Gia đình ông Phan Đăng Bá ở xóm 9, xã Hồng Sơn đã trồng mướp hương cách đây trên 10 năm. Hiện tại, gia đình ông trồng hơn 1 sào mướp. Mướp được xuống giống từ tháng 3, sau gần 2 tháng thì cho thu hoạch. Cứ 2 ngày, ông Bá thu hái mướp 1 lần, mỗi lần được khoảng 60 kg, có ngày lên đến 80 kg; với giá bán sỉ tại chợ 5.000 đồng/kg ông thu về 300.000 đồng/ngày.
Ông Bá chia sẻ kinh nghiệm trồng mướp năng suất cao: Trước khi trồng phải bón lót phân chuồng hoai mục, mỗi gốc khoảng 60kg phân chuồng; cần bón bổ sung thêm phân bón kali, lân, đạm một cách cân đối. Phải nhìn vào màu lá của cây để bón, nếu lá vàng, ít ngọn phải bón thêm đạm; lá sáng cứng cần dừng bón đạm. Khi quả ít phải tăng lượng kali để cây tăng sức ra quả.
Mỗi sào chỉ trồng khoảng 90 gốc, hàng cách hàng 3m, gốc cách gốc 2,5m. Những ngày nắng nóng phải chuẩn bị sẵn máy bơm để tưới nước kịp thời.
Cây mướp hương được trồng ở Hồng Sơn là chất đất vùng đồi núi khiến quả mướp thơm ngon đặc trưng.
Người dân trồng mướp ở đây không phải phun bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào, bởi quả mướp hương vỏ dày, thời gian sinh trưởng rất nhanh, khi quả ra bằng ngón tay út chỉ sau 5 ngày là đã cho thu hoạch.
Mướp hương cho thu hoạch trong 5 tháng liên tục, trong đó trong 2,5 tháng mướp cho thu hoạch thường xuyên. Mỗi sào mướp mang lại nguồn thu khoảng 22 triệu đồng trong suốt cả vụ thu hoạch; ước tính với 1 ha, người dân thu về 450 triệu đồng.
Hiện nay ở xóm 9, xã Hồng Sơn có hàng chục hộ trồng mướp, với tổng diện tích 6 ha.
Trong nhiều năm qua, bà con không mở rộng diện tích trồng ồ ạt mà “căn” theo đầu ra xuất bán để điều chỉnh cho phù hợp; mục đích chính là giữ giá không để giảm xuống mức thấp.
Ngoài diện tích trồng mướp hương, toàn xóm có 40 hộ trồng mướp đắng, nhiều hộ gia đình thu hoạch mỗi ngày gần 1 tạ mướp đắng, với giá bán tại vườn 6.000 đồng/kg. Để cây mướp đắng không bị sâu bệnh, người dân sử dụng biện pháp đơn giản là dùng mồi bả sinh học vào một chiếc chai nhựa để nhử các loài chích hút phá hoại quả.
Theo ông Phan Đăng Sơn - xóm trưởng xóm 9, xã Hồng Sơn, bà con địa phương có kinh nghiệm trồng mướp nhiều năm qua. Ai có kinh nghiệm, phương pháp sản xuất hiệu quả thì thường chia sẻ cho các hộ sản xuất khác. Nhờ vậy, các hộ trồng mướp đều có được nguồn thu nhập cao.
Quả mướp được xem là "đặc sản" của xã miền núi Hồng Sơn. Trồng các loại mướp hương, mướp đắng là hướng sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương này.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã