TS.Nguyễn Văn Bắc, Phó trưởng Bộ phận thường trực Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (phụ trách chăn nuôi), người có “thâm niên” hơn 20 năm gắn bó với con gia cầm đã được lãnh đạo Bộ NN-PTNT tin tưởng giao cho trọng trách Chủ nhiệm dự án này (giai đoạn 2011 - 2013).
Dự án được thực hiện với 3 nội dung chính gồm: Xây dựng các mô hình trình diễn - Đào tạo nông dân - Tuyên truyền nhân rộng mô hình. Dự án được triển khai ở 2 vùng trọng điểm chăn nuôi vịt của cả nước là đồng bằng sông Hồng (Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng) và ĐBSCL (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh). Mục tiêu lớn của dự án là tăng thu nhập cho nông dân nhờ áp dụng TBKT mới và đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Các mô hình chăn nuôi thủy cầm ATSH ở ĐBSCL.
Khi nhận nhiệm vụ, TS. Bắc trăn trở thậm chí lo lắng trước tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 liên tục bùng phát ở khu vực ĐBSCL và nhiều vùng chăn nuôi trên cả nước có thể sẽ tác động tiêu cực tới dự án.
Tuy nhiên, vì cái tâm với “nghiệp” gia cầm, TS. Bắc cùng đồng nghiệp vẫn lăn xả chạy ngược chạy xuôi khắp 14 tỉnh của dự án để hỗ trợ nông dân áp dụng chăn nuôi ATSH, dù chức danh “chủ nhiệm” chỉ hưởng mức lương 9 triệu đồng/năm (hơn 700.000 đồng/tháng).
“Điều vui nhất của tôi là 100% các hộ tham gia mô hình đã dứt được dịch bệnh và đều có lãi dù thị trường có nhiều biến động lớn. Quan trọng hơn nữa là mô hình đang kéo nhiều địa phương cùng vào cuộc để nhân rộng mô hình chăn nuôi bền vững và hiệu quả này!”, TS. Bắc nói.
Cụ thể, thông qua dự án, nhiều địa phương đang hình thành các “hạt nhân” chăn nuôi ATSH tiêu biểu, trở thành mô hình điểm để nhiều bà con tham quan, học tập làm theo. Tại An Giang, hộ ông Ngô Phước Lộc với mô hình “trên vịt, dưới cá” từ 2 năm qua đã áp dụng phương pháp chăn nuôi khép kín, tập trung, xa khu dân cư, tiêm ngừa vacxin đầy đủ và vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại khoa học.
Nhờ vậy, mỗi lứa vịt 600 - 700 con xuất chuồng và bán trứng cho ông thu nhập hàng chục triệu đồng. Đặc biệt, dưới ao ông còn thả cá để gia tăng thu nhập, mỗi năm thu trên 1 tấn cá các loại.
TS. Nguyễn Văn Bắc: Từ “cú hích” hỗ trợ ban đầu của dự án, nhiều hộ đã chủ động mở rộng quy mô SX và tự đầu tư tủ ấp trứng để SX con giống, đồng thời hình thành nhóm, tổ chăn nuôi vịt ATSH (nhiều nhất tại khu vực An Giang). Ngoài ra, lãnh đạo nhiều địa phương đã chủ động phê duyệt triển khai các dự án chăn nuôi theo hướng ATSH của riêng mình như: Xây dựng mô hình nuôi vịt ATSH trên địa bàn huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre; dự án phát triển chăn nuôi gia cầm ATSH trên địa bàn tỉnh An Giang hay ở Cần Thơ có dự án tập huấn chăn nuôi ATSH cho hàng nghìn lượt hộ... Các dự án này đang tạo nên khí thế mới mẻ và xu hướng chăn nuôi đảm bảo sạch bệnh, hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường. |
Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Cường ở xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, Bạc Liêu tham gia mô hình được cung cấp 200 vịt siêu thịt giống Supper M với định mức hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn, 30% thuốc sát trùng và tập huấn kỹ thuật. Sau khi thực hiện bài bản các yêu cầu về chăn nuôi ATSH, đàn vịt phát triển tốt, không có dịch bệnh, trọng lượng đạt trên 3 kg/con, đã giúp gia đình có thu nhập cả chục triệu đồng.
Nhiều mô hình vịt đẻ hướng thịt tại An Giang, Tiền Giang và Bắc Ninh còn tạo ra vùng cung cấp giống vịt con thương phẩm chất lượng cao tại chỗ cho địa phương. Nhiều mô hình nuôi vịt đẻ hướng trứng tại Trà Vinh, Long An, An Giang… đã giúp nông dân giảm chi phí, tăng hiệu quả nhờ vịt đẻ sớm (bình quân 90 ngày tuổi so với 150 ngày tuổi ở giống vịt cũ) và kéo dài (3 năm so với 1 năm ở giống vịt cũ).
Đánh giá về phương thức chăn nuôi ATSH, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng khẳng định, năng suất và hiệu quả kinh tế của vật nuôi sẽ đươc nâng lên đáng kể. Vịt nuôi 50 - 55 ngày tuổi trọng lượng bình quân 3 - 3,1 kg/con, với giá thịt bán khoảng 32 - 34.000 đ/kg trọng lượng hơi thì mỗi con vịt siêu thịt thu được 102.000 đ/con, cao hơn so với đại trà khoảng 20.000 - 27.000 đ/con.
Ngoài ra về mặt xã hội, mô hình đã nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đó khuyến khích chăn nuôi thủy cầm phát triển theo hướng bền vững, tận dụng tiềm năng sẵn có và lao động nông nhàn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần trong việc xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, qua các buổi tập huấn, nhiều nông dân đã được chuyển giao TBKT, qua đó cũng góp phần nâng cao dân trí ở các vùng nông thôn.
Trao đổi với NNVN, bà Nguyễn Thị Xoàn, PGĐ Trung tâm Khuyến nông An Giang cho biết: Trong 3 năm tham gia thực hiện dự án, trung tâm đã cung cấp cho gần 40 hộ khoảng 1.100 con vịt hướng trứng và 4.500 con vịt bố mẹ hướng thịt. Điều ghi nhận lớn nhất là tất cả các mô hình đều không xảy ra dịch bệnh, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp người chăn nuôi có được hiệu quả kinh tế.
Dự án cũng góp phần chuyển đổi và xóa dần phương thức chăn nuôi vịt chạy đồng sang chăn nuôi tập trung, tiến tới hình thành các hợp tác xã chăn nuôi gia cầm ATSH, cung cấp nguồn thịt đảm bảo VSATTP.
theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã