Nông sản Việt gặp nhiều rào cản
Theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn),các số liệu về cán cân thương mại cho biết, nông sản Việt Nam ngay từ khi hội nhập đã xuất siêu. Tuy nhiên, có một tin vui là trong năm 2018, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn đạt kết quả dương về xuất khẩu. "Điều này chứng minh rằng, thế mạnh của Việt Nam là một cường quốc về nông sản", ông nói.
Dẫn báo cáo về lộ trình cắt giảm thuế khi tham gia CPTPP của các nước thành viên, ông Sơn cho biết các khoản thuế trong nông nghiệp sẽ giảm đáng kể, nhưng còn rất nhiều hàng rào phi thuế quan phải vượt qua. Vì vậy, đây là một thách thức cho nông sản Việt Nam. Ngoài ra, khi tham gia hội nhập, thị trường Việt Nam cũng sẽ mở rộng để các nước tiến vào, vì vậy các doanh nghiệpphải vượt lên để đương đầu với thách thức.
Tuy nhiên, theo nguyên Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn, Việt Nam cũng phải đối mặt với vấn đề thách thức về thể chế, có quá nhiều cơ quan quản lý chung, có quá nhiều quy chuẩn, vì vậy việc truy xuất nguồn gốc nông sản gặp nhiều khó khăn.Thêm vào đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp Việt còn yếu. Năng lực để chứng minh về chất lượng chưa thể đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vì vậy chúng ta cần phải xây dựng các thủ tục minh bạch hơn.
Vấn đề lao động, mối quan hệ giữa tổ chức các nghiệp đoàn nông nghiệp, quan hệ giữa nông dân với doanh nghiệp là những thách thức chính. "Ngoài ra chúng ta còn 1,7 triệu trẻ em nông thôn tham gia lực lượng lao động nông nghiệp, hay quản lý di cư cũng là những thách thức mà nước ta đang phải đối mặt", ông nói.
Ngoài ra, ông còn chỉ ra nhiều rào cản khác là hàm lượng khoa học công nghệ rất ít, năng suất lao động thấp. Một nguy cơ cũng mới xuất hiện trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, theo đó, ông đưa ra biểu đồ để cảnh báo Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ tụt hậu lớn nhất.
Công nghệ sẽ là “lời giải” cho nhiều bài toán phát triển nông sản
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 – Chuyên đề nông sản diễn ra hôm 5/6, nhiều diễn giả quốc tếđã nhận định rằng, công nghệ chuỗi khối (Blockchain) sẽ là phương thức để minh bạch thông tin nông sản, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Đây cũng là “chìa khóa” để giữ thương hiệu, quảng bá thương hiệu nông sản Việt ra với thế giới.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Công ty VietTrace Verified cho biết, sở dĩ vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ quan trọng là vì ở Việt Nam hiện nay thực phẩm đối mặt với tình trạng không an toàn. Ngay cả mẫu rau lấy từ gia đình hay siêu thị đều vượt ngưỡng thuốc cho phép.
Còn ông Terry Chan, Chủ tịch Hiệp hội chuỗi cung ứng thương mại điện tử Hong Kong cho rằng, hiện hệ sinh thái nông nghiệp từ người nông dân đến người tiêu dùng trải qua quá nhiều khâu trung gian. Chính vì thế, lợi ích của Blockchain là tăng cường tính minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình, tăng hiệu suất. Công nghệ này sẽ giúp kiểm chứng các hồ sơ giao dịch, quản lý hồ sơ, quản lý quá trình hợp tác... Đặc biệt trong nông nghiệp, blockchain có thể giúp ích trong việc truy xuất nguồn gốc nông sản.
Liên quan tới vấn đề trên, ông Ưng Thế Lãm, Trưởng nhóm liên kết doanh nghiệp xuất khẩu rau củ quả cũng cho biết nông nghiệp để thành công rất cần công nghệ. Theo ông, người nông dân cần được hỗ trợ để thay đổi tư duy trong nuôi trồng, sử dụng công nghệ, giảm lệ thuộc vào những phương thức làm cũ như lạm dụng sản phẩm hóa học.
Đồng tình với các đề xuất nâng cao hàm lượng công nghệ của các doanh nghiệp, cũng tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết Bộ đang được giao làm đầu mỗi thúc đẩy cách mạng công nghệ 4.0. Tại nhiều sự kiện liên quan, Bộ KH&CN cũng đã luôn đề cập thách thức và cơ hội cho nhiều lĩnh vực trong đó nông nghiệp.
"Chúng tôi đang xây dựng dự thảo và sẽ trình cấp trên trong tháng này, với 4 nội dung, gồm: đánh giá cách mạng 4.0 trong một số lĩnh vực chủ chốt; chuyển đổi số; phát triển các ứng dụng cốt lõi trong công nghệ và hỗ trợ tín dung cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tất cả đều thiết kế thành chuỗi", ông Chiến thông tin.
Đánh giá ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, ông Chiến cho rằng điều này hết sức quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, áp dụng công nghệ cũng cần cần phải kết hợp nhiều yếu tố khác. Bộ KH&CN sẽ sớm triển khai kế hoạch liên quan trong lĩnh vực này.
Theo Phong Lâm/vietq.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã