Thế mạnh nông sản
Nhìn nhận về ngành nông nghiệp nói chung, XK nông sản nói riêng, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Việt Nam là nước hội tụ nhiều tiềm năng về nông nghiệp. Bằng chứng là trong những năm vừa qua, Việt Nam xuất siêu về nông nghiệp. Nông sản Việt hiện đã XK đến 180 nước trên thế giới. Riêng về rau quả, nếu như năm 2003 kim ngạch XK mới đạt 105 triệu USD thì đến năm 2016 đã đạt con số 1,5 tỷ USD và năm 2017 là 3,5 tỷ USD. Cả năm nay, rau quả đặt mục tiêu XK 3,5 tỷ USD. “Nông nghiệp Việt Nam tiềm năng rất lớn nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, nhất là các DN tư nhân đầu tàu về nông nghiệp", ông Toản nói.
Xung quanh câu chuyện phát triển ngành nông nghiệp, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch điều hành cấp cao của Central Group (Thái Lan) đánh giá: Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, diện tích đất canh tác trù phú trải dài từ Bắc vào Nam. Nông nghiệp được coi là chìa khóa cho sự phát triển quốc gia. Những năm gần đây, với quyết tâm đổi mới, bên cạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước, Việt Nam còn XK lượng lớn nông sản, hiện vươn lên thành 1 trong 5 quốc gia XK hàng đầu trên thế giới với một số mặt hàng, điển hình như gạo, cà phê, tiêu đen, hạt điều, cao su miền Nam,...
Là chuyên gia nhiều năm gắn bó với ngành nông nghiệp, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh: “Riêng nông sản ngay từ khi bước vào cuộc chơi hội nhập, Việt Nam đã xuất siêu. Ngay cả nhưng năm rất khó khăn như năm khủng hoảng kinh tế 2008, XK nông sản cũng vẫn đạt con số kỷ lục. Điều này chứng tỏ, Việt Nam có thế mạnh về nông sản, nếu biết phát huy thì đây là lợi thế tốt”, ông Sơn nói.
Ông Sơn nhận định: Trên thị trường quốc tế, nhu cầu đang thay đổi mạnh mẽ, nhất là ở các nước đang phát triển. Khi dân số thế giới tăng lên, nhu cầu về ngũ cốc, sữa, rau quả, thịt… đều tăng mạnh. Điều này mở ra điều kiện, cơ hội XK cho Việt Nam. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Thái Lan có lợi thế nhất.
Hội nhập càng sâu, thách thức càng nhiều
Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới. Trong công cuộc hội nhập đó, hàng nông, lâm, thủy sản XK khấp khởi vì các mức thuế quan được cắt giảm, song còn rất nhiều hàng rào phi thuế quan phải vượt qua. Theo ông Sơn, đây là thách thức đáng kể cho nông sản Việt Nam. Thêm vào đó, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của các DN Việt còn yếu. Năng lực để chứng minh chất lượng chưa thể đáp ứng nhu cầu của thị trường. “Ngoài ra, hàm lượng khoa học công nghệ rất ít, năng suất lao động thấp. Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức về thể chế khi có quá nhiều cơ quan quản lý chung, có quá nhiều quy chuẩn dẫn tới việc truy xuất nguồn gốc nông sản gặp nhiều khó khăn”, ông Sơn nói.
Liên quan tới vấn đề này, ông Trần Thanh Hải cho rằng, Việt Nam đã có nhiều thành công trong gia tăng hàng nông sản XK ra thế giới, được đánh giá cao về khả năng cung ứng hàng hóa số lượng lớn, song chất lượng sản phẩm vẫn là một thách thức. Thêm vào đó, hàng Việt chủ yếu xuất thô không có thương hiệu thương mại. Nếu không tạo sự khác biệt, Việt Nam sẽ mất lợi thế XK nông sản.
Đáng chú ý, ông Hải nhấn mạnh, nhiều DN Việt chưa hiểu thấu đáo đối tác, thị trường dẫn tới nhiều trường hợp, hàng XK vi phạm một số quy định tại thị trường quốc tế, khó thông quan. Ngoài ra, việc kết nối thị trường tiêu thụ, giải quyết khâu logistic cũng là một bài toán. “Các DN nên tập trung tìm hiểu thị trường, đẩy mạnh đầu tư khâu chế biến, đóng gói… để tăng lợi nhuận khi XK, đồng thời có cơ hội đầu tư bền vững”, ông Hải nói.
Đột phá ứng dụng công nghệ
Làm sao để ngày càng nâng chất lượng, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho nông sản XK? Đáp lại câu hỏi này, nhiều chuyên gia nhìn nhận, chìa khóa là phải đẩy mạnh, thậm chí đột phá ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Ưng Thế Lãm, Trưởng Nhóm liên kết DN XK củ quả chia sẻ: “Theo kinh nghiệm của tôi, khi ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, mọi thứ đều có tiêu chuẩn, biên bản rõ ràng. Dựa vào đó sẽ thấy sai chỗ nào sửa ngay chỗ đấy. Với người nông dân Việt Nam, trước đây, mục đích của họ là kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Họ chỉ mong bán được sản phẩm mà không nghĩ bất cứ tiêu chuẩn nào cả. Hiện nay, khi áp dụng công nghệ vào sản xuất nông sản, họ phải áp dụng các tiêu chuẩn để có thể đưa sản phẩm ra thị trường XK. Theo đó, ai làm theo tiêu chuẩn nào sẽ bán được với giá tương ứng. Ví dụ như, sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ bán giá thế nào, không theo tiêu chuẩn nào cả thì giá sẽ thế nào... Nói cách khác, những thay đổi khi áp dụng công nghệ giúp người dân hiểu nếu làm đúng tiêu chuẩn sẽ nhận được thu nhập tương ứng, mọi thứ đều được minh bạch hoá”, ông Lãm phân tích.
Nói về việc ứng dụng công nghệ với các chuỗi sản phẩm và cách triển khai công nghệ để đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Terry Chan, Chủ tịch Hiệp hội chuỗi cung ứng Thương mại điện tử Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng: “Nông nghiệp Việt Nam đang thâm nhập vào các thị trường trên thế giới, song vẫn còn gặp một số khó khăn về chất lượng sản phẩm, về chuỗi cung ứng cũng như tính minh bạch sản phẩm. Để giải quyết các vấn đề này, cần đẩy mạnh và phát triển ứng dụng công nghệ blockchain vào nông nghiệp, từ đó chúng ta có thể nhanh chóng kết nối với các thị trường lớn trên thế giới như cách mà Alibaba đã làm... Alibaba đã ứng dụng công nghệ này rất thành công”, ông Terry Chan nói.
Từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ nêu quan điểm: Ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm là cần thiết. Tuy nhiên, áp dụng công nghệ cũng cần phải kết hợp nhiều yếu tố khác. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ sớm triển khai kế hoạch liên quan và đồng hành cùng DN trong lĩnh vực này. Nói rộng ra về vấn đề ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong nhiều lĩnh vực sản xuất, trong đó có nông nghiệp, ông Chiến cho biết thêm: "Bộ đang được giao làm đầu mối thúc đẩy cách mạng công nghệ 4.0. Chúng tôi đang xây dựng dự thảo và sẽ trình cấp trên trong tháng này với 4 nội dung, gồm: Đánh giá cách mạng 4.0 trong một số lĩnh vực chủ chốt; chuyển đổi số; phát triển các ứng dụng cốt lõi trong công nghệ và hỗ trợ tín dụng cho các DN ứng dụng công nghệ cao. Tất cả đều thiết kế thành chuỗi", ông Chiến cho hay.
Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Khi tham gia blockchain, hệ thống chuỗi sẽ lưu trữ thông tin của cả chuỗi khối trước, xác định rõ đóng góp của các bên tham gia. Với những đặc thù này, công nghệ blockchain mở ra một xu hướng ứng dụng tiềm năng cho nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông. Trong lĩnh vực bán lẻ hay nông nghiệp, blockchain sẽ phục vụ hiệu quả cho việc truy xuất nguồn gốc để biết rõ các sản phẩm, hàng hóa được NK, sản xuất từ đâu. Công nghệ blockchain được áp dụng từ năm 2015. Các nhà công nghệ dự đoán trong 3-5 năm tới, công nghệ này sẽ được áp dụng nhiều hơn nữa. |