đình. Nếu có điều kiện thì ta nên thiết kế theo kiểu kiên cố, có bờ bao chắc chắn, vuông vức. Nguồn nước từ thủy triều đưa vào phải được lọc lại bùn, cát và ngăn các tạp vật để nguồn nước được trong sạch.
Hiện nay, giống vẫn chủ yếu là khai thác trong tự nhiên. Ta có thể lấy giống khi bãi cạn (thủy triều xuống). Ta hót lớp bùn phía trên và đưa đi đãi. Ta loại bỏ rác rưởi và bùn để sau khi sàng chỗ còn lại là sò giống. Cũng có thể lấy giống khi bãi còn ngập nước. Chọn lúc sóng yên hoặc triều bắt đầu rút, ta dùng thuyền máy có lưới cào để vét hết lớp bùn trên mặt. Sau đó, ta đãi để thu riêng sò huyết giống.
Tùy kích thước của con giống mà ta thả thưa hoặc dày. Giống cỡ 60.000 con/kg thì thả 180-300 triệu con/ha. Giống cỡ 40.000 con/kg thì thả 135-150 triệu con/ha. Thế còn giống cỡ 20.000 con/kg thì chỉ thả 72-108 triệu con/ha. Trong quá trình nuôi, cần san thưa sò giống theo định kỳ.
Phải hết sức chú ý tới môi trường nuôi, đặc biệt là độ mặn của nước. Ta nuôi sò chỉ khoảng 1 năm là đã được thu hoạch (cỡ sò từ 40-60 con/kg). Lúc thu, ta có thể dùng cào tay hoặc cào máy để thu. Ta có thể thu sò quanh năm. Nhưng thời điểm tốt nhất để thu là lúc sò đã thành thục.
Đã có nhiều người nhờ nuôi sò huyết mà giàu to!...
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng
(danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã